Thứ tư, ngày 03/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đảm bảo an toàn khi đưa tin cháy rừng


(02/01/2018 10:59:00)

Nhiều năm công tác tại địa bàn miền núi, từng trực tiếp tham gia đưa tin về các vụ thiên tai, cháy rừng và mưa lũ, nhà báo Lục Văn Toán, nguyên Trưởng CQTT tại Lào Cai đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý, đặc biệt trong tác nghiệp phòng chống cháy rừng để các đồng nghiệp tham khảo.

Nhà báo Lục Văn Toán trong một lần tác nghiệp tại xã vùng biên huyện Mường Khương, Lào Cai


Hiện nay chưa có “cẩm nang” hướng dẫn phóng viên cách tác nghiệp về các vụ hỏa hoạn, cháy rừng, thiên tai một cách đầy đủ và khoa học. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi chỉ có một lời khuyên, mong các bạn phóng viên (PV) lưu ý là phải cẩn trọng, linh hoạt trong các tình huống để vừa có được thông tin, hình ảnh vừa đảm bảo an toàn tính mạng, giữ vẹn toàn trang thiết bị mang theo.
 
Tiếp nhận và xử lý nguồn tin
Khi tiếp nhận thông tin có cháy rừng trên địa bàn, PV phải xác minh rõ độ tin cậy nguồn tin. Trên cơ sở đó, báo cáo với Trưởng CQTT (nếu là PV), hoặc lãnh đạo trực tiếp để có phương án phân công người và thiết bị đi tác nghiệp.
 
Trưởng CQTT khẩn trương phân công PV trẻ, khỏe đi làm nhiệm vụ, đồng thời bố trí người trực ở cơ quan, thường xuyên liên hệ với Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng nắm chắc thông tin chỉ huy, đồng thời giữ liên lạc với PV tại hiện trường.
 
Tiếp đó, cần tìm cách liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan để thực hiện một số việc cần thiết, như: Xác định khu rừng đang bị cháy thuộc địa phận nào, loại rừng gì? Đã từng bị cháy, bị xâm hại lần nào chưa? Mức độ nguy hiểm đến đâu nếu không dập lửa kịp thời; cùng phối hợp cơ động đến thực địa; tìm hướng đi hợp lý và ngắn nhất để sớm tiếp cận hiện trường.
 
PV cũng cần bám sát Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng địa phương để nắm phương án chữa cháy và phòng chống cháy lan; quân số huy động tại chỗ; phương án sơ tán dân… Đây là thông tin hữu ích để làm tư liệu đưa vào bài viết cùng với hình ảnh quay, chụp được sau đó.
 
Trường hợp quá gấp, không liên hệ được với lực lượng chức năng địa phương, PV có thể dùng phương tiện cá nhân nhờ người dân sở tại dẫn đường tới địa điểm xảy ra cháy, vì chỉ có người dân địa phương mới thông thạo những khu rừng thuộc địa bàn nơi họ sinh sống.
 
Còn nhớ vụ cháy ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, tháng 12/2008, điểm cháy tại thôn Séo Mý Tỷ, cách thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai khoảng 20km về phía Đông. Đây là địa bàn vùng sâu, đường giao thông khó khăn, chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô đặc chủng. Vì thời gian quá gấp, không thể liên hệ để có ô tô, tôi đã thuê một người dân địa phương thông thuộc đường, ngồi sau xe gắn máy ngược dốc đến vùng hỏa hoạn. Kết quả, từ thị trấn Sa Pa sau gần hai tiếng hết xuống dốc lại ngược dốc, len lỏi trong rừng, tôi đã tiếp cận hiện trường sớm hơn dự kiến và nhanh hơn các đồng nghiệp khác, lấy đủ hình ảnh và đảm bảo an toàn cho cả người và thiết bị.
 
Tác nghiệp tại hiện trường
Khi tiếp cận đám cháy, PV quay phim, dẫn hiện trường, phải chọn vị trí thuận lợi, có lối thoát khi tình huống xấu xảy ra.
 
Chọn vị trí đứng ghi hình nhất thiết phải tránh ngược chiều gió so với đám cháy, phòng lửa cháy lan và khói nóng táp vào người nguy hiểm đến tính mạng, làm hư hại máy móc. Chọn nơi thuận lợi còn giúp PV tránh thú dữ, rắn rết chạy ra từ trong đám cháy. Điều này rất quan trọng, nhất là ở vùng núi cao hiểm trở, PV phải quan sát kỹ địa hình, tránh đẩy mình vào thế không có lối thoát hiểm.
 
Khi dẫn hiện trường, PV có thể quay lưng về phía đám cháy để khán giả xem truyền hình thấy được hình ảnh đám cháy và các lực lượng tham gia chữa cháy.
 
Tư trang cá nhân
PV đưa tin cháy rừng phải chuẩn bị đủ trang thiết bị cần thiết: Máy quay phim, máy ảnh, thẻ nhớ, pin dự phòng để chủ động khi tác nghiệp độc lập.
 
Ngoài phương tiện tác nghiệp, PV cần chuẩn bị trang phục gọn gàng, lương thực, đồ dùng cần thiết. Thường thì người đi rừng sẽ mang theo thức ăn gọn nhẹ, nhưng đủ chất dinh dưỡng như lương khô, bi đông hoặc chai đựng nước có pha chút muối chống mất nước. Ngoài ra, cần mang theo một con dao có thể chặt được cây, bật lửa, đèn pin và một gói muối, đề phòng phải tự kiếm lương thực khi không may bị lạc trong rừng.
 
PV cũng cần có kỹ năng tìm thức ăn, nước uống, hay định hướng khi bị lạc trong rừng. Kỹ năng khá cần thiết cho PV khi đi rừng là cách kiếm nước uống khi không tìm được nguồn nước. Các bạn có thể xuống khe cạn, lấy nước từ thân cây chuối rừng, trong ống cây giang mọc dưới khe. Nếu trên đỉnh núi, có thể tìm nước uống từ thân dây rừng bằng cách: Chọn một sợi dây rừng lớn đang sống khoẻ mạnh, một người ở trên cao, một người dưới gốc, đồng thời chặt đứt sợi dây. Lượng nước từ trong đoạn dây dài 5 - 6m chảy ra, có thể đủ cho cả hai người uống…
 
Trong quá trình tác nghiệp phải thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan để nắm bắt, bổ sung thông tin cần thiết. Khi đã đủ tư liệu làm tin, PV cần tranh thủ “đẩy” hình về Tổng xã kèm tin đọc điện thoại, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh và chính xác.
 

Lưu ý khi tác nghiệp cháy rừng:

- Liên hệ với chính quyền địa phương để kiểm chứng thông tin về vụ cháy rừng, xác định địa điểm cháy, mức độ cháy…

- Tìm hướng đi ngắn nhất đến hiện trường vụ cháy. Nên phối hợp với cơ quan chức năng hoặc người dân địa phương để đến hiện trường nhanh và an toàn.

- Bám sát Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng địa phương nắm phương án chữa cháy, phòng chống cháy lan, quân số huy động tại chỗ, phương án sơ tán dân…

- Chọn vị trí đứng ghi hình thuận lợi, nhưng không ngược chiều gió so với đám cháy, không chỉ phòng lửa cháy lan và khói nóng táp vào người nguy hiểm đến tính mạng, làm hư hỏng máy móc, mà còn tránh được thú dữ, rắn rết chạy ra từ trong đám cháy.

- Thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan để cập nhật, bổ sung thông tin cần thiết.

- Trang phục gọn gàng. Nên mang theo thức ăn gọn nhẹ, đủ chất dinh dưỡng (như lương khô), chai đựng nước (có pha chút muối chống mất nước), dao, bật lửa, đèn pin và một gói muối, đề phòng có thể phải tự kiếm lương thực khi không may bị lạc trong rừng.

- Tìm kiếm nước uống trong rừng: Từ thân cây chuối rừng, trong ống cây giang mọc dưới khe, từ thân dây rừng lớn khỏe mạnh…

Lục Văn Toán
Theo Nội san thông tấn số 12/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giữ mình khi tác nghiệp nơi rừng núi (01/11/2017 15:16:32)

Ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính  (02/08/2017 15:25:28)

Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ hai bảng xếp hạng về Chỉ số ICT 2016 (23/03/2017 08:49:11)

Quy tắc hoạt động và hướng dẫn biên tập của OANA (02/03/2017 10:31:41)

Giải đáp Pháp luật về luật hôn nhân và gia đình (số 15) (06/12/2016 14:32:20)

Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 14) (06/12/2016 14:31:06)

Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 13) (06/12/2016 14:29:56)

Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 12) (06/12/2016 14:28:35)

Trang thông tin điều hành tác nghiệp TTXVN (05/12/2016 10:42:24)

Giải đáp Pháp luật về lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền hình (số 10) (03/11/2016 14:08:49)