Thứ năm, ngày 18/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Chuyện nghề ở xứ sở Kim tự tháp


(04/10/2018 15:34:48)

Thấm thoắt đã gần 9 tháng tôi rời xa Hà Nội, xa ngôi nhà Thông tấn – nơi mà tôi được rèn luyện chuyên môn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm qua sự dìu dắt của các thế hệ đi trước và sự giúp đỡ của đồng nghiệp trước khi bước vào chặng đường của một phóng viên thường trú ngoài nước ở xứ sở của Kim tự tháp.

Phóng viên Anh Tuấn, Nguyễn Trường tại trụ sở Quốc hội Ai Cập, tháng 5/2018

1. Một ngày đầu tháng 9, về đến trụ sở CQTT tại Cairo (Ai Cập) an toàn sau buổi ghi hình dẫn hiện trường đánh giá về tình hình ở Syria, một điểm nóng ở khu vực Trung Đông, tôi và phóng viên Nguyễn Trường mới thực sự thở phào. Chuyến công tác đã để lại cho chúng tôi trải nghiệm khó quên.
 
Khi chúng tôi đang ghi hình tại hiện trường thì hai nhân viên an ninh Ai Cập với đủ công cụ hỗ trợ và máy bộ đàm xuất hiện cùng một số người dân địa phương. Họ yêu cầu chúng tôi dừng tác nghiệp, xuất trình giấy tờ, thẻ phóng viên nước ngoài và thu dọn đồ nghề theo họ về trụ sở cơ quan an ninh để làm việc.
 
Trên đường đi, chúng tôi rất lo lắng, mặc dù thời gian qua, khi tác nghiệp trên đường phố Cairo đã không ít lần bị cản trở, hay bị người dân địa phương gọi điện báo cảnh sát đến kiểm tra. Mồ hôi túa ra, ướt sũng lưng áo dù ngồi trên xe có điều hòa. Điều chúng tôi lo nhất là hình dẫn có thể không đạt, không kịp gửi hình về Tổng xã theo yêu cầu của Ban biên tập tin Thế giới, hay chẳng may chúng tôi bị giữ lại trong vài tiếng đồng hồ, bị tịch thu máy quay, thì coi như công sức đổ xuống sông, xuống bể hết.
 
May mắn thay, tại trụ sở cơ quan an ninh, sau khi kiểm tra thấy đủ giấy tờ hợp pháp, họ đã cho chúng tôi về. Anh Nguyễn Trường cầm lái tức tốc quay về cơ quan kịp thời xử lý hình ảnh, báo cáo gửi về Tổng xã... Cho đến khi nhận được thông báo, tin phát vào lúc 20 giờ cùng ngày trên kênh Vnews, tôi mới cảm thấy nhẹ người. Chúng tôi đã có một phen hú vía trên bước đường tác nghiệp nơi miền xa nắng cháy.
 
2. Khi tác nghiệp tại Ai Cập, chúng tôi còn gặp không ít phiền hà do các ngành chức năng nước này tăng cường kiểm soát hoạt động của phóng viên nước ngoài. Ngoài thẻ báo chí, Cục quản lý thông tin nhà nước Ai Cập còn có quy định về giấy phép quay phim, chụp ảnh tại những địa điểm cụ thể. Đều đặn mỗi tháng, anh em CQTT Cairo lại phải đi xin giấy phép quay phim, chụp ảnh do Bộ Nội vụ Ai Cập cấp.
 
Đợt thực hiện tuyến tin, bài về World Cup 2018, giải đấu có sự góp mặt của đội tuyển bóng đá quốc gia Ai Cập, tôi hăm hở cầm máy ra đường với hy vọng có thể làm được một phóng sự ảnh đặc sắc về không khí World Cup tại Cairo.    
    
Dừng chân trước một tòa nhà có trang trí đẹp mắt với cờ các nước dự World Cup cùng những trái bóng tròn, vừa định giơ máy ảnh lên, tôi liền bị các nhân viên an ninh tòa nhà vây quanh không cho chụp, thậm chí xua đuổi. Tôi đành trở về cơ quan. Ngày hôm sau, trong vai một khách du lịch, chỉ sử dụng điện thoại để chụp, tôi đã có một phóng sự ảnh ưng ý đăng trên báo điện tử VietnamPlus.
 
Sau này, khi quay phóng sự không khí World Cup ở Cairo, tôi phải nhờ một anh bạn người bản xứ đi cùng làm “vệ sĩ”, hỗ trợ chúng tôi trong quá trình ghi hình và phỏng vấn. Chỉ có như thế mới tiếp cận được các điểm cần quay phim, xử lý được các tình huống phát sinh trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho phóng viên.
 
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng đoàn công tác và PV Trương Anh Tuấn (thứ ba bên trái) tại chân Kim tự tháp

3. Còn nhớ lần đi tháp tùng đoàn đại biểu Đảng ta do đồng chí Võ Văn Thưởng, UVBCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu thăm và làm việc tại Ai Cập hồi cuối tháng 5/2018. Vì chưa có kinh nghiệm đi theo đoàn lãnh đạo cấp cao, chúng tôi không khỏi băn khoăn. Một loạt câu hỏi được đặt ra như: Quay phim thế nào, di chuyển theo đoàn ra sao, phối hợp vừa làm tin vừa quay hình thế nào để đảm bảo chất lượng của các loại hình thông tin.
 
Khi tác nghiệp mới thấy “choáng”. Tất cả các cuộc gặp giữa lãnh đạo Đảng ta và lãnh đạo nước bạn, phóng viên chỉ được phép quay tối đa 2 - 3 phút và không được sử dụng chân máy, hết thời gian là các nhân viên an ninh mời ra ngoài. Đó là chưa kể những lúc phòng họp thiếu ánh sáng, hoặc các vị lãnh đạo ngồi gần cửa kính và ngược sáng… Nhưng thật may, thông tin và hình ảnh gửi về Tổng xã vừa đủ và đạt chất lượng, giúp anh em CQTT Cairo hoàn thành nhiệm vụ.
 
4. Không chỉ khi tác nghiệp, mà ngay cả trong cuộc sống hằng ngày, chúng tôi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Lái xe ô tô ở Ai Cập là một thách thức lớn đối với nhiều phóng viên nước ngoài. Người dân ở đây, dù đi đường trường, trên đường cao tốc, qua sa mạc hay trong phố sá chật hẹp, người xe đông đúc, thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ. Rồi chuyện bất đồng ngôn ngữ hay khác biệt về văn hóa, ứng xử nơi công cộng cũng là một trở ngại không nhỏ…
 
Nhưng rồi, tình yêu và đam mê với công việc đã giúp chúng tôi vượt qua vất vả, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Với tôi, niềm vui lớn nhất khi ở nơi đất khách là được gặp bạn bè, đồng nghiệp từ Việt Nam sang thăm hoặc công tác. Đơn giản là khi ấy, tôi được nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, nghe kể chuyện về quê hương, đất nước, hỏi thăm bạn bè đồng nghiệp cùng cơ quan. Và hình ảnh anh em phóng viên không phân biệt chức vụ, tuổi tác, từ trong nước sang hay ở nước ngoài, chia sẻ với nhau từng quả bí, gói bánh đa quê, là những gì thực sự đáng nhớ và trân trọng ở xứ sa mạc xa xôi này.
 
 

Trương Anh Tuấn (Phụ trách CQTT Cairo, Ai Cập)
Nội san thông tấn số 9/2018