Thứ ba, ngày 19/03/2024

Tin tức trong ngành

Giải báo chí quốc gia năm 2018: Hành trình vạch trần tội ác dưới tán rừng xanh


(02/07/2019 14:34:13)

Dù đã lăn lộn nhiều nơi, viết rất nhiều loạt bài phóng sự về các vấn đề gai góc của xã hội, nhưng với phóng viên Võ Mạnh Hùng, báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), chuyến tác nghiệp kéo dài gần một năm trời để thực hiện tác phẩm “Tội ác dưới những tán rừng xanh” là cuộc đột kích vào “sào huyệt” của các điểm nóng phá rừng tự nhiên khủng khiếp nhất. Đây cũng là “đứa con tinh thần” được tạo ra bởi sự dấn thân và tâm huyết của một nhà báo trẻ luôn quan niệm “muốn có tác phẩm hay thì phải đi tới cùng sự thật”. Với sự nh​​ạy bén trong cách khai thác thông tin, hình thức trình bày, tác phẩm “Tội ác dưới những tán rừng xanh”của anh đã được trao Giải A - Giải báo chí quốc gia năm 2018.

Phóng viên Võ Mạnh Hùng tác nghiệp tại "nghĩa địa cây" dưới lòng hồ thủy điện Khe Diên, tỉnh Quảng Nam

1. Là phóng viên theo dõi mảng tài nguyên môi trường, với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng, tôi đã dành thời gian, tâm sức cộng với sự trợ giúp của một nhóm chuyên gia về lĩnh vực này để lên kế hoạch thực hiện một tuyến bài chuyên sâu phản ánh toàn bộ hiện trạng, cũng như các nguyên nhân, lỗ hổng khiến rừng “chảy máu”. Từ đó đưa ra các giải pháp, hiến kế để cứu rừng xanh, bảo vệ đại ngàn.
 
Thực tế cho thấy những năm gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng “phá sơn lâm”, chuyển đổi rừng làm thủy điện, khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép… tiếp diễn phức tạp và gia tăng. Thậm chí nhiều nơi, rừng tự nhiên còn bị “bốc hơi” nhanh đến ngỡ ngàng, vượt khỏi tầm kiểm soát. Câu hỏi vì sao, lý do gì mà thời gian qua rừng vàng, biển bạc trên toàn quốc liên tiếp bị lấn chiếm, tàn phá, khiến nhiều khoảnh rừng không còn màu xanh trên bản đồ, hàng loạt vụ khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn diễn ra với mức độ ngày càng khủng khiếp, đã thôi thúc tôi quyết tâm phải thực hiện tác phẩm này.
 
Tôi đã dành nhiều tháng đi thực địa, tiếp cận các điểm nóng phá rừng trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Bình, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên,… để điều tra, làm việc với các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, tìm ra những lỗ hổng của luật, vướng mắc từ cơ chế chính sách, cũng như bất cập trong quản lý đã tạo kẽ hở cho tội ác dễ dàng tồn tại dưới những tán rừng xanh trong thời gian dài.
 
2. Để tiếp cận được hiện trường cũng như ghi lại được những tư liệu, hình ảnh, thước phim rõ nét nhất, tôi phải vào vai người đi hái nấm lim xanh, săn thú, thuê thuyền đánh cá của ngư dân quanh vùng lòng hồ thuỷ điện đi từ tờ mờ sáng. Trước khi khởi hành, quần âu, áo sơ mi được xếp lại, thay bằng những bộ quần áo cũ kỹ mặc đi rừng, mái tóc gọn gàng sạch sẽ được xoa thêm đất và nhựa cây để hoá trang. Dẫu biết những chuyến đi này sẽ rất nguy hiểm nhưng “máu nghề” cứ thôi thúc tôi tiến về phía điểm nóng. 
 
Phóng viên Võ Mạnh Hùng xuyên rừng trên chiếc xe máy của lâm tặc dùng để chở gỗ

Tôi và người dẫn đường đi sâu vào rừng, vòng qua nhiều quả đồi, khe suối, mưa rừng như thác đổ, dưới chân đàn vắt xanh đang dựng mình chờ bám vào hút máu. Gần một ngày băng rừng, cuối cùng tôi đã tiếp cận được hiện trường khu rừng lim cổ thụ ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vừa bị “xẻ thịt”. Trong suốt chuyến đi ấy, hai bàn chân tôi luôn rỉ máu bởi nham nhở vết vắt cắn.
 
Hay tại Kon Tum, để tiếp cận được hiện trường, tôi phải di chuyển bằng những chiếc xe máy của chính lâm tặc chuyên dụng chở gỗ, trên những con đường rừng trơn trượt, có những chỗ bị sụt lún thành rãnh sâu đủ nuốt chửng cả xe và người. Bằng sự quyết tâm, tôi đã vượt qua nhiều ngày mưa dầm trong rừng để ghi nhận hiện trạng phá rừng tại Công ty TNHH MTV Đăk Tô - đơn vị đầu tiên nhận được Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. Nơi được xem là giữ rừng tốt nhất Tây Nguyên thì đang ngày đêm bị lâm tặc tàn phá, “xẻ thịt” không thương tiếc... 
 
Sau nhiều chuyến đi, đầu tháng 11/2018, loạt bài “Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng” được đăng tải. Loạt bài được trình bày theo hình thức Mega-story (bao gồm text, hình ảnh, video clip, dữ liệu, đồ họa, Infographics) để lột tả được đầy đủ những lát cắt, những bí mật của phá rừng. 
 
Ngay sau khi loạt bài được đăng tải, nhiều địa phương trên cả nước đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng; đồng thời kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, cán bộ kiểm lâm, biên phòng do buông lỏng quản lý, tiếp tay cho lâm tặc.
 
3. Đây cũng là loạt bài đổ nhiều mồ hôi và công sức nhất từ trước đến nay của tôi. Trong quá trình thực hiện, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và lên phương án tiếp cận lãnh địa của các điểm nóng phá rừng từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, khi tiếp cận điểm đầu tiên tại Quảng Nam, tôi gặp phải vô vàn khó khăn như người dẫn đường xin rút lui vì sợ nguy hiểm đến tính mạng, một đồng chí công an địa phương từ chối chia sẻ thông tin vì đã nhận được những tin nhắn đe dọa của các đối tượng phá rừng.
 
Sau chuyến đi ấy, tôi phải nhập viện hơn nửa tháng do bị nhiễm khuẩn máu, 10 ngày sốt cao tới 39,8 độ C mà bác sỹ không phát hiện ra bệnh. Những ngày nằm viện, tôi rất cảm động vì luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp và gia đình.
 
Rời bệnh viện, tôi tiếp tục lên đường tới điểm nóng phá rừng ở Hà Giang. Nhắc lại những tháng “ăn rừng, ngủ rừng”, tôi vẫn còn đầy ám ảnh nhưng không vì thế mà chùn bước. Nhiều người hỏi tôi có sợ không, tôi bảo cũng sợ lắm nhưng khi nhìn thấy những cây cổ thụ bị quật ngã, thấy sự tắc trách, gian dối của cơ quan chức năng, tiền của Nhà nước bị rút ruột trong vỏ bọc trồng rừng và những nỗi đau hiển hiện trong cuộc sống như lũ lụt... tôi lại càng quyết tâm.
 
Tác phẩm mang tới cho độc giả những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng quản lý và bảo vệ rừng theo kiểu trên “nóng”, dưới “lạnh” tại các địa phương trên cả nước, như một lời cảnh tỉnh, kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết, cũng như hướng quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo các địa phương trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tội ác dưới những tán rừng xanh đã và đang gây ra nhiều tai tiếng.
 
Tại hiện trường một vụ phá rừng ở tỉnh Kon Tum

Điều mà tôi còn trăn trở là nếu những cánh rừng Việt Nam được số hóa, được quản lý, giám sát, bảo vệ theo nền tảng nguyên tắc 4.0 thì mọi thứ sẽ trở nên đơn giản và minh bạch hơn. Khi đó, lực lượng kiểm lâm và chủ rừng sẽ không phải “gùi theo ngân sách” vào rừng, hay bổ sung thêm lực lượng để giám sát. Thay vào đó, họ chỉ cần đi tuần rừng với những thiết bị di động được cài đặt các ứng dụng phát hiện ra những vụ cháy rừng, các điểm khai thác trái pháp luật, giúp các đơn vị theo dõi diễn biến rừng, cập nhật các cơ sở dữ liệu và bằng chứng theo thời gian.

Hùng Võ
Nội san Thông tấn số 6/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018: Đồng hành để tìm hiểu cuộc sống tôn giáo (02/07/2019 14:33:20)

Giải báo chí TTXVN năm 2018: Từ ý tưởng đến chạy đua "deadline" (02/07/2019 14:30:11)

Trải nghiệm không thể nào quên (02/07/2019 14:29:44)

Những bất ngờ ở Triều Tiên (02/07/2019 14:28:52)

Ngày chiến thắng phát xít - Sự quan tâm của truyền thông quốc tế (02/07/2019 10:03:01)

Nâng cấp tổ chức Đoàn thanh niên B1 (02/07/2019 10:01:18)

Chi đoàn cụm các CQTT phía Bắc: Phát huy ưu thế mạng xã hội (02/07/2019 09:59:48)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan trưng bày ảnh của TTXVN nhân lễ ký Hiệp định EVFTA (01/07/2019 16:42:35)

Nâng cao kỹ năng sản xuất phóng sự cho các nhà báo Pháp ngữ (01/07/2019 16:31:35)

Phát động thi đua thực hiện văn hóa công sở (01/07/2019 16:30:12)