Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Hai chuyến đi đáng nhớ


(30/05/2017 10:12:51)

Cuối tháng 4/2012, tôi nhận nhiệm vụ đi thường trú tại Lai Châu. Là tỉnh vùng cao, biên giới, rừng núi bạt ngàn, giao thông cách trở, Lai Châu có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc và là một “kho” tư liệu khổng lồ để phóng viên tìm hiểu, viết tin, bài. Nhưng cũng ở chính nơi này, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn khi tác nghiệp.

Phóng viên Quang Duy với đồng bào dân tộc Mông, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu


Mưa lo lở đất
Ở Lai Châu bây giờ, dù ô tô khách đã đến được trung tâm các huyện, nhưng muốn xuống bản thì phóng viên chủ yếu vẫn phải đi bằng xe máy và “cuốc” bộ.

Nhớ hồi tháng 7/2013, đúng vào mùa mưa, anh em phóng viên các báo cùng lên đường vào huyện biên giới Mường Tè. Vào mùa này, có thể mưa cả ngày, cả tuần, việc đi đường núi trở nên nguy hiểm, bởi có thể gặp sạt lở đất bất kỳ lúc nào. Đường từ thành phố Lai Châu vào Mường Tè khoảng 200km, với nhiều đèo dốc, vực sâu; đâu đâu cũng gặp rãnh nước, mạch nước từ trong kẽ núi chảy ra.

Nguy hiểm nhất là cung đường Pa Tần, huyện biên giới Sìn Hồ. Do đường đang thi công nên không tránh khỏi việc đá rơi, sạt lở vì địa chất chưa ổn định. Thấy đá lăn, anh đồng nghiệp báo Nhân Dân vài lần hoảng hốt nhảy khỏi xe máy khiến tôi mất thăng bằng suýt lao xuống sông Nậm Na. Tới được thủy điện Lai Châu, một công trường lớn toàn bê tông và cát đá, cũng là lúc trời mưa như trút nước. Chúng tôi mỗi người mặc hai bộ áo mưa mà vẫn ướt như chuột lột, đành phải vào trú nhờ ở lán của công nhân, chờ mưa ngớt.
Mưa rừng rát mặt nhưng tạnh nhanh. Chúng tôi lại gấp rút lên đường để kịp tới trung tâm thị trấn trước khi mặt trời lặn. Từ thủy điện Lai Châu đến thị trấn Mường Tè còn chừng 50 cây số. Con đường độc đạo một bên là sông Đà chảy siết, một bên vách đá dựng đứng. Cách trung tâm thị trấn 4 cây số, một chiếc xe máy đi cùng đoàn hết xăng. Chúng tôi phải mượn đồ nghề của một người qua đường tháo xăng xe đổ dồn cho nhau. Cuối cùng, chúng tôi cũng có mặt tại thị trấn Mường Tè lúc 10 giờ đêm…

Qua kinh nghiệm thực tế của đồng nghiệp và bản thân, tôi xin chia sẻ những điều cần thiết khi tác nghiệp tại địa bàn miền núi:

- Phương tiện chủ yếu của phóng viên là xe máy. Do đó trước khi đi cơ sở phải kiểm tra xe thật kỹ; nên tự sắm cho mình đồ sửa xe cơ bản và học những kỹ năng sửa chữa đơn giản.

- Nên chuẩn bị một chiếc ba lô chuyên dụng với những đồ dùng thiết yếu để có thể sẵn sàng đi cơ sở bất cứ lúc nào.

- Khi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, không nên đi một mình, cần có đồng nghiệp đi cùng để hỗ trợ lúc cần thiết.

- Cần biết tiếng dân tộc thiểu số để có thể hiểu và nói được, cũng như tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào.

Leo núi lo mất phanh
Cũng mùa hè năm đó, tôi lại cùng đồng nghiệp đến xã Tà Tổng - một xã cực kỳ khó khăn của huyện Mường Tè. Từ cầu treo Nậm Khao bắc qua sông Đà (cầu này đã tháo dỡ do nằm trong vùng ngập thủy điện Lai Châu) đến trung tâm xã phải đi chừng chục cây số đường núi hiểm trở. Con đường nhỏ men theo vách núi chỉ đủ cho một chiếc ô tô “bò” thận trọng, bởi lẽ chỉ cần một chút sơ xảy là có thể lao xuống vực sâu “hòa mình với dòng sông”. Đường lên xã với “12 tầng dốc”, bởi phải đi qua 12 tầng đường tương đương với 12 khúc cua gấp.

Dù là mùa hè nhưng mây mù vẫn giăng mù mịt gần chục cây số cung đường lên xã. Chúng tôi đi cùng xe của Ban Dân vận Huyện ủy Mường Tè. Đường trơn vì sương núi cộng với việc đang cải tạo lại càng thêm nguy hiểm. Anh tài xế trẻ trên đường đi liến thoắng về kinh nghiệm đi xe đường núi, khiến anh em chúng tôi có phần yên tâm. Thế nhưng, đi được khoảng nửa đường, chiếc xe bỗng mất phanh. Kiểm tra thì phát hiện ống dẫn dầu phanh bị đứt. Cũng may là xe đang lên dốc chứ nếu xuống dốc thì không biết chuyện gì xảy ra?! 

Không thể quay lại, cũng không thể chờ người mang đồ lên thay vì từ trung tâm huyện vào đến điểm này nếu không tắc đường phải mất nửa ngày. Hơn nữa, vị trí chúng tôi đứng không có sóng điện thoại. Chỉ còn một cách là tiếp tục đi.

Trong xe lúc này ai nấy đều toát mồ hôi. Anh bạn đồng nghiệp trước đó đã từng thoát chết trong tai nạn rơi xuống vực sâu gần 100m, ngồi gần cửa xe, tay luôn bám chặt vào cánh cửa để sẵn sàng mở, nhảy ra bất cứ lúc nào. Xe dồn số 1, 2 đi cầu hai suốt quãng đường khoảng 5 km. Lên đến xã cũng là lúc chập tối và muộn so với dự kiến 4 tiếng đồng hồ, nhưng ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Thật là chuyến đi nhớ đời!
Phóng viên Quang Duy (bên trái) tác nghiệp tại xã biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

 

Theo Nội san thông tấn số 4/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ẩn sau chuyến công tác vùng cao (12/04/2017 11:01:43)

Lần đầu tác nghiệp tại nước ngoài (12/04/2017 10:56:49)

Phóng viên nữ thường trú vùng Tây Bắc (12/04/2017 10:26:36)

Đi một ngày đàng…  (02/03/2017 08:41:40)

Đón Xuân trên đất Mỹ (23/01/2017 09:38:49)

Ăn Tết ta ở trời Tây (23/01/2017 09:34:14)

Cảm hứng làm phóng sự Tết  (23/01/2017 09:24:32)

Từ điểm nóng Trung Đông… (01/12/2016 09:55:06)

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa (01/12/2016 09:46:56)

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)