Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Phơi phới trở về tổ ấm sau mỗi chuyến đi


(01/11/2017 14:37:15)


Hơn một năm đã qua kể từ khi nhận nhiệm vụ thường trú tại Liên bang Nga, tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên từ sân bay về trụ sở CQTT Moskva. Khi ấy, thấy tôi đẩy mấy thùng giấy để lấy rau quả Việt Nam mang sang làm quà, một đồng nghiệp sang trước, nói vui: Loay hoay mãi không mở được, sau này sức đâu mà đi công tác!. Quả thật, sức khỏe là điều vô cùng quan trọng đối với tôi trong công việc. 
 

Phóng viên Tâm Hằng dẫn hiện trường tại cuộc họp báo lớn của Tổng thống Nga V.Putin, tháng 12/2016

Địa bàn “bao quát tin” của CQTT Moskva là đất nước rộng tới 1/6 diện tích đất liền của trái đất, chưa kể các nước chung quanh. Ngay tại thủ đô Moskva, việc đi lại vài chục cây số là chuyện thường ngày. Cũng vì những đặc thù như vậy mà khi làm sự kiện, CQTT Moskva khó có thể đảm bảo mỗi ekip hai người. Vậy nên, ba phóng viên CQTT thường hoạt động độc lập. Với yêu cầu như hiện nay thì dù chỉ một phóng viên tác nghiệp cũng phải đảm bảo đủ các loại hình thông tin: văn bản, ảnh và truyền hình. Vậy là, tôi phải học cách tự mình mang vác, từ máy quay, chân máy đến máy ảnh. Dẫu hệ thống giao thông công cộng ở Moskva thuận lợi đến đâu cũng không tránh khỏi việc phải cuốc bộ mỗi khi chuyển bến tàu điện ngầm, hoặc đến địa điểm diễn ra sự kiện… Vào mùa đông khi nhiệt độ xuống -20, thậm chí -30oC, với đồ nghề tác nghiệp cộng với trang phục nặng tới vài cân thì không có sức khỏe sẽ rất khó làm việc tốt.

Không chỉ khỏe về thể chất mà khỏe về tinh thần cũng rất quan trọng để có thể sau một ngày dài sự kiện, đêm về dù bụng rỗng, mắt díp, tai ù (vì nghe ngôn ngữ bản địa) nhưng vẫn phải tỉnh táo, thậm chí là tĩnh tâm tìm cảm hứng “múa bút”. 

Nỗi e ngại lớn nhất của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nga là mùa đông đằng đẵng suốt 6 tháng, ban ngày chỉ kéo dài khoảng 5-6 tiếng. Đó cũng là trở ngại lớn đối với phóng viên khi phải tác nghiệp ngoài trời. Có khi chỉ một đúp dẫn hiện trường vài chục giây, cũng phải loay hoay cả tiếng đồng hồ với đôi bàn tay tê cóng. Khi nhiệt độ thấp quá, máy quay dễ bị “đơ”, ngay cả chiếc điện thoại vốn được sử dụng làm thiết bị “nhắc lời” cũng dễ “đơ” màn hình. Mỗi lần như vậy, lại phải vào xe ô tô, chờ cho máy “hồi” trở lại mới tiếp tục dẫn. Chính vì vậy, vào mùa đông, tôi cố gắng viết lời dẫn gọn hơn, thậm chí tránh cả những từ phát âm khó, dễ nói nhịu khi đã mất cảm giác do lạnh. 

So với một số đồng nghiệp đi thường trú, tôi có chút thuận lợi hơn khi không bị rào cản về ngôn ngữ cũng như đã quen thuộc nếp sinh hoạt và văn hóa Nga. Người Nga vốn đôn hậu và không từ chối giúp đỡ, đặc biệt là khi mình giao tiếp dễ dàng với họ. Tôi đã luôn chọn cách tiếp cận đó với các nhân vật của mình và bản năng phụ nữ đã nhiều lần giúp tôi tìm ra cách tiếp cận đúng. 

Một kỷ niệm đáng nhớ là hồi tháng 11/2016, bảy giờ sáng, tôi được phân công đi làm tin về cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ nhân ngày Cách mạng tháng Mười Nga. Khi đến nơi, toàn bộ khu vực Quảng trường đều bị chắn đường, không xe nào được vào, tôi chỉ còn cách vác máy, lội tuyết lõm bõm vừa đi vừa  hỏi đường. Tôi lấy làm lạ vì có người không hiểu tôi nói tiếng Nga! Lúc đó tôi mới vỡ lẽ, khu trung tâm đó vốn có nhiều khách du lịch, và tất cả đều đang đổ về Quảng trường Đỏ xem diễu binh. Vậy là tôi không mất thời gian hỏi đường nữa, hòa cùng với họ hướng tới Quảng trường. 

Khi đứng bên ngoài Quảng trường Đỏ, tôi đã chú ý đến một gia đình gồm hai ông bà chừng 60-70 tuổi và một cháu gái độ 4-5 tuổi, đối tượng rất phù hợp để phỏng vấn về sự kiện hào hùng mang đậm niềm tự hào cha truyền con nối đang diễn ra bên trong Quảng trường. Song khi đề nghị xin phỏng vấn, cụ ông dứt khoát từ chối. Tôi chưa kịp quay sang cụ bà đã nghe bà nói rất nhỏ với ông: “Govori, che ty!” (nghĩa là: Ông nói đi, có gì đâu!), nhưng ông vẫn kiên quyết lắc đầu. Tôi không nản lòng mà cười tươi với bà, hỏi thăm xem ông bà đi đến đây có vất vả không, cô bé dễ thương đây là cháu nội hay cháu ngoại, trời lạnh quá ông bà có định xem lâu không… Cụ ông đã quay đi nhưng trong lòng chắc dịu lại và đáp chuyện với tôi. Vậy là thành công!
 
Phóng viên Tâm Hằng (thứ ba, bên phải) tại lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Liên bang Nga, sân bay Vnukovo 2, tháng 6/2017

Chưa hết, máy quay đã bật, micro đã sẵn sàng thì cô bé cháu khóc toáng lên, đòi ông bà dắt đi. Làm sao bây giờ? Sự hiểu biết về người Nga đã cứu tôi, bởi họ vốn thích đồ ngọt, rất mê kẹo, đặc biệt là chocolate. Tôi rút phong chocolate luôn thủ sẵn trong túi chìa ra cho cô bé. Bé không khóc nữa và đứng ngoan ngoãn suốt cuộc phỏng vấn.

Sau lần đó, tôi rút ra kinh nghiệm, mỗi khi muốn phỏng vấn, phải quan sát kỹ nhân vật trước khi tiếp cận, tìm một điểm xuất phát tự nhiên cho cuộc trò chuyện, sao cho câu hỏi phỏng vấn chỉ bắt đầu khi nhân vật đã mở lòng, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc. 

Là phóng viên nữ, tôi thật sự thấy mình may mắn khi có được sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình và rất chia sẻ những khó khăn với các chị các em đồng nghiệp có con còn nhỏ, thậm chí phải xa chồng, xa con khi nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú. Chị em chúng tôi, vài phút trước còn “oai như cóc” bình luận và phân tích tình hình chính trị thời sự, buông micro xuống lại lo cơm nước, học hành của các con, chưa kể giờ làm việc không cố định, bất kể ngày đêm, lễ tết. Thế nhưng, khi tin bài lên đều đều và được bạn đọc quan tâm, khi được đưa tin từ trung tâm của sự kiện và đôi khi là nguồn tin đầu tiên, bao mệt nhọc như nhẹ tan, chỉ còn niềm tự hào “Tôi là phóng viên thường trú TTXVN”!

Nhân ngày 20/10, ngày lễ tôn vinh phụ nữ Việt Nam, xin chúc tất cả chị em phụ nữ nói chung, nhà báo nữ nói riêng luôn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn, luôn nở nụ cười tươi cho dù nhọc mệt và lòng luôn phơi phới trở về tổ ấm sau mỗi chuyến đi xa.
 
“Là phóng viên nữ, tôi thật sự thấy mình may mắn khi có được sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình và rất chia sẻ những khó khăn với các chị các em đồng nghiệp có con còn nhỏ, thậm chí phải xa chồng, xa con khi nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú. Chị em chúng tôi, vài phút trước còn “oai như cóc” bình luận và phân tích tình hình chính trị thời sự, buông micro xuống lại lo cơm nước, học hành của các con, chưa kể giờ làm việc không cố định, bất kể ngày đêm, lễ tết. Thế nhưng, khi tin bài lên đều đều và được bạn đọc quan tâm, khi được đưa tin từ trung tâm của sự kiện và đôi khi là nguồn tin đầu tiên, bao mệt nhọc như nhẹ tan.”

 

Tâm Hằng
Theo Nội san thông tấn số 10/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Luôn mới mẻ, tràn đầy năng lượng sống (01/11/2017 14:29:39)

Phóng viên ảnh lần đầu đi thường trú (08/05/2017 10:44:09)

Làm báo cần nhất là sự chia sẻ (20/01/2017 18:05:41)

Trưởng thành từ phóng viên thường trú (20/01/2017 17:59:42)

Cơ quan khu vực phía Nam: Những khúc ca vui  (20/01/2017 17:25:17)

Ban thư ký biên tập: Nỗ lực, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ (20/01/2017 17:22:08)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Vững bước phát triển (20/01/2017 17:17:44)

Truyền hình thông tấn: Đồng tâm, tăng sức nâng tầm Vnews (20/01/2017 17:15:12)

Báo Thể thao&Văn hóa: Tái cơ cấu để đẩy mạnh nội dung số  (20/01/2017 17:09:11)

Báo Tin Tức: Một Tin tức hành động (20/01/2017 17:05:40)