Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Lần đầu tác nghiệp tại nước ngoài


(12/04/2017 10:56:49)

Phóng viên Thanh Nga (bên trái) và các phóng viên nước ngoài tại Hội nghị


Chuẩn bị lên đường
Cuối năm 2016, tôi được cơ quan cử đi đưa tin về Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại Madagascar. Hồi hộp, vinh dự pha chút lo lắng là những cảm xúc khi tôi nhận quyết định của cơ quan, bởi đây là lần đầu tiên tôi đi tác nghiệp độc lập tại nước ngoài.

Trước khi đi, tôi chỉ có hai tuần chuẩn bị, làm các giấy tờ và thủ tục cần thiết, từ liên hệ với ban tổ chức hội nghị để đăng ký tham dự sự kiện đến việc đặt vé máy bay, phòng khách sạn. Các khách sạn được ban tổ chức giới thiệu đều đã kín chỗ, giá lại quá cao. Tôi đành “ngậm ngùi” thuê một khách sạn nhỏ gần Trung tâm hội nghị quốc tế Ivato, nơi diễn ra hội nghị để tiện việc đi lại, vì ban tổ chức chỉ bố trí xe cho các phóng viên theo đoàn ở những khách sạn lớn. 

Sang Madagascar công tác, tôi xác định đồ nghề và vật dụng cá nhân mang theo phải gọn nhẹ, đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu khi tác nghiệp. Ngoài ra, phải tìm hiểu thêm thông tin về đất nước, con người Madagascar, bởi chưa có phóng viên của TTXVN nói chung và báo Le Courrier du Vietnam nói riêng có dịp công tác tại quốc đảo được xếp thứ tư trong danh sách những hòn đảo lớn nhất thế giới này. 

Cứu tinh từ đồng nghiệp
Ấn tượng lớn nhất của tôi về Madagascar là một đất nước nghèo, người dân rất tốt bụng và dễ mến. Điều đó khiến cho ba ngày công tác của tôi ở đây trôi qua rất nhanh và thoải mái, dù “thân gái dặm trường”. 

* Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra tại Madagascar trong các ngày 26 - 27/11/2016, có sự tham dự của 30 Tổng thống, Thủ tướng và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của 80 thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị và là đại diện duy nhất đến từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát biểu tại phiên khai mạc.

* Qua đợt làm tin về Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cần phải quyết tâm và dấn thân. Công tác tại nước ngoài là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện bản lĩnh của mình cũng như tích lũy vốn sống và kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm làm báo. 

Thứ hai, làm quen và lưu thông tin của một số người dân bản địa ngay khi đến nơi. Họ có thể trở thành những “phao cứu trợ đặc biệt” trong trường hợp cần sự giúp đỡ. 

Thứ ba, chuẩn bị tốt là thành công một nửa. Ở nơi đất khách quê người, có những tình huống “khóc dở mếu dở” khiến cho kế hoạch thông tin của phóng viên bị phá sản. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể tránh được hoặc giảm thiểu nếu phóng viên có kế hoạch dự phòng và chịu khó tìm hiểu về đất nước, con người, ẩm thực, văn hóa… trước khi đi thông qua bạn bè, internet và sự chia sẻ từ các diễn đàn. 

Thứ tư, liên tục suy nghĩ để tìm đề tài, câu chuyện gây hứng thú cho độc giả. Phải tranh thủ tối đa vì thời gian công tác ở nước ngoài thường rất ngắn. Cần phải thu thập đủ thông tin bởi phóng viên không thể quay trở lại nơi đó trong thời gian gần. 

Tuy đã rất cẩn thận, nhưng chuyến công tác của tôi ở “đất khách” cũng không tránh khỏi sự cố. Mối quan hệ với các đồng nghiệp bản địa đã cứu tôi “một bàn thua trông thấy”. 

Do mạng wifi ở khách sạn không được tốt nên tôi tranh thủ làm việc ở trung tâm hội nghị quốc tế Ivato. Lúc xong việc thì trời đã tối, tôi gọi điện thoại cho khách sạn đưa xe đến đón thì không liên lạc được. Lễ tân ở trung tâm hội nghị quốc tế cũng không gọi được taxi và không biết địa chỉ khách sạn tôi ở.

Tôi bỗng nhớ ra anh bạn phóng viên đài phát thanh và truyền hình AZ Madagascar, Jean Paul Randrianiaina, vừa làm quen ngày hôm trước và gọi điện nhờ giúp đỡ. Nửa tiếng sau, Jean Paul và vài đồng nghiệp đã có mặt. Sau khi hỏi khá nhiều người dân địa phương, cuối cùng họ cũng đưa được tôi về khách sạn. Tôi thực sự xúc động trước sự nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp. Hai ngày sau đó, ngày nào họ cũng đến đón tôi cùng đi. 

Chủ động tác nghiệp
Tôi đặt mục tiêu mỗi ngày phải gửi về Tổng xã ít nhất hai bài bằng tiếng Pháp và một bài tiếng Việt. Trong khi đó, thời gian tác nghiệp, viết tin, bài lại eo hẹp, chỉ vỏn vẹn hai tiếng rưỡi đồng hồ, do hội nghị bắt đầu lúc 10 giờ 30 (khoảng 14 giờ 30 giờ Hà Nội). Nếu không cập nhật đủ thông tin cho bài viết thì coi như ngày hôm đó không làm được việc gì. 

Để có được những bài viết chất lượng, sự năng động, nhanh nhẹn, khả năng quan sát của phóng viên giữ vai trò then chốt. Ngoài ra, sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan đến hội nghị trước chuyến đi đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi viết bài.
 
Với giúp đỡ của các đồng nghiệp bản địa, tôi đã thực hiện suôn sẻ chuyến công tác, với khá nhiều bài viết bên lề hội nghị. Làm việc cùng các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đã giúp tôi học hỏi rất nhiều về cách khai thác và biên tập tin. 

Thay cho cảm giác lo lắng ban đầu, giờ đây, tôi cảm thấy vui vì có những trải nghiệm phong phú và thấy mình trưởng thành hơn. Vui hơn nữa vì Văn phòng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF - đơn vị tài trợ cho chuyến công tác của tôi tại Madagascar - hài lòng với chuyên đề về Cộng đồng Pháp ngữ đăng trên báo Le Courrier du Vietnam. 
Phóng viên Thanh Nga tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Ivato

Theo Nội san thông tấn số 3/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phóng viên nữ thường trú vùng Tây Bắc (12/04/2017 10:26:36)

Đi một ngày đàng…  (02/03/2017 08:41:40)

Đón Xuân trên đất Mỹ (23/01/2017 09:38:49)

Ăn Tết ta ở trời Tây (23/01/2017 09:34:14)

Cảm hứng làm phóng sự Tết  (23/01/2017 09:24:32)

Từ điểm nóng Trung Đông… (01/12/2016 09:55:06)

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa (01/12/2016 09:46:56)

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)