Thứ năm, ngày 25/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Vụ phá rừng An Lão, Bình Định: Tiếp cận hiện trường sớm nhất


(01/12/2017 16:27:26)

Đầu tháng 9/2017, TTXVN “nổ” phát súng đầu tiên về vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh Bình Định, khiến dư luận cả nước quan tâm. Nhóm phóng viên CQTT tại Bình Định đã có mặt tại hiện trường, thông tin kịp thời vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này. Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó đã yêu cầu tỉnh Bình Định điều tra xử lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/10.

Chiều 7/9, anh Phạm Kha, Trưởng CQTT tại Bình Định, triệu tập cuộc họp khẩn để triển khai thông tin vụ phá rừng An Lão. Nhận định đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng, Trưởng CQTT đã lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phóng viên, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng. Tôi và phóng viên Quốc Dũng trực tiếp đến quay phim, chụp ảnh, ghi nhận tại hiện trường. Anh Phạm Kha có nhiệm vụ “bọc lót” ở “vòng ngoài”, nắm các thông tin từ cơ quan chức năng, dư luận và các nguồn tin; sẵn sàng chi viện anh em “vòng trong”. Nơi xảy ra vụ phá rừng có địa hình rất hiểm trở, thuộc xã An Hưng - vùng giáp ranh giữa ba huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định) và Ba Tơ (Quảng Ngãi). Yêu cầu đặt ra với phóng viên là phải có mặt tại hiện trường sớm nhất. 

Việc đầu tiên của chúng tôi là nghiên cứu đường đi, địa hình khu vực rừng bị lâm tặc tàn phá, rồi vạch phương án “tác chiến”, tiếp đó mới chuẩn bị tư trang đi rừng. Có hai cách để tiếp cận hiện trường: Một là từ xã An Hưng đi bộ hơn nửa ngày đường rừng; hai là từ hướng xã Hoài Sơn thì chỉ có xe ôtô chuyên dụng mới vào được. Phương án “tác chiến” chúng tôi chọn là đi xe máy đến xã Hoài Sơn, sau đó thuê người dân bản địa dẫn bộ vào khu rừng bị phá. Tối  hôm trước khi đi, chúng tôi cố gắng kết nối với cơ quan chức năng địa phương nhưng họ đều né tránh. 
 

PV Nguyên Linh tại hiện trường vụ phá rừng

Hôm sau, chúng tôi lên đường, khi màn đêm còn đen kịt. Vượt qua quãng đường hơn 120 km từ TP. Quy Nhơn đến xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, chúng tôi dừng chân ăn sáng tại một quán nhỏ bên đường khi trời vừa hửng sáng. Lúc này, chúng tôi kết nối, thuyết phục được Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão cho đi “ké” xe ôtô chuyên dụng của kiểm lâm đang đi tuần tra rừng. Chiếc xe UAZ cũ kỹ nhả khói đen mịt mù, rung lên, chồm qua những con dốc cao, rồi ì ạch “bơi” qua những đoạn sình lầy và không ngừng rung lắc trên con đường đầy đá sỏi, gập ghềnh. 

Sau gần hai tiếng “đọ gan” trên xe, vượt qua hơn 5km đường rừng nguy hiểm, chúng tôi tiếp cận được khu vực rừng bị tàn phá. Con đường độc đạo đi vào khu rừng đã bị lâm tặc chặn một hàng rào kiên cố. Hai anh kiểm lâm phải dùng búa tạ phá khóa, chặt dây xích mới vào được bên trong. “Đối tượng phá rừng đang ẩn nấp đâu đây, bọn chúng xem khu vực rừng tự nhiên này như lãnh địa riêng, anh em tác nghiệp phải cẩn thận” - ông Phạm Phương Bắc, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão cảnh báo.

Vượt qua hàng rào, đập vào mắt chúng tôi là khoảng rừng rộng lớn bị “cạo” trọc, trải dài mấy quả đồi khô khốc, hoang tàn. Hàng ngàn thân cây lớn nhỏ nằm ngổn ngang, có những thân cây đường kính lên tới 60 - 70cm, nhiều gốc cây to đến hai người ôm. Có những gốc cây, vết cưa còn chảy nhựa, lá xanh đang chuyển sang vàng úa. Vô số cây cổ thụ bị đốt cháy đen, thân gãy đổ. 

Nửa ngày leo núi, chúng tôi vẫn chưa thể đi hết diện tích rừng bị lâm tặc chặt phá. Càng đi vào sâu, chúng tôi càng xót xa trước cảnh hoang tàn của rừng. Tất cả những hình ảnh này đều được chúng tôi chụp hình, quay phim, phỏng vấn kiểm lâm, rồi dẫn hiện trường. Chúng tôi tìm tới những vạt rừng bị tàn phá mà kiểm lâm chưa từng đến đó, cố tìm những góc máy tốt nhất để lột tả được sự tàn phá nghiêm trọng này. 

Lần tìm những dấu vết của lâm tặc, tại hiện trường, chúng tôi phát hiện nhiều can xăng, vật dùng đựng thức ăn, nước uống và cả lán trại của lâm tặc đang đỏ lửa. Chúng tôi thay phiên nhau quay phim, chụp ảnh; cùng leo lên những điểm cao để có góc nhìn toàn cảnh, góc máy đẹp; làm việc say sưa quên cả đói. 

Trời ngả chiều, chúng tôi lê chân xuống núi, người mệt lả, chỉ đủ sức uống nước chứ không nuốt trôi chiếc bánh chưng mang theo. 

Ra khỏi bìa rừng, chúng tôi ghé ngay vào một trạm kiểm lâm để xử lý thông tin. Không có internet, sóng 3G phát ra từ điện thoại thì chập chờn, hơn 30 phút chạy ì ạch, loạt ảnh hiện trường vụ phá rừng được gửi thành công về Tổng xã, đăng tải trên các sản phẩm thông tin của TTXVN. Đây cũng là những bức ảnh “độc quyền” đầu tiên tại hiện trường vụ phá rừng ở Bình Định được truyền thông đăng tải. 
 
PV Quốc Dũng ghi lại cảnh rừng bị tàn phá

Tiếp đó, chúng tôi di chuyển đến một quán cà phê wifi dọc đường để gửi phim và viết bài ghi nhanh từ hiện trường. Ngay trong chiều 8/9, chúng tôi đã xử lý xong phóng sự truyền hình và bài ghi nhanh từ hiện trường gửi về cơ quan. Liên tục trên những bản tin thời sự, Truyền hình thông tấn độc quyền phát sóng về vụ phá rừng nghiêm trọng này. Sau đó, VTV1, VTV8, Chuyển động 24h, kênh Truyền hình Pháp luật (báo Pháp luật Việt Nam) và hàng loạt các đài truyền hình đều phát lại phóng sự ghi nhận từ hiện trường vụ phá rừng do phóng viên TTXVN tại Bình Định thực hiện. 

Trước những hình ảnh sinh động mà TTXVN liên tục phản ánh, ngay chiều 9/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2017. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra. Cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam 7 nghi can, trong đó có một tổng giám đốc. Nhiều lãnh đạo huyện, xã, cán bộ kiểm lâm có liên quan đến vụ phá rừng bị kỷ luật. 

Tất cả những thông tin, hình ảnh ghi nhận được từ hiện trường, chúng tôi đều báo cáo, trao đổi qua điện thoại với Trưởng CQTT và gửi trực tiếp từ hiện trường để đảm bảo tính nóng hổi, thời sự. Đồng thời, chúng tôi liên tục tiếp nhận những thông tin mới, thông tin “hậu trường” từ Trưởng CQTT. Nhờ sự phối hợp ăn ý đó mà các bản tin xử lý tại hiện trường luôn được tròn trịa, đầy đặn thông tin. Liên tiếp những ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục bám trụ hiện trường, kịp thời phản ánh những thông tin nóng về vụ phá rừng được dư luân quan tâm. Qua tác nghiệp vụ phá rừng này, chúng tôi tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, nhất là sự cần thiết có mặt sớm của phóng viên tại hiện trường và sự chia sẻ, phối hợp, bọc lót thông tin của anh em đồng nghiệp.
 

Nguyên Linh
Theo Nội san thông tấn số 11/2017