Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Nghe tiếng quê hương trên đất Chùa Vàng


(01/11/2017 14:49:41)

Cuối tháng 9/2017, nhận lời mời từ Cục Quan hệ công chúng Thái Lan (PRD), đoàn công tác của TTXVN do Phó Tổng giám đốc Đinh Đăng Quang dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan. Tình cảm đoàn kết và những việc làm ấm áp nghĩa tình của cộng đồng những người Việt sinh sống và học tập tại Thái Lan dành cho quê hương, cho tiếng mẹ đẻ và Bác Hồ kính yêu đã để lại ấn tượng đẹp với các thành viên trong đoàn.


Mỗi ngày học một từ tiếng Việt
 
Trong cái nắng oi ả cuối tháng 9 của vùng đông bắc Thái Lan, chúng tôi chợt thấy lòng mình dịu lại khi tiếng đánh vần từng con chữ tiếng Việt vang lên và những lời chào lễ phép của các em học sinh trường Anuban Nakhon Phanom, thuộc Trung tâm Hữu nghị Nakhon Phanom - Hà Nội.
 

Đoàn công tác TTXVN và kiều bào tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan

Lớp học mà đoàn công tác của TTXVN, do Phó Tổng giám đốc Đinh Đăng Quang dẫn đầu, đến thăm trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thái Lan cuối tháng 9/2017 theo lời mời của Cục Quan hệ công chúng Thái Lan (PRD), có chừng bốn mươi học sinh, em ít tuổi nhất học lớp 3 còn em lớn nhất học lớp 6. Nhiều em là thế hệ thứ ba, thứ tư của các gia đình Việt kiều định cư tại tỉnh Nakhon Phanom nhưng cũng có em là con các gia đình người Thái Lan tại địa phương đến lớp học vì “yêu thích tiếng Việt, yêu Bác Hồ và muốn đi du lịch Việt Nam”.
 
 Khẩu hiệu giản dị tại Trung tâm là “Mỗi ngày học một từ tiếng Việt”. Trao đổi về điều này với cô Trịnh Thị Bé và cô Trịnh Thị Thanh, chúng tôi được biết, các em đến Trung tâm học tiếng Việt ngoài giờ học chính khóa, vì vậy thầy cô không tạo áp lực về học tập đối với các em. Các thầy, cô đã xây dựng giáo trình “Tiếng Việt cơ sở” với các nội dung như: Chữ cái Việt Nam, chào hỏi, giới thiệu, cách đếm, thời gian, gia đình, trường học, ẩm thực và mua bán. Để các bé dễ nhớ, dễ thuộc, các thầy cô đã sáng tác một bài hát về chữ cái và dấu trong tiếng Việt nghe rất ngộ nghĩnh và vui tai. Bài hát “Chim Vành khuyên” để dạy các em biết cách chào hỏi, bài “Cô và mẹ” được đưa vào chủ điểm trường học và sáng tác “Cả nhà thương nhau” dành cho chủ đề gia đình.
 
Những thế hệ đi trước chỉ mong muốn con em mình sinh ra tại Thái Lan luôn biết về nguồn cội, về phong tục, tập quán quê hương mình. “Dạy cho con cháu biết chào hỏi, biết mời cơm ông bà, cha mẹ, biết cúng lễ tổ tiên bằng tiếng Việt là mừng lắm rồi”, bà Lê Thị Hường, một Việt kiều 68 tuổi, quê gốc Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Nakhon Phanom, tâm sự với chúng tôi. Bà Hường, ông Sáu, chị Sớm và những Việt kiều chúng tôi gặp ở Nakhon Phamon cho biết, trước đây, việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Nay được sự quan tâm của lãnh đạo hai nước và sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như của UBND TP. Hà Nội hỗ trợ tài chính xây dựng trung tâm, con em kiều bào tại địa bàn đã có một ngôi trường khang trang để học tập.
 
Tại cuộc gặp với đoàn, lãnh đạo tỉnh Nakhon Phanom và thầy Hiệu trưởng trường Anuban Nakhon Phanom khẳng định, quan hệ Thái Lan và Việt Nam hết sức quý báu và là nền tảng của Cộng đồng ASEAN. Con em các gia đình Việt kiều tại địa phương được dạy tiếng Việt để sau này tiếp tục đóng góp, vun đắp cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.
 
Luôn kính yêu và làm theo lời Bác dạy
 
Không phụ lòng thầy cô giáo và thế hệ đi trước, các em ở Trung tâm không chỉ biết đọc, biết viết, biết giao tiếp mà còn có thể hát bằng tiếng của quê hương mình. Sau những câu chào hỏi bằng tiếng Việt, các em đã hát tặng đoàn bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sỹ Phong Nhã bằng giọng ca chan chứa tình cảm kính yêu dành cho Bác Hồ.
 
Điều này tưởng như thật lạ nhưng lại rất dễ hiểu đối với những ai đã đặt chân tới bản Mạy, làng Hữu nghị Thái - Việt, tỉnh Nakhon Phanom, một trong những nơi có cộng đồng người Thái gốc Việt đông nhất, với khoảng 10.000 người Việt đang sinh sống. Bản Mạy chính là nơi Bác Hồ đã hoạt động trong quãng thời gian từ năm 1928 đến 1929. “Khi đó, chẳng ai biết già Chín (bí danh của Bác khi ở Thái Lan) là Nguyễn Ái Quốc, mà chỉ biết đó là một người đàn ông chịu thương, chịu khó, nhẹ nhàng hòa giải các khúc mắc cho bà con, luôn quan tâm tới việc dạy tiếng Việt và hướng dẫn bà con trồng trọt”, bà Lê Thị Hường kể lại câu chuyện mà bà được nghe từ ông của mình.
 
Noi gương và kính yêu Bác, kiều bào tại Thái Lan luôn chăm chỉ, siêng năng và mong muốn giới thiệu cuộc sống khiêm nhường, thanh cao của Bác tới đông đảo du khách thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại bản Mạy. Ông Trần Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh Nakhon Phanom, Trưởng ban quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ người Việt Nam kính yêu Bác Hồ mà du khách các nước khi tới thăm Khu tưởng niệm cũng bày tỏ sự khâm phục đối với Hồ Chủ tịch.
 
Phó Tổng giám đốc Đinh Đăng Quang nhận hoa chúc mừng của học sinh trường Anuban Nakhon Phanom

“Chúng tôi vô cùng tự hào về Bác và luôn làm theo những điều Bác dạy”, lời bà Lê Thị Hường nói khi chia tay đoàn, đã khép lại một chuyến đi đầy ý nghĩa để mỗi chúng tôi hiểu hơn về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác và hiểu hơn tấm lòng của kiều bào tại Thái Lan luôn kính yêu Bác và nguyện làm theo những điều Bác dạy. Đó là luôn hướng về quê hương, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền dạy tiếng Việt cho con em mình.
 

Vũ Việt Trang
Theo Nội san thông tấn số 10/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

SEA Games 29 - Bài test có giá trị  (03/10/2017 10:38:25)

"Một ngày đàng" tại SOM3 - APEC Việt Nam 2017 (03/10/2017 10:31:12)

Ghi chép từ tâm bão Hà Tĩnh (03/10/2017 10:23:40)

Trong mưa lũ Tây Bắc (01/09/2017 16:14:02)

Dầm mưa ở rốn lũ Mường La (01/09/2017 15:59:38)

Đêm trắng ở Mù Cang Chải (01/09/2017 15:47:14)

Một năm ở đất nước Chùa tháp (02/08/2017 14:59:49)

Tiếp lửa cho những đam mê  (30/05/2017 14:35:16)

Hai chuyến đi đáng nhớ  (30/05/2017 10:12:51)

Ẩn sau chuyến công tác vùng cao (12/04/2017 11:01:43)