Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Gần lắm Trường Sa ơi


(12/02/2018 17:17:29)

PV Nguyễn Viết Tôn phỏng vấn chiến sỹ Hải quân tại đảo Đá Lớn, tháng 1/2018

Cả đêm canh sóng điện thoại
 
Ngày 6/1/2018, nhóm phóng viên báo Tin tức, Truyền hình Thông tấn, Ban biên tập Ảnh, Ban biên tập tin Thế giới và CQTT tại Lâm Đồng có mặt đầy đủ tại quân cảng Cam Ranh. Các phóng viên TTXVN được Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân bố trí đều trên 4 tàu mang số hiệu 561, 996, 571 và 490 để đến 21 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa thực hiện tuyến thông tin chúc Tết Mậu Tuất.
 
Ròng rã gần một tháng lênh đênh trên biển, với những trận say sóng nghiêng ngả, thậm chí bỏ cả bữa ăn khiến cho hải trình của chúng tôi tưởng chừng khó có thể vượt qua. Phóng viên Đặng Tuấn, CQTT Lâm Đồng, đi trên tàu 490, đã chia sẻ những gian nan, vất vả khi tàu gặp sóng lớn trên trang facebook của mình: “Bữa cơm trên tàu vừa bày ra gặp con sóng lớn làm nghiêng đổ hết thức ăn. Nhiều phóng viên bị say sóng bỏ bữa, phải truyền nước”.
 
Chống chọi với những trận say sóng đã khó, viết được tin, bài và làm phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình gửi về Tổng xã còn khó hơn. Sau những lần “chậu một bên và máy tính một bên” phóng viên Nguyễn Viết Tôn, báo Tin tức vẫn đều đặn gửi bài về tòa soạn.
 
Để chuyển được tin, bài, ảnh về tòa soạn, anh Tôn đã phải thức cả đêm để “canh sóng” điện thoại. Sóng biển thì lúc nào cũng “đầy đủ”, nhưng sóng điện thoại lại lúc có, lúc không; tàu đến gần mỗi điểm đảo mới có sóng Viettel, gọi câu được câu mất. Những lúc có sóng điện thoại, cả trăm người trên tàu ai cũng lăm lăm điện thoại gọi cho người thân, hoặc vào mạng đọc báo, xem dự báo thời tiết trên biển, người rảnh rỗi thì đưa ảnh lên facebook. Trong khi đó, mạng di động trên đảo chỉ là 2G nên luôn luôn nghẽn.
 
Rút kinh nghiệm qua những lần tác nghiệp trước đây, anh Tôn đã có kế hoạch riêng cho mình. Đó là ban ngày lên đảo chụp ảnh, thu thập tư liệu; đêm đến, khi cả đoàn đã chìm trong giấc ngủ, anh ngồi viết bài và gửi ảnh về tòa soạn ngay trong đêm. “Có đêm, hoàn thành xong bài viết, gửi về được tòa soạn, đã 4 giờ sáng. Trong khi đó, ảnh chưa gửi được cái nào. Tôi đành gửi lần lượt từng ảnh qua facebook và nhờ kíp trực ở nhà “đẩy” lên báo điện tử. Bằng cách này, suốt hải trình, tôi có tới cả chục tin bài, phóng sự ảnh”, anh Tôn chia sẻ.
 
PV Quang Quyết, Ban biên tập ảnh, trên tàu 571 tại Trường Sa, tháng 1/2018

Đây là tiếng nói của tàu 996…
 
“Đây là tiếng nói của tàu 996, phát thanh trực tiếp giữa Biển Đông”. Giọng ấm áp, trong trẻo của nữ phóng viên Hoàng Giang, Đài truyền hình Việt Nam, và “hot boy” Thanh Phú, báo Nhân Dân, vang lên làm cả đoàn công tác và thủy thủ tàu 996 bất ngờ.
 
Chuyện là, sau khi tàu 996 rời quân cảng Cam Ranh lúc 17 giờ ngày 6/1 cũng là lúc bữa cơm chiều trên tàu được chuẩn bị chu đáo chào đón đoàn. Trên tàu, ngoài đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, các chiến sỹ mới ra đảo làm nhiệm vụ, còn có hơn 20 phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
 
Vì chuyến hải trình dài ngày, sau bữa cơm đầu tiên trên tàu, nhóm phóng viên đã hội ý nhanh và xin ý kiến lãnh đạo đoàn công tác cho mở một chương trình phát thanh 15 phút vào 20 giờ hằng ngày. Nội dung của chương trình là thông tin về hải trình, lịch đi và đến các điểm đảo, giới thiệu ngắn gọn về đảo mà đoàn đang đến, giao lưu văn nghệ giữa nhà báo với các chiến sỹ chuẩn bị nhận nhiệm vụ trên đảo… Ý tưởng đó được Đại tá Nguyễn Hưng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác số 2 đồng ý và động viên các nhà báo phát huy khả năng nghề nghiệp để cả đoàn vui vẻ, quên đi những trận say sóng và gắn bó tình cảm đoàn kết quân, dân.
 
Sau mỗi chương trình, chúng tôi đều nhận được sự động viên, khích lệ của đoàn công tác và mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, bộ đội hải quân với phóng viên trên tàu 996 thêm gắn kết. Chỉ sau một ngày, mọi người đã biết gần hết tên nhau. Các chiến sỹ tuổi đời ngoài đôi mươi, tính tình còn nhút nhát, ấy vậy mà qua chương trình phát thanh đã mạnh dạn hơn rất nhiều.
 
Điều đặc biệt là chính những tay bút, tay máy lại là những ca sỹ không chuyên vui tính nhất. Trong các đêm giao lưu văn nghệ trên đảo chìm Đá Lớn C, Len Đao hay đảo nổi Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, các nhà báo lại góp vui bằng những lời ca, tiếng hát trữ tình đưa Trường Sa về gần hơn với đất liền qua những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước như: Nơi đảo xa, Nắng ấm quê hương, Khúc quân ca Trường Sa… khiến quân và dân huyện đảo đều bất ngờ, ngưỡng mộ.
 
Một mùa xuân mới đang về, ở nơi đầu sóng, ngọn gió, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân trong cái Tết xum vầy đã được cán bộ chiến sỹ hải quân can trường gác lại để làm tròn nhiệm vụ giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Dẫu xa cách hàng trăm hải lý, chống chọi với bão tố, sóng gió, nhưng với tình cảm quân dân thắm thiết, cả nước vì Trường Sa và Trường Sa vì Tổ quốc, bộ đội hải quân luôn sẵn sàng chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng.
 
Bên cầu cảng các điểm đảo, lúc đoàn đến và lúc chia tay, mọi người ôm nhau thật chặt, gửi nhau những lời chúc chân tình. Các tân binh chia tay đồng đội trong nỗi nhớ bịn rịn, lưu luyến. Anh em phóng viên chào tạm biệt cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo trong nắng gió Trường Sa, khi ra đảo mang theo bao tình cảm, khi rời đảo trở về đất liền mang theo nỗi nhớ và niềm tin. Trong lòng, ai cũng mong muốn mọi người giữ gìn sức khỏe, hải trình thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Lời bài hát Gần lắm Trường Sa lại được cất lên trên tàu 996 như đưa Trường Sa về gần hơn với đất liền, với bao tình cảm thương nhớ.
 
Xuồng máy đưa đoàn công tác từ tàu lên đảo

 

 

Thái Bình - Chí Bình
Theo Nội san thông tấn số Xuân 2018