Thứ hai, ngày 29/04/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Phóng viên ảnh lần đầu đi thường trú


(08/05/2017 10:44:09)

Tháng 10/2014, bốn phóng viên đầu tiên của Ban biên tập Ảnh nhận quyết định đi thường trú tại các CQTT, trở thành những phóng viên đa năng. Phóng viên Phạm Thế Duyệt, CQTT tại Yên Bái, đã có những trải nghiệm thú vị sau gần ba năm thường trú tại địa phương.

Phóng viên Thế Duyệt trong một chuyến công tác tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái


Hơn bốn năm công tác ở Ban biên tập Ảnh, tôi đã đi nhiều địa phương nhưng Yên Bái thì chưa từng đặt chân đến. Điều đó càng khiến tôi có động lực khám phá, tìm hiểu. Với hành trang là hai túi máy ảnh, một vali quần áo, tôi háo hức lên đường nhận nhiệm vụ ở vùng đất mới, xen lẫn cảm giác lưu luyến mùa thu Hà Nội.

Những ngày đầu, Trưởng CQTT dẫn tôi đến một số sở, ban, ngành giới thiệu. Tôi bắt đầu làm quen công việc bằng cách đọc báo và xem truyền hình Yên Bái để tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội cũng như phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc địa phương. Qua đó, tôi phát hiện được khá nhiều đề tài và thể hiện ở nhiều loại hình khác nhau như: Tin, ảnh, truyền hình.

Theo thời gian, tôi đi công tác thường xuyên hơn và quen dần với cuộc sống của đồng bào vùng cao. Có những chuyến đi cùng anh em trong CQTT, với đồng nghiệp ở báo, đài tỉnh, và nhiều chuyến tôi đi công tác một mình. Những chuyến đi đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, cùng những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, sắc màu văn hóa cũng như bức tranh kinh tế - xã hội của người dân và các địa phương trong tỉnh.

Trong những chuyến đi ấy, tôi nhớ nhất lần lên làng Mảnh, xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu cùng với phóng viên Trung Kiên (nay chuyển về CQTT Phú Thọ) và hai cán bộ Phòng Giáo dục huyện Trạm Tấu. Trước khi đi, các anh ở Phòng Giáo dục đã “cảnh báo” trước rất nhiều khó khăn, phải đi bộ từ sáng tới gần trưa mới đến nơi. Biết là sẽ rất vất vả nhưng những đề tài hay cứ thôi thúc tôi lên đường. 

Làng Mảnh nằm tít trên đỉnh núi Pu Kha, ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển. Chúng tôi phải leo lên những dốc cao, trơn trượt, qua những cánh rừng, men theo những con đường mòn ven núi chênh vênh. Đi hết hai đỉnh núi, tôi đã thấm mệt, muốn bỏ hết ba lô, túi máy. Chỉ mong con đường ngắn lại, thỉnh thoảng tôi lại quay sang hỏi anh dẫn đường “sắp đến chưa anh?”. Và lần nào anh ấy cũng động viên “sắp đến rồi em ạ, qua đỉnh núi kia thôi”… Nhưng cứ hết núi này lại đến núi khác, mà vẫn chưa thấy đích. Cuối cùng, sau bốn lần “sắp đến” của anh, chúng tôi cũng đến được làng Mảnh lúc 12 giờ trưa. 

Lên đến nơi, vỡ òa trước phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, khuôn mặt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của các em học sinh giúp tôi quên hết mệt mỏi. Qua tìm hiểu và chứng kiến cuộc sống với những khó khăn, vất vả của người dân và các thầy cô cắm bản nơi đây, những câu chuyện giản dị, đời thường nhưng thật đáng khâm phục, chúng tôi đã có những tác phẩm báo chí hay và hơn hết là những trải nghiệm, với cảm xúc mới lạ.

Điều tôi lo ngại nhất khi đi thường trú là tác nghiệp một mình ở một sự kiện thời sự nào đó. Thể loại ảnh báo chí tôi thể hiện khá tốt vì đó là chuyên môn chính. Tin văn bản tôi cũng không quá lo vì trước khi vào cơ quan tôi đã từng cộng tác với một số báo nên việc viết lách cũng không quá tệ. Điều tôi lo lắng nhất khi làm truyền hình là phải dẫn hiện trường, bởi tôi hay bị lẫn “N” với “L”. Mặc dù đã để ý sửa, nói chậm nhưng nhiều khi vẫn không tránh được, khiến tôi thiếu tự tin khi dẫn hiện trường. 

Trong suốt thời gian công tác, các đồng nghiệp ở CQTT Yên Bái đã giúp tôi dần khắc phục được những hạn chế của mình. Đến nay, tôi đã có thể tự tin tác nghiệp một mình với ba loại hình thông tin. 

Tác nghiệp ở những sự kiện thời sự như ký kết, trao quyết định, tuyên dương… khi vừa phải quay phim, lấy thông tin, vừa chụp ảnh và phải “bắt” được những hình ảnh tốt nhất, kinh nghiệm của tôi là phải chọn được chỗ đặt máy quay rồi bấm “Rec” trước, sau đó chọn thời điểm để chụp ảnh. Trong truyền hình, nhiều hình ảnh có thể bổ trợ thông tin cho nhau, nhưng về ảnh, cả sự kiện đôi khi chỉ cần một ảnh ở thời điểm tốt nhất và nó chỉ diễn ra ở một khoảnh khắc. Chụp được ảnh đó xong, tôi có thể tập trung quay các cảnh để làm tin truyền hình.

Gần ba năm thường trú tại địa phương tôi có nhiều chuyến đi vất vả, chủ yếu là tác nghiệp trong điều kiện khó khăn như: Bão lũ, tuyết rơi, băng giá… tại các huyện vùng cao Yên Bái, Lào Cai vào đầu năm 2016. Những chuyến đi đó giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc, có thêm kinh nghiệm và cả những trải nghiệm quý báu. Nhờ những chuyến đi cơ sở, tôi đã phát hiện và thực hiện nhiều đề tài hay ở địa phương, có được những tác phẩm báo chí tốt, được Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái trao giải hằng năm.

Là phóng viên ảnh đi thường trú, không chỉ có những tác phẩm ảnh tốt tại địa phương nơi mình “đóng quân”, tôi còn được rèn rũa cách viết tin, bài, làm phóng sự truyền hình. Chính sự rèn rũa này cùng với những trải nghiệm ở một vùng đất hoàn toàn mới lạ đã giúp tôi tự tin, vững vàng hơn trước những khó khăn và trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống.
 

Lớp học mầm non trên đỉnh Pu Kha, xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái
Ruộng bậc thang tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái
Quảng trường thành phố Yên Bái về đêm

 

Theo Nội san thông tấn số 4/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Làm báo cần nhất là sự chia sẻ (20/01/2017 18:05:41)

Trưởng thành từ phóng viên thường trú (20/01/2017 17:59:42)

Cơ quan khu vực phía Nam: Những khúc ca vui  (20/01/2017 17:25:17)

Ban thư ký biên tập: Nỗ lực, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ (20/01/2017 17:22:08)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Vững bước phát triển (20/01/2017 17:17:44)

Truyền hình thông tấn: Đồng tâm, tăng sức nâng tầm Vnews (20/01/2017 17:15:12)

Báo Thể thao&Văn hóa: Tái cơ cấu để đẩy mạnh nội dung số  (20/01/2017 17:09:11)

Báo Tin Tức: Một Tin tức hành động (20/01/2017 17:05:40)

Ban biên tập tin Thế giới: Song hành hiệu quả thông tin và kinh tế (20/01/2017 16:59:16)

Ban biên tập tin Trong nước: Chỉ đạo nhạy bén, tạo nguồn thông tin đa dạng (20/01/2017 16:56:07)