Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Ẩn sau chuyến công tác vùng cao


(12/04/2017 11:01:43)

Đối với người cầm bút, sau mỗi chuyến công tác, sau mỗi bài viết, phóng sự được thực hiện đều là những câu chuyện đáng nhớ. Đó có thể là nụ cười hồn nhiên của những em nhỏ vùng cao, là sự tận tâm của người lính biên phòng với dân bản, cũng có thể là nỗi day dứt đến ám ảnh khi gặp những cảnh đời, số phận không may mắn. Đã từng đến nhiều bản vùng sâu, biết về cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc tại Sơn La, nhưng với tôi, chuyến công tác thực hiện phóng sự về nạn buôn bán người đã để lại những cảm xúc khó quên.

Phóng viên Hữu Quyết (bên phải) trao đổi với người nhà nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc tại xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La


Cuối tháng 2/2017, thực hiện kế hoạch thông tin của Tổng xã, chúng tôi có chuyến công tác đến đồn biên phòng Phiêng Pằn, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La để viết tin, bài nhân kỷ niệm ngày Biên phòng toàn dân (3/3). Đây là một trong những đồn biên phòng có tuổi đời trẻ nhất ở Sơn La, đóng quân tại địa bàn xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, nơi được biết đến là cực kỳ khó khăn. 

Trước khi lên đường, cán bộ phòng Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đã thông báo chúng tôi những khó khăn sẽ gặp phải. Do là địa bàn mới, nên đường sá đi lại rất vất vả. Từ trung tâm xã vào đến đồn hơn 10km, chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới đến được. “Đấy là khi trời nắng, còn nếu có mưa, thì các nhà báo chỉ có nước đi bộ mới vào đến đồn thôi”, cán bộ phòng Tuyên huấn vừa đùa vừa cảnh bảo chúng tôi về những khó khăn sắp tới.

Mặc dù được biết trước, nhưng khi đến tận nơi, chúng tôi mới thực sự hiểu hết những điều đã được cảnh báo. Gọi là đường nhưng thực ra chỉ là lối mòn men theo sườn núi vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau. Không những thế, lại còn quanh co, nham nhở những ổ gà. Có những đoạn đi qua khe núi, chúng tôi còn không phân biệt được đâu là lòng suối, đâu là đường đi.

Mất gần một buổi sáng “vật lộn” với con đường đất bằng những cú xóc liên hoàn, chúng tôi cũng có mặt ở đồn biên phòng Phiêng Pằn. Trong bữa cơm trưa, chúng tôi vừa tranh thủ làm quen vừa trao đổi với chỉ huy đồn về những công việc dự kiến sẽ làm. Có một thông tin khiến chúng tôi rất quan tâm, đó là việc một số phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vì nội dung chính của chúng tôi đã đăng ký làm việc là các hoạt động của đồn biên phòng, nên thông tin về việc buôn bán phụ nữ vẫn chưa thể khai thác thêm. 

May mắn thay, trong chương trình xuống cơ sở chiều hôm đó, chúng tôi được các chiến sỹ ở đội vận động quần chúng của đồn biên phòng dẫn đi. Biết họ là những cán bộ, chiến sỹ bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình rõ hơn ai hết, nên chúng tôi đã tranh thủ thời gian để trò chuyện và tìm hiểu thêm về tình hình buôn bán người ở đây. Kết thúc buổi làm việc hôm đó, những thông tin cơ bản về nạn buôn bán người như: Địa bàn có nhiều phụ nữ bị lừa, thủ đoạn hay số lượng bao nhiêu người chúng tôi đều đã nắm được. 

Sau chương trình làm việc tại đồn, với những thông tin đã có về tình trạng lừa bán phụ nữ, chúng tôi đã báo cáo Trưởng CQTT để thực hiện đề tài này. 

Quay lại con đường cũ, chúng tôi đến UBND xã Phiêng Pằn, lúc này đã hơn 3 giờ chiều. Lường trước tình huống không gặp được lãnh đạo xã và để thuận lợi hơn cho việc tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã nhờ đồn biên phòng và Văn phòng UBND huyện gọi điện báo trước với Chủ tịch UBND xã. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cung cấp thông tin và cử người đưa chúng tôi xuống địa bàn có nhiều phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc để tiếp cận.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở tại bản Pá Liềng, xã Phiêng Pằn, có 5 trường hợp phụ nữ người dân tộc Mông bị lừa bán và đã xác định đang ở Trung Quốc. Chúng tôi đã đến hai gia đình có nạn nhân bị lừa bán, phần nào thấu hiểu nỗi khổ của họ khi mất đi người thân và đau khổ hơn, khi đó là những em gái từ 15 - 20 tuổi. Các em còn quá ngây thơ để có thể biết được đằng sau những lời dụ dỗ ngon ngọt, cuộc  đời của các em sẽ là chuỗi ngày dài tăm tối với những kẻ xa lạ, rất khó để về với gia đình. Điều mong mỏi duy nhất của các gia đình lúc này là được gặp lại con của mình. 

Đến khoảng 6 giờ chiều, những thông tin chúng tôi ghi lại để thực hiện phóng sự về tình trạng buôn bán phụ nữ lẽ ra đã dừng lại, để còn kịp di chuyển hơn 60 km về thành phố Sơn La. Nhưng khi vừa cất máy, quay xe ra về thì xuất hiện một tình huống khiến chúng tôi không thể kìm lòng. 

Đó là hình ảnh một nhóm phụ nữ người Mông đứng nói chuyện, trong đó có hai người đang khóc nức nở. Qua tìm hiểu được biết, hai người phụ nữ này là chị em họ, cùng có con gái bị lừa bán trong cùng một ngày. Nhưng chỉ có một người con gọi điện về báo đang ở Trung Quốc, người con còn lại hiện vẫn biệt tích. 

Khi biết có phóng viên, các chị đưa ảnh của con gái cho chúng tôi xem, nhờ tìm và đưa con của họ về. Chúng tôi nghẹn lời, chỉ còn biết an ủi họ rằng, sẽ sớm đưa thông tin lên các cấp chính quyền, để mong sớm tìm được các em.

Kết thúc chuyến công tác, khi viết kịch bản và dựng phóng sự, hai người phụ nữ mà chúng tôi gặp gỡ cuối cùng đã trở thành nhân vật chính và là hình ảnh ấn tượng nhất của phóng sự. 

Sau khi phóng sự phát sóng, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo huyện Mai Sơn về tình hình buôn bán phụ nữ và được biết, huyện đã kiểm tra và chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xác minh để sớm tìm lại các em. Nhưng với chúng tôi, như vậy vẫn chưa đủ, bởi trước khi viết những dòng này, những người bị lừa bán vẫn chưa được tìm thấy và gia đình vẫn đang ngóng chờ tin con từng ngày. Món “nợ” với người dân vùng cao vẫn còn và đó chính là điều mà chúng tôi cảm thấy day dứt…
 

Theo Nội san thông tấn số 3/2017