Thứ năm, ngày 18/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Ghi chép từ tâm bão Hà Tĩnh


(03/10/2017 10:23:40)

Trung tuần tháng 9/2017, cơn bão số 10 với mưa to gió lớn gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào miền Trung, trong đó nghiêm trọng nhất là các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhóm phóng viên Truyền hình thông tấn và kỹ thuật viên Trung tâm Kỹ thuật thông tấn lần đầu phối hợp sử dụng thiết bị truyền phát vệ tinh đưa tin ngay tại tâm bão Hà Tĩnh.


Trưa 15/9, đang ăn cơm thì điện thoại của tôi rung lên, đầu máy gọi là giọng quen thuộc của Trưởng phòng tin Chính trị xã hội Vnews: Vân Giang chuẩn bị đi tăng cường cho Hà Tĩnh, làm bão số 10 ngay nhé. Đối với một phóng viên thuộc “nhóm phản ứng nhanh” của Vnews, đây là điều không hiếm gặp. Nhanh chóng về nhà chuẩn bị hành trang, một tiếng sau, chúng tôi lên đường. 

Kiểm tra thiết bị truyền phát vệ tinh trước khi lên đường

Chúng tôi rời trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt khi trời lắc rắc mưa. Trưởng nhóm là anh Hoàng Đức Long, Trưởng phòng tin Chính trị xã hội. Chuyến đi này, lần đầu tiên, Trung tâm Kỹ thuật thông tấn cử người với thiết bị truyền phát vệ tinh đi cùng để hỗ trợ chúng tôi phòng khi mất sóng điện thoại và mạng Internet. 

Chiếc ô tô Land Cruiser xé gió chạy băng băng nhằm hướng Hà Tĩnh. Càng gần đến vùng tâm bão, đường càng vắng vẻ. Những cơn gió cấp 10 - 11 liên tục giằng xé ngọn cây, mái tôn, chốc chốc lại giật lên, cuốn phăng những thứ trên đường chúng đi. Chiếc xe bỗng chao đảo, giật nghiêng. Anh Tuấn lái xe bình tĩnh bẻ lái, điều khiển chiếc xe nặng gần ba tấn quay lại đúng quỹ đạo tiến vào vùng tâm bão. Chúng tôi bị một phen hú vía, đúng như lời anh Tuấn phải thốt lên: Cả đời chưa bao giờ gặp tình huống này!

Suốt 6 tiếng đồng hồ chạy xe không nghỉ, chúng tôi có mặt tại Hà Tĩnh. Lúc này, trời tối đen như mực, cả Hà Tĩnh chìm trong bóng đêm. 

Sau nhiều lần liên lạc bị gián đoạn do mất sóng, chúng tôi tìm đến Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Tiếp chúng tôi, ông Chánh văn phòng lộ rõ vẻ mệt mỏi do thức đêm và vừa đi kiểm tra những khu vực trọng yếu trở về. Trả lời phỏng vấn xong, ông lại vội vã lên đường để cập nhật thông tin báo cáo cấp trên, trước khi Thủ tướng đến thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10. 

Dưới bàn tay của kỹ thuật viên Quang Hiệp, chưa đầy 5 phút, ê kíp chúng tôi đã hoàn thành tác phẩm đầu tiên. Do mạng di động 4G chập chờn, để có thể truyền được hình ảnh nhanh nhất về Tổng xã, chúng tôi đã tính đến phương án dùng thiết bị vệ tinh. Nhưng thật may, đường truyền Internet của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh vẫn hoạt động, nên phần phỏng vấn đã kịp gửi về phát bản tin 22 giờ ngày 15/9.

Ngay lúc đó, Giám đốc Trung tâm Truyền hình thông tấn điện thoại vào động viên chúng tôi cố gắng đi vào vùng tâm bão, làm ngay một phóng sự cho bản tin 6 giờ sáng hôm sau. Cả nhóm vội ăn lót dạ rồi lên đường. Sau hơn một tiếng đồng hồ chạy xe, chúng tôi có mặt tại tâm bão thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trước mắt chúng tôi là cổng chào của thị xã bị gió bão giật tung. Cột anten của Đài truyền thanh truyền hình Kỳ Anh cũng bị quật đổ. Hai bên đường ngổn ngang mái tôn, cành cây, cột điện. Quay phim Minh Tuấn nhanh chóng ghi lại những hình ảnh đó. Chúng tôi tranh thủ bàn bạc và thống nhất nội dung phóng sự.  

Gần 1 giờ sáng, chúng tôi  có mặt tại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh. Trong phòng họp, cán bộ chủ chốt của thị xã và lực lượng vũ trang Quân khu 4 đang lên phương án điều động quân số để sáng sớm cơ động đến giúp dân ở các khu vực thiệt hại nặng. Chủ tịch thị xã Nguyễn Quốc Hà giọng buồn rầu: Những gì Kỳ Anh xây dựng được trong 10 năm qua vừa bị bão lấy đi hết rồi!

Khi đọc báo cáo, mắt tôi như mờ đi: Thống kê sơ bộ có đến 17.500 ngôi nhà bị đổ sập hoặc tốc mái. Vậy những người bị sập nhà, tốc mái nhà, đêm nay sẽ xoay sở ra sao? Câu hỏi cũng là đề tài gợi mở cho phóng sự của chúng tôi.

Hơn 3 giờ sáng, cả nhóm về chỗ nghỉ. Anh Long giục: “Chú cắt phỏng vấn rồi viết nhanh để còn thu tiếng hoàn chỉnh tại chỗ luôn”. Đầu óc đang lơ mơ vì buồn ngủ, tôi hỏi lại: “Đọc luôn, dựng gửi về phát luôn hả anh?”. “Chính xác!”, anh Long khẳng định, “chú chưa làm thế bao giờ à?”. “Vâng, đúng là làm từ A đến Z thế này thì em chưa bao giờ”.

Mất 10 phút để viết lời bình, 3 phút để duyệt lại và cộng thêm 10 phút nữa để đọc và hậu kỳ, chúng tôi đã hoàn thành phóng sự. Đồng hồ điểm gần 4 giờ sáng nhưng cả nhóm không cảm thấy mệt. Có lẽ, những hình ảnh gặp dọc đường là động lực để chúng tôi hoàn thành công việc của mình nhanh đến thế.

Sáu rưỡi sáng 16/9, tôi vừa ngủ dậy, được giao ngay nhiệm vụ tìm đề tài, còn anh Long với anh Hiệp tranh thủ tìm địa điểm để thực hiện những cảnh quay flycam hình ảnh thành phố Hà Tĩnh đang trở lại nhịp sống bình thường sau bão. Dựng hình xong chúng tôi có một cuộc trao đổi nhỏ, một mặt vẫn gửi hình qua đường Internet, mặt khác, đề phòng đường truyền đứt đoạn, chúng tôi gửi qua vệ tinh. Anh Biểu, kỹ thuật viên của Trung tâm Kỹ thuật ở lại thành phố Hà Tĩnh để kiểm tra đường truyền. 
Ngôi nhà ở xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên tan hoang sau cơn bão số 10 (ảnh cắt từ bản tin thời sự Vnews)

Hơn 9 giờ, chúng tôi lên đường đến xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, nơi gần như toàn bộ nhà dân bị tốc mái. Trái với khung cảnh vắng lặng của chiều hôm trước, ngay khi cơn bão đi qua, làng trên xóm dưới, những thanh niên lực lưỡng đang giúp người dân lợp lại mái nhà. Khắp nơi mọi người đang thu dọn các đống đổ vỡ. Tôi không thể nào quên hình ảnh một phụ nữ chạc tuổi mẹ tôi, khi thấy nhóm phóng viên, đã chạy ra khóc: “Mất hết cả rồi các chú ơi! Tôi một mình đau yếu chả làm được chi”. Khuyên bà bình tĩnh nhưng chính chúng tôi cũng lặng người quay đi giấu những giọt nước mắt trực tuôn trào. 

“Sẽ phải mất thêm một thời gian nữa, những ngôi nhà của người dân Hà Tĩnh mới có thể ấm áp trở lại. Ngay lúc này đây, họ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng”, là đoạn kết của phóng sự “Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn sau bão số 10”. 
Chiều hôm đó, chúng tôi nhận được điện thoại của Chủ tịch xã Cẩm Minh cảm ơn nhóm phóng viên TTXVN khi ông cùng bà con được xem phóng sự qua sóng truyền hình và được nhiều địa phương thăm hỏi.

Mặc dù vất vả, nhưng bù lại những hình ảnh được chúng tôi ghi lại kịp thời, chân thực đã góp một phần nhỏ bé để đồng bào cả nước cùng cảm thông, chia sẻ, hướng về khúc ruột miền Trung. Đó sẽ là những kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình.
 

Theo Nội san thông tấn số 9/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trong mưa lũ Tây Bắc (01/09/2017 16:14:02)

Dầm mưa ở rốn lũ Mường La (01/09/2017 15:59:38)

Đêm trắng ở Mù Cang Chải (01/09/2017 15:47:14)

Một năm ở đất nước Chùa tháp (02/08/2017 14:59:49)

Tiếp lửa cho những đam mê  (30/05/2017 14:35:16)

Hai chuyến đi đáng nhớ  (30/05/2017 10:12:51)

Ẩn sau chuyến công tác vùng cao (12/04/2017 11:01:43)

Lần đầu tác nghiệp tại nước ngoài (12/04/2017 10:56:49)

Phóng viên nữ thường trú vùng Tây Bắc (12/04/2017 10:26:36)

Đi một ngày đàng…  (02/03/2017 08:41:40)