Thứ ba, ngày 23/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Trường Sa - Thiêng liêng tình yêu Tổ quốc


(03/01/2018 15:17:24)

Bất cứ ai khi đến với Trường Sa đều có nhiều cảm xúc mới lạ. Đối với Vũ Văn Đức, Trưởng CQTT tại Quảng Ninh, chuyến hải trình đến với Trường Sa sẽ mãi là chuyến công tác lớn nhất trong cuộc đời với bài học yêu nước sâu sắc của một nhà báo tròn 40 tuổi.

Nhà báo Vũ Văn Đức trò chuyện với chiến sỹ ở Trường Sa


Trải nghiệm
Trước khi xách ba lô lên đường, tôi đã tìm hiểu thông tin về Trường Sa và học hỏi kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp từng đến Trường Sa. Lần đầu tiên đến với đảo xa, nên tôi muốn trải nghiệm về Trường Sa để tìm hiểu theo chiều rộng, càng biết nhiều về Trường Sa càng tốt, chứ không theo chiều sâu, từng chủ đề mà báo chí vẫn thường làm. 

Không giống với đồng nghiệp các báo cùng đi, tôi không vội viết tin, bài mà dành nhiều thời gian tìm hiểu, cảm nhận hương vị cuộc sống trên đảo. Từ những khó khăn về nước ngọt, rau xanh đến sự can trường của người lính đảo, nhất là lính nhà giàn DK mỗi trận bão về. Tim quặn đau khi tận mắt thấy đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam nay đã bị nước ngoài chiếm đóng trái phép và mắt lệ nhòa trong buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. 

Đến với Trường Sa tôi mới cảm nhận sâu sắc tình quân dân trên đảo, tình đồng đội, đồng chí hay tình cảm của các thành viên trong đoàn công tác, của đất liền dành cho Trường Sa, dành cho quân và dân trên đảo đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chỉ gặp nhau lần đầu trong thời gian ít ỏi, song những cái bắt tay, cái ôm đầy nghĩa tình đã ghi đậm dấu ấn tình cảm quân dân. Đất liền luôn hướng về đảo xa và đảo xa luôn vì đất liền. Những giọt nước mắt đã rơi không chỉ trên khóe mắt của các chị, các em gái, mà cả những người đàn ông vốn được coi là cứng rắn trong giờ phút chia tay. Cảm xúc ấy sao mà thiêng liêng đến thế! 
 

Trải nghiệm cuộc sống ở Trường Sa

Ghi chép từng chi tiết
Đã thành thói quen, nên khi đến với cán bộ, chiến sỹ ở các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tôi nhanh chóng tìm hiểu đời sống của họ. Những nhân vật tiêu biểu sẽ được ghi chép nhiều hơn. Viết về Trường Sa không khó vì có quá nhiều đề tài, từ hình ảnh của cây dừa, cây phong ba, cây bàng vuông, rạn san hô cho đến hình tượng người chiến sỹ và người dân đang ngày đêm bám biển, bám đảo với biết bao khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, do thời gian ở mỗi đảo không nhiều (chừng hai tiếng đồng hồ) nên mọi việc từ ghi chép, phỏng vấn đến chụp ảnh đòi hỏi phóng viên phải làm nhanh nhất có thể. 

Xác định rõ mục đích là trải nghiệm, nên tôi cố gắng ghi lại thật nhiều hình ảnh về biển đảo, cuộc sống người dân và đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ hải quân trong chuyến hải trình Trường Sa. Ngày chụp ảnh, ghi chép, tối về, tôi dành thời gian biên tập ảnh, trung bình mỗi ngày khoảng 200 ảnh, có ngày lên tới gần 500 bức ảnh. 

Tiếp cận và vấn thăm
Theo lịch trình của đoàn công tác, thời gian tác nghiệp trên mỗi điểm đảo khoảng hai tiếng đồng hồ (đảo Trường Sa Lớn thời gian được dài hơn), nên để hiểu phần nào cuộc sống của các chiến sỹ và người dân trên đảo, tôi không chọn cho mình lối tác nghiệp báo chí hỏi đáp mà dành thời gian đi thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ và người dân trên các điểm đảo như những người bạn và người thân, lắng nghe những chia sẻ, tâm sự chân thành từ họ. 

Sau mỗi cuộc gặp gỡ ấy, trở về tàu, tôi cẩn thận ghi lại những điều mình cảm nhận được về Trường Sa.

Kinh nghiệm và hành trang
Cái được lớn nhất  của tôi trong chuyến hải trình đến Trường Sa là cảm nhận rõ nét tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, khâm phục trước những hy sinh của quân, dân trên đảo. Chuyến đi đã đem đến cho tôi bài học yêu nước sâu sắc  của một nhà báo tròn 40 tuổi. 
Trở về công tác tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng có biển đảo, đặc biệt có đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc - đảo Trần, huyện Cô Tô, tôi tin hành trang có được trong chuyến đi Trường Sa sẽ giúp tôi có nhiều kinh nghiệm trong xử lý tin, bài về biển đảo Việt Nam, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan giao. 

Trong tôi, Trường Sa vẫn còn quá nhiều bí ẩn và tôi mong sẽ trở lại để được gần gũi hơn nữa, để được yêu thương hơn nữa biển đảo quê hương mình.
 
VĂN ĐỨC

Trải nghiệm Trường Sa


Cưỡi sóng Đông học bài yêu nước
Như trẻ thơ cắp sách tới trường
Dải chữ S hình hài đất nước
Khắc Hoàng Sa, đau đáu Trường Sa
Bão Biển Đông luôn từ phương Bắc
Ta phải gồng chống bão ác qua
Máu Gạc Ma, Biển Đông nhuộm đỏ
Đảo lạc rồi, Đất mẹ buồn đau
Ước một ngày cưỡi sóng cả Đông
Xua tan bão đưa đảo về Đất mẹ
Để anh về bên mẹ dấu yêu
Lệ ngừng rơi, mắt người vợ trẻ
Hành trình đó dù dài thế kỷ
Quyết một ngày đòi lại đảo xa
Hoàng Sa đó, Gạc Ma vẫy gọi
Sẽ một ngày đoàn tụ non sông.

 

Văn Đức
Theo Nội san thông tấn số 12/2017