Thứ năm, ngày 18/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Phóng viên nữ thường trú vùng Tây Bắc


(12/04/2017 10:26:36)

Phóng viên Vũ Hà (bên phải) tác nghiệp tại bản du lịch Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình)


Năm 2008, tôi vào nghề báo và được điều động làm phóng viên thường trú tại tỉnh miền núi Hòa Bình. 

Những ngày đầu, dù được phân công theo dõi mảng văn hóa – xã hội, nhưng tôi vẫn phải “ôm” thêm một số lĩnh vực khác để có thông tin bao quát trên địa bàn. Hôm nay có thể đi viết bài về điểm “nóng” buôn bán ma túy hoặc những sai phạm về công tác quản lý ở một hợp tác xã; ngày mai lại phỏng vấn về những đổi thay, phát triển kinh tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phóng viên nữ thường trú ở miền núi gặp nhiều khó khăn hơn những địa bàn khác. Mỗi lần đi cơ sở, đường đèo dốc, quanh co, thậm chí không đi được xe máy, lại còn phải mang thêm cả máy quay phim. Trời nắng thì không sao, không may gặp mưa thì đành chịu ướt vì phải dành áo mưa che máy quay. Chưa kể đến việc bất đồng ngôn ngữ, không hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc.

Những chuyến công tác ở các xã vùng đặc biệt khó khăn như: Loong Luông, Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu); Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc); xóm Nháp, xã Đồng Chum, bản Dao tiền, xã Toàn Sơn (huyện Đà Bắc)… đều mang đến cho tôi những kỷ niệm sâu sắc.

Còn nhớ, đầu tháng 1/2010, tôi và phóng viên Quốc Trị (nay chuyển về Ban biên tập tin Trong nước) có chuyến công tác lên Hang Kia, xã vùng cao xa nhất của huyện Mai Châu để viết bài “Phong tục đón Tết sớm của người Mông”. Hang Kia cách thành phố Hòa Bình gần 140km, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nơi còn được mệnh danh là “thủ phủ” ma túy của cửa ngõ Tây Bắc. 

Không lường hết khó khăn nên khi đi, tôi chỉ mang theo cuốn sổ, máy ảnh và bộ quần áo trên người cùng chiếc áo khoác mỏng. Đến đèo Thung Khe, khí hậu và cảnh tượng khác xa với hình dung trước đó. Rét cắt da, cắt thịt, sương mù dày đặc, ban ngày mà vẫn phải bật đèn xe mới nhìn thấy đường. 

Chúng tôi đặt chân đến đầu xã Hang Kia mà bụng đói, tay chân tê cứng vì rét. Trời mỗi lúc một tối, nhiệt độ xuống thấp, đường vào bản ít người qua lại. Anh em chúng tôi động viên nhau tiếp tục vượt qua con đường gần 10km lầy lội, trơn trượt bùn đất, một bên là núi, bên là vực sâu. Chúng tôi trượt ngã liên tục, quần áo, giầy dép lấm lem bùn đất, không thể đi được nữa, buộc phải ngồi lại bên đường để xin đi nhờ người dân về bản.

Vào đến bản Hang Kia thì trời đã tối, chúng tôi xin nghỉ nhờ qua đêm tại nhà người đàn ông đã cho đi nhờ xe. Vợ chồng chủ nhà hiếu khách mời chúng tôi ăn cơm tối và cùng gia đình đón Tết cổ truyền của người Mông vào ngày hôm sau. 

Đêm xuống, không ngủ được vì lạ nhà, lại sợ muỗi rừng đốt, đến khuya nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm ở gian bếp, tôi tò mò nhìn qua khe vách thấy gần chục người đàn ông ngồi hút thuốc (người dùng tẩu, người dùng giấy bạc cuộn lại). Đoán già, đoán non là họ hút thuốc phiện nên tôi nằm im, vờ ngủ say.

Sáng hôm sau, tôi tranh thủ hỏi chủ nhà những vấn đề liên quan đến ma túy như: Trong bản hiện nay có đông thanh niên nghiện thuốc phiện và buôn bán ma túy không? Tại sao ở giữa thung lũng, giao thông đi lại khó khăn, mà kinh tế người dân khấm khá vậy (nhiều ô tô, xe máy đắt tiền)? Hiện nay còn gia đình nào trồng cây thuốc phiện không?... Chủ nhà cho biết, bà con giàu là nhờ trồng dong riềng, còn hiện nay vẫn có vài hộ trồng cây thuốc phiện, nếu muốn đi xem sẽ đưa đi. Tuy nhiên, tôi đã từ chối khéo.

Tôi chia tay bản Mông - “lòng chảo” ma túy với không ít trăn trở. Chỉ ít ngày sau, vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm đó, lực lượng công an tỉnh Hòa Bình vây bắt trùm ma túy trốn lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua ở bản Hang Kia và xảy ra đấu súng làm ba chiến sỹ công an hy sinh; con trai trùm ma túy cũng tử vong. Tôi được Trưởng CQTT cử đi làm tin về vụ án này. Ngay trong đêm, tôi cùng lực lượng công an tỉnh Hòa Bình tiếp cận hiện trường…

Nghĩ lại chuyến công tác lên Hang Kia trước đó, tôi thấy thật may mắn khi không nhận lời mời của chủ nhà đi xem cây thuốc phiện. Đấy cũng là một kinh nghiệm cho những lần tác nghiệp sau này của tôi khi lên với bản người Mông ở Hang Kia.

Còn biết bao kỷ niệm, bao trải nghiệm bổ ích khi làm phóng viên thường trú. Mỗi chuyến đi cơ sở, dù có vất vả, nhưng được thấy đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa ngày một khởi sắc, được tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào… giúp tôi thêm trưởng thành, thêm yêu nghề hơn.

Theo Nội san thông tấn số 3/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đi một ngày đàng…  (02/03/2017 08:41:40)

Đón Xuân trên đất Mỹ (23/01/2017 09:38:49)

Ăn Tết ta ở trời Tây (23/01/2017 09:34:14)

Cảm hứng làm phóng sự Tết  (23/01/2017 09:24:32)

Từ điểm nóng Trung Đông… (01/12/2016 09:55:06)

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa (01/12/2016 09:46:56)

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)