Sổ tay phóng viên
Giữ mình khi tác nghiệp nơi rừng núi
(01/11/2017 15:16:32)
Vốn được sinh ra ở một tỉnh vùng cao, cùng gần 20 năm tác nghiệp nơi rừng núi khó khăn, hiểm trở nhất của Tây Bắc, tôi và đồng nghiệp đã thực hiện nhiều chuyến công tác ở những vùng khó khăn, địa hình phức tạp, nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Vốn được sinh ra ở một tỉnh vùng cao, cùng gần 20 năm tác nghiệp nơi rừng núi khó khăn, hiểm trở nhất của Tây Bắc, tôi và đồng nghiệp đã thực hiện nhiều chuyến công tác ở những vùng khó khăn, địa hình phức tạp, nguy hiểm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chúng tôi xin chia sẻ một chút kinh nghiệm tác nghiệp ở vùng rừng núi như sau:
Nguy cơ nhiều
Khó khăn lớn nhất khi tác nghiệp ở vùng rừng núi là địa hình hiểm trở; tầm nhìn hạn chế, bị che khuất bởi núi đá, cây cối rậm rạp; tập quán đốt rừng làm nương hoặc đốt rừng để đuổi thú của người dân; giao thông cách trở, đi lại khó khăn… Chính vì độ dốc lớn, nên mỗi khi mưa xuống, thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Cây cối rậm rạp, núi non che khuất tầm nhìn nên dễ bị lạc đường. Việc đi lại ở vùng miền núi cũng dễ gặp chuyện bất trắc…
Làm gì để phòng tránh?
Nhiều bạn phóng viên rất dũng cảm. Để “săn” những thước phim, bức ảnh quý, họ sẵn sàng xả thân. Chúng ta trân trọng những đồng nghiệp đó, những việc làm đó, nhưng khi tác nghiệp cần hết sức thận trọng, an toàn cho mình và đồng nghiệp phải đặt lên hàng đầu.
1. Quan sát kỹ trước khi tác nghiệp
Trước khi chọn vị trí đứng chụp ảnh, quay phim ở hoàn cảnh không bình thường, phóng viên cần thận trọng, quan sát kỹ. Đơn giản là khi bắt tay vào công việc, bạn chỉ tập trung vào chuyên môn, không để ý được chung quanh nữa.
Khi tác nghiệp ở vùng mưa lũ, nơi có nguy cơ cao nhất lại chính là nơi phóng viên thường lựa chọn làm vị trí để tác nghiệp, chẳng hạn trên cầu, mép bờ sông, dưới lòng suối… Đó là những địa điểm có tầm quan sát rộng, dễ tác nghiệp nhất và có khuôn hình đẹp. Mặc dù nguy cơ cao, nhưng vì không có lựa chọn nào khác nên bắt buộc chúng ta phải “sống chung với lũ”.
Bị lạc đường khi đi rừng cũng là một trong những nguy cơ mà người phóng viên dễ gặp, khi làm các đề tài chống lâm tặc, phòng chống cháy rừng. Do đó, trước khi xuất phát, hoặc trên đường di chuyển trong rừng, cần quan sát, định vị một vị trí cao như ngọn cây, đỉnh núi để làm mốc, đề phòng trường hợp lạc rừng, cần quay lại.
2. Kỹ năng cần thiết ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Những cây cầu kiên cố, khi xây dựng đã được thiết kế để chịu được tác động của nhiều yếu tố, trong đó có mưa lũ. Tuy nhiên, khi lũ về, cuốn theo cây cối, rác và mắc lại các trụ cầu, đây là điều thực sự nguy hiểm. Bởi lúc đó, mực nước lớn, dòng chảy mạnh, lực cản nước của cây cối mắc lại khiến cho trụ cầu phải chịu đựng sức đẩy của nước gấp nhiều lần bình thường. Phóng viên thường chọn vị trí giữa cầu để có được những khuôn hình đắt. Trong tình huống này, nên chọn phía sát bờ, an toàn nhất là đứng trên bờ. PV luôn mặc áo phao khi tác nghiệp trên sông nước, vùng bão lũ.
Khi lũ về, nhiều vị trí bờ sông, suối nhìn có vẻ vững chắc, nhưng thực ra phía dưới mặt nước đã có những hàm ếch, nên có thể lở xuống bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, trước khi chọn vị trí để tác nghiệp, phóng viên cần quan sát kỹ, thậm chí nghe ngóng xem có tiếng đất đá rơi xuống nước không. Kinh nghiệm cho thấy, nên đứng trên các tảng đá lớn, bởi đá có kết cấu bền vững, khi gặp nước không bị bở ra như đất.
Việc đứng tác nghiệp hoặc lội qua suối cạn khi trời đang mưa là không nên. Trong trường hợp bất khả kháng, cần chú ý quan sát màu nước, lắng tai nghe ngóng. Nếu màu nước thuần khiết, hoặc trong hẳn, hoặc đục hẳn thì không đáng ngại. Tuy nhiên, nước bỗng nhiên chuyển màu, cần tránh xa lòng suối; hoặc đột ngột nghe tiếng nước chảy lớn bất thường, bạn cần nhanh chóng di chuyển lên vị trí cao nhất có thể. Vì vùng núi có độ dốc lớn, lòng suối hẹp, lũ thường về rất nhanh khi mưa xuống. Nguy hiểm nhất là các “túi nước” khổng lồ trong lòng đất giáp vách núi, khi gặp mưa kéo dài, vách ngăn no nước bục ra. Sức mạnh của nó giống như một “quả bom nước”. Bạn phải chạy thật nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm, nếu không thể, cần bám vào một vật gì đó chắc chắn, nằm sát xuống đất, nước sẽ nhanh chóng tràn qua.
Phóng viên đi tác nghiệp trong rừng cần đi theo nhóm, tốt nhất là có người dân địa phương dẫn đường. Ở khu vực địa hình phức tạp, cần định vị điểm đến hoặc điểm đã đi qua để trở về đúng hướng. Việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân ở miền núi cũng khác nhiều so với đồng bằng. Ở miền núi, tốt nhất là đi xe côn tay hoặc xe số để đảm bảo an toàn khi xuống dốc, có thể kết hợp cả số và phanh để kiểm soát tốc độ. Tuyệt đối không đi các loại xe ga. Đường miền núi thường vắng vẻ, thậm chí hàng chục cây số không có một ngôi nhà, nếu xe gặp sự cố, phổ biến là xe bị thủng săm lốp (vỏ, ruột), bạn phải tự lo liệu thôi. Trước tiên, bạn phải có chút kiến thức để tự sửa xe. Chúng ta nên mang theo một bộ đồ bơm, vá săm lốp, để có thể “tự xử”, nếu không muốn dắt bộ. Đừng ngại nhờ vả bất cứ ai qua đường hoặc sống bên đường khi bạn cần sự giúp đỡ. Tất nhiên, hãy cảm ơn họ một cách chân thành nhất.
3. Học kỹ năng sống ở vùng rừng núi
Nhiều bạn phóng viên trẻ hỏi: Điều kiện để làm phóng viên miền núi là gì? Chúng tôi thường nói vui, tiêu chuẩn đầu tiên là phải biết uống rượu. Tuy chỉ nói vui, nhưng thực tế cũng không hiếm gặp. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số thường cho rằng, chỉ khi say người ta mới nói thật. Nếu có khách quý, đồng bào thường chuốc rượu cho say, sau đó họ mới bộc bạch hết mọi chuyện trong lòng. Phóng viên cần kiểm soát mình, tránh uống rượu quá nhiều, để không chỉ khai thác được thông tin mà còn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Thêm nữa, đã tác nghiệp tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, phóng viên cần học tiếng của một vài dân tộc phổ biến ở địa phương, ít nhất là một số câu đơn giản trong giao tiếp để khi cần có thể hỏi đường, thậm chí… xin ăn. Hãy học hỏi họ những kỹ năng sống trong rừng, loại rau, quả rừng nào có thể ăn được; loại dây nào có thể chặt để lấy nước uống…
Và tất nhiên, một kỹ năng nữa mà phóng viên dù tác nghiệp ở bất cứ nơi đâu đều cần thiết, đó là bạn phải biết…bơi.
Tác nghiệp khi lũ lụt, sạt lở đất ở vùng núi cần: - Quan sát kỹ chung quanh trước khi tác nghiệp. - Định vị một vị trí cao như ngọn cây, đỉnh núi để làm mốc, đề phòng trường hợp lạc rừng, cần quay lại. - Đứng trên cầu để tác nghiệp, nên chọn phía sát bờ, an toàn nhất là đứng trên bờ; luôn mặc áo phao khi tác nghiệp trên sông nước, vùng bão lũ. - Khi lũ về, chọn vị trí tác nghiệp ở bờ sông, suối, nên đứng trên các tảng đá lớn. - Không lội qua suối cạn khi trời đang mưa. Nếu nước bỗng nhiên chuyển màu, cần tránh xa lòng suối; hoặc đột ngột nghe tiếng nước chảy lớn bất thường, cần nhanh chóng di chuyển lên vị trí cao nhất có thể để tránh lũ ống, lũ quét. - Trường hợp các “túi nước” lớn trong lòng đất giáp vách núi bị vỡ, phải chạy thật nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nếu không thể, cần bám vào một vật chắc chắn, nằm sát xuống đất, nước sẽ nhanh chóng tràn qua. - Khi vào rừng cần đi theo nhóm, tốt nhất là có người dân địa phương dẫn đường. - Mang theo một bộ đồ bơm, vá săm lốp và tự trang bị một số kỹ năng sửa xe cơ bản. - Cần kiểm soát bản thân, tránh uống rượu quá nhiều, để không chỉ khai thác được thông tin mà còn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. - Biết một số câu giao tiếp đơn giản bằng tiếng dân tộc để hỏi đường hoặc nhờ giúp đỡ. - Biết phân biệt loại rau, quả rừng ăn được, hoặc loại dây có thể chặt để lấy nước uống. - Phải biết bơi. |
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính (02/08/2017 15:25:28)
Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ hai bảng xếp hạng về Chỉ số ICT 2016 (23/03/2017 08:49:11)
Quy tắc hoạt động và hướng dẫn biên tập của OANA (02/03/2017 10:31:41)
Giải đáp Pháp luật về luật hôn nhân và gia đình (số 15) (06/12/2016 14:32:20)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 14) (06/12/2016 14:31:06)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 13) (06/12/2016 14:29:56)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 12) (06/12/2016 14:28:35)
Trang thông tin điều hành tác nghiệp TTXVN (05/12/2016 10:42:24)
Giải đáp Pháp luật về lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền hình (số 10) (03/11/2016 14:08:49)
Giải đáp Pháp luật về lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền hình (số 9) (03/11/2016 14:06:38)