Thứ năm, ngày 25/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

SEA Games 29 - Bài test có giá trị


(03/10/2017 10:38:25)


SEA Games 29 vừa được tổ chức tại Malaysia đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm, dù có hơi tiếc vì đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam vốn được nhiều kỳ vọng lại bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Nói vậy thôi, chứ SEA Games đối với phóng viên lần đầu đi thường trú nước ngoài như tôi đâu chỉ có bóng đá. Xin được chia sẻ cùng anh chị em đồng nghiệp một số chuyện vui về nghề.

Phóng viên Hoàng Nhương và HLV Mai Đức Chung tại SEA Games 29

Đầu tiên là về mật độ và tốc độ công việc. Ngay từ khi SEA Games chưa chính thức bắt đầu đã có hàng loạt sự kiện: Đội tuyển bóng đá U22 và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sang; lịch luyện tập xen kẽ của các trận đấu vòng loại; họp báo, phỏng vấn, làm tin về cộng đồng... Đến khi các vận động viên vào thi đấu chính thức, mỗi ngày có hàng chục nội dung, mà nội dung nào cũng quan trọng.
 
Để đưa tin về SEA Games, Tổng xã cử sang ba phóng viên: Hoàng Linh, Trần Dũng (báo Thể thao & Văn hóa) và Quốc Khánh (Ban biên tập Ảnh), cùng hai phóng viên thường trú: Hoàng Đình Nhương và Lê Lương Hòa, tổng cộng là 5 người. Tưởng như thế là khá đủ, nhưng thực tế có lúc chúng tôi phải chạy đến “vỡ mật”. Trong khi đó, Truyền hình Việt Nam “đổ sang” gần 70 người, Zing cũng có 8 người, đủ để nằm vùng tại các địa điểm thi đấu. Tính về số lượng, “đội quân” thông tấn chỉ xếp vào hàng trung bình khá, trong khi có đến 5 địa điểm thi đấu cách xa nhau. Đã thế, việc di chuyển tại Malaysia, nhất là khu vực thủ đô Kuala Lumpur vào giờ cao điểm luôn là nỗi kinh hoàng. Chúng tôi buộc phải lựa chọn nội dung để đưa tin, đồng thời xử lý tin và di chuyển thật nhanh cho kịp giờ thi đấu các bộ môn tiếp theo.
 
Phóng viên Lê Lương Hòa (bên phải), CQTT Kuala Lumpur, tại SEA Games 29, tháng 8/2017

Việc tìm được chỗ đỗ xe cũng rất nan giải, nhất là ở những nơi diễn ra thi đấu bóng đá nam, hay ở sân vận động quốc gia Bukit Jalil trong ngày khai mạc và bế mạc. Xe ô tô ở Malaysia nhiều như xe máy ở Việt Nam. Không ít lần chúng tôi phải đỗ xe cách nơi thi đấu đến 4 - 5km. Lúc đó, có gọi xe Grab hay Uber cũng không phải là giải pháp hay, vì thường phải đợi xe cả tiếng đồng hồ do có quá nhiều người gọi trong những ngày này.
 
Với phóng viên thể thao từ Tổng xã sang, vốn quen tác nghiệp ở các kỳ SEA Games, kể cả Olympic, thì điều này là bình thường. Nhưng với tôi, đây là lần đầu tiên phải di chuyển nhiều như vậy trong hơn 20 ngày. Dù rằng, tại SEA Games lần này, tôi chỉ là “nhân vật phụ”, chuyên lái xe đưa đón anh em và làm tin ngoài lề, thi thoảng hỗ trợ “đội nhà” về tin bài, mà cũng đã thấy khá oải.
 
Đối với một sự kiện kéo dài nhiều ngày và nhiều nội dung như SEA Games, với ngần đó con người, làm thế nào để có thể bao quát được các nội dung là cả một vấn đề lớn. Anh em phải phân công nhau như thế nào, ai làm việc gì, công đoạn nào, kế hoạch phỏng vấn ra sao, phát tin về nhà như thế nào, tính toán đi từ địa điểm này sang địa điểm khác ra sao cho kịp… là một núi công việc phải tính. Đấy là chưa kể những việc không tên phát sinh trong quá trình tác nghiệp; những thông tin đột xuất ngoài SEA Games hay chuyện lo cơm nước cho anh em.
 
Với tôi, SEA Games 29 là một thử nghiệm đủ “đô” để kiểm nghiệm bản thân, nhất là về khả năng xoay sở, thu xếp công việc. Bài kiểm tra này giúp tôi nhận ra những hạn chế của mình. Qua đó, tôi cũng học được khá nhiều điều từ các đồng nghiệp, trong đó có cách làm tin thể thao hấp dẫn người đọc, cách lựa chọn chi tiết đắt để viết về các nội dung thi đấu, tranh thủ làm tin trên xe khi di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác, hay cách chọn chỗ đứng để tác nghiệp nơi đông người…
 
SEA Games cũng mang lại cho tôi khá nhiều kinh nghiệm làm nghề khác. Ví dụ như việc phối hợp với các đơn vị tại Tổng xã để có thể gửi tin về sớm nhất, đảm bảo yêu cầu đề ra, xử lý những rắc rối phát sinh sao cho thật nhanh. Thực tế, phóng viên Hoàng Linh, Trần Dũng và Quốc Khánh làm là chính, song chúng tôi cũng phải liên hệ và xử lý các đầu mối. Trong bối cảnh tin chuyển về gấp mà mạng Internet ở cơ quan bỗng nhiên trở chứng, kinh nghiệm sử dụng WeTransfer hay Google Drive trở nên vô cùng có ích. Nói chung, khi tác nghiệp ở nước ngoài, hoặc gặp tình huống “nguy cấp” trong hoạt động chuyên môn mới thấy những kiến thức mà Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn cung cấp, những ghi chép trong quá trình học chuyên môn tại Truyền hình thông tấn, Ban biên tập Ảnh… thực sự có giá trị.
 
Phóng viên Hoàng Linh (thứ hai bên phải hàng đầu), báo Thể thao & Văn hóa dự họp báo tại SEA Games 29

Việc quan hệ với những nhân vật trong Ban lãnh đạo hoặc chuyên trách mảng truyền thông của Đoàn thể thao Việt Nam, hay với phóng viên báo bạn, cũng là một vấn đề quan trọng, vì họ có thể cung cấp thông tin tổng hợp, hay đơn giản là thời gian, địa điểm các cuộc họp báo, nơi tập luyện. Rất may là phóng viên thể thao của TTXVN đều có quan hệ thân tình với họ, nên những việc này thường được xử lý nhanh gọn.
 
SEA Games 29 đã qua đi, nhưng nhiều điều còn ở lại với những phóng viên CQTT Kuala Lumpur. SEA Games là một bài test có giá trị, giúp chúng tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình tác nghiệp.
 

Theo Nội san thông tấn số 9/2017