Thứ năm, ngày 04/07/2024

Tin trong ngành

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Chuyên nghiệp - Trách nhiệm - Gắn kết


(01/10/2021 16:51:24)

Đúng ngày 15/9, chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống của ngành, Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) năm 2020 được công bố trang trọng trên Trang thông tin điều hành tác nghiệp TTXVN tại địa chỉ https://dhtn.ttxvn.org.vn và các nền tảng truyền thông của TTXVN. Nhân dịp này, Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN Vũ Việt Trang đã phát động Giải báo chí TTXVN năm 2021 và bày tỏ tin tưởng, đây sẽ là một mùa giải thành công, hội tụ nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, chất lượng cao của các đơn vị thông tin trong toàn ngành.

Tác phẩm “Đảng Cộng sản Việt Nam trong dòng chảy cách mạng thế giới” có sự tham gia của 7 phóng viên thuộc 5 CQTT tại 4 châu lục

1. Với thông điệp “Chuyên nghiệp - Trách nhiệm và Gắn kết”, Giải báo chí TTXVN năm 2020 có tổng số 335 tác phẩm của các đơn vị, Cơ quan thường trú (CQTT) trong và ngoài nước dự thi, tăng 25% so với năm 2019. Hầu hết các thể loại đều có số lượng tác phẩm dự thi tăng, trong đó, tăng mạnh nhất là thể loại Báo điện tử (gần gấp đôi); thể loại Truyền hình (55%); thể loại Bình luận, xã luận, chuyên luận (40%) và thể loại Phóng sự, điều tra (26%).
 
Điểm sáng năm nay là sự tham gia tích cực của các CQTT ở tất cả các loại hình báo chí. Theo thống kê, có 15 CQTT nước ngoài và 32 CQTT trong nước gửi tác phẩm dự thi, trong đó có 8 CQTT phía Bắc, 13 CQTT khu vực miền Trung-Tây Nguyên và 11 CQTT khu vực phía Nam, với tổng số 115 tác phẩm (chiếm 1/3 số lượng tác phẩm tham dự Giải năm nay).
 
Trong số này, nhiều CQTT đã tham dự với số lượng tác phẩm lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Lâm Đồng…
 
Nhiều phóng viên thường trú, đặc biệt là các phóng viên nữ đã không quản ngại gian khó, sẵn sàng xông pha vào các điểm nóng của dịch bệnh, các điểm sạt lở, lũ lụt nguy hiểm đến tính mạng để có được những dòng tin, hình ảnh nóng hổi, mang tính thời sự cao, được công chúng và đồng nghiệp đánh giá cao.
 
Chủ đề của các tác phẩm dự thi bao trùm tất cả mọi lĩnh vực, từ những vấn đề, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, bộ ngành, đến những “điểm nóng” khu vực và quốc tế.
 
Giải năm nay xuất hiện những tác phẩm là thành quả của sự sáng tạo và hợp tác tập thể lớn nhất từ trước tới nay, do tập hợp được sự tham gia, phối hợp của nhiều đơn vị sản xuất thông tin với các CQTT trong và ngoài nước. Có thể kể đến tác phẩm Áp lực giữ rừng ở Tây Nguyên của nhóm tác giả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đến từ các CQTT Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum; hay tác phẩm Đảng Cộng sản Việt Nam trong dòng chảy cách mạng thế giới với sự vào cuộc của các phóng viên thường trú khắp các châu lục, từ Buenos Aires (Argentina), Sydney (Australia), Paris (Pháp), Moskva (LB Nga) đến Viêng Chăn (Lào).
 
Nhiều phóng viên tự tin tham gia nhiều loại hình: bài viết, hình ảnh, thông tin điện tử và truyền hình. Phóng viên Nguyễn Huy Thành, CQTT tại Ninh Thuận, đã tham gia Giải với 2 tác phẩm ảnh, 1 tác phẩm truyền hình và 4 tác phẩm tin, bài viết, giành giải thưởng “Phóng viên CQTT dự thi nhiều loại hình báo chí”. Sự đa dạng của các tác phẩm cho thấy sự đa năng của phóng viên, biên tập viên TTXVN.
 
Về hình thức, một số đơn vị làm tốt khâu tập hợp tin, bài như: Ban biên tập tin Trong nước, báo Tin tức, báo điện tử VietnamPlus… Năm nay, các tác phẩm dự thi được trình bày đẹp, chỉn chu, chuyên nghiệp, với phần trình bày, giới thiệu nội dung các tác phẩm cô đọng, súc tích và hấp dẫn.
 
Sau một thời gian làm việc công tâm và nghiêm túc, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn và giới thiệu 109 tác phẩm vào vòng chung khảo.
 
Hội đồng Giải báo chí TTXVN năm 2020 gồm 14 thành viên do Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Vũ Việt Trang làm Chủ tịch đã xem xét, thẩm định kỹ lưỡng và quyết định chọn trao giải thưởng chính thức cho 69 tác phẩm xuất sắc, gồm: 7 giải A, 15 giải B, 21 giải C và 26 giải Khuyến khích.
 
Bên cạnh đó, còn có 9 giải chuyên đề về thông tin đồ họa, tác phẩm đa phương tiện về TTXVN, chương trình truyền hình ấn tượng, tác phẩm phối hợp giữa ban biên tập và nhiều CQTT, tác phẩm liên kết vùng hiệu quả, phóng viên nữ dấn thân, phóng viên triển vọng, phóng viên CQTT dự thi nhiều loại hình báo chí và chi hội có nhiều tác phẩm vào vòng chung khảo.
 
Phóng viên CQTT tại Đà Nẵng Trần Lê Lâm giành giải A, thể loại Ảnh báo chí. Trong ảnh: phóng viên Lê Lâm đang tác nghiệp trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng, Quảng Nam, tháng 10/2020

2. Các tác phẩm báo chí được chia về 7 tiểu ban: Phản ánh, Phóng sự, Bình luận, Đối ngoại, Ảnh báo chí, Truyền hình và Điện tử.
 
Thể loại Phản ánh, phỏng vấn, ghi chép ghi nhận số lượng tăng hơn 8% so với năm 2019, với 77 tác phẩm, trong đó, hơn 40% số tác phẩm thuộc về các CQTT khu vực phía Nam.
 
Nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, thể hiện sự dấn thân của phóng viên trong dòng chảy của sự kiện, có tính phát hiện cao. Một số tác phẩm tạo ấn tượng cả về nội dung và hình thức thể hiện, mang lại hiệu quả thông tin rõ rệt và tích cực, cho thấy sự sáng tạo cũng như đổi mới của các phóng viên, biên tập viên. Không ít tác phẩm có chủ đề thông tin thời sự nổi bật, đề cập đến những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2020, được đầu tư bài bản, công phu, có chủ đích và định hướng thông tin tốt.
 
Thể loại Bình luận, xã luận, chuyên luận tăng mạnh, tới 40%, với 21 tác phẩm dự thi, trong đó chiếm gần một nửa là của Chi hội báo Thể thao và Văn hóa. Các tác phẩm cho thấy sự đầu tư bài bản với các bài dài kỳ, được tổ chức liền mạch cùng chất bình luận cao.
 
Hầu hết các tác phẩm bình luận đều có chủ đề mang tính thời sự cao, phản ánh kịp thời những vấn đề nổi bật đang được dư luận đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ nét trong các tác phẩm có chủ đề liên quan đến dịch COVID-19. Một số tác phẩm về đề tài lịch sử, mang tính định kỳ hằng năm như kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam… vốn khó thể hiện thì nay được khoác “chiếc áo mới”, đầy sáng tạo trong cách tiếp cận và mang tính phát hiện cao. Chủ đề về vấn nạn tin giả được rất nhiều đơn vị thông tin lựa chọn, cho thấy  sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành trước vấn đề nóng, xuyên suốt năm 2020.
 
Thể loại Phóng sự, điều tra năm nay tăng 26%, với 29 tác phẩm dự thi. Các phóng sự đã bám sát định hướng tuyên truyền của cơ quan, tập trung vào những sự kiện trọng đại, chủ đề có tầm ảnh hưởng lớn, được dư luận cả nước quan tâm. Có những chủ đề “độc quyền” được các tác giả theo đuổi đến cùng, phân tích ở nhiều góc độ, đặt ra những vấn đề đáng báo động, tiêu biểu là tác phẩm phản ánh tình trạng bất thường trong đăng kiểm tàu cũ ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
 
Một số tác giả chọn đề tài chung nhưng có cách tiếp cận riêng, tạo được sự khác biệt trong thể hiện. Đặc biệt, sự vào cuộc của các CQTT nước ngoài đã giúp mở rộng biên độ phản ánh, không chỉ nhóm đối tượng trong nước như các mùa giải trước, như tác phẩm về lao động châu Á ở Nhật Bản. Nhiều tác phẩm là sự kết hợp ấn tượng giữa các kỹ năng tập hợp, phân tích tư liệu với thâm nhập thực tế, phỏng vấn nhân vật cùng sự công phu trong khâu biên tập, đặt tít, chọn câu từ...
 
Thể loại Truyền hình tăng tới 55%, với 31 tác phẩm, được đánh giá là vượt trội cả về số lượng và chất lượng, kể cả với các tác phẩm vốn được coi là “khó” như phim tài liệu và chương trình tạp kỹ tổng hợp.
 
Các tác phẩm giàu tính thời sự, bám sát các chủ đề lớn, tâm điểm của truyền thông trong nước và quốc tế. Xuất hiện một số tác phẩm truyền hình chuyên biệt với các thủ pháp truyền hình, kết hợp giữa phóng sự hiện trường và kết nối trường quay, cách thể hiện mới mẻ, làm mềm các chủ đề vốn khô cứng và khó thể hiện.
 
Thể loại Ảnh báo chí có 56 tác phẩm dự thi, trong đó có 9 ảnh đơn và 47 phóng sự ảnh, nhóm ảnh, tăng 10% so với mùa giải trước. Ngoài các đơn vị truyền thống như Ban biên tập Ảnh, Báo ảnh Việt Nam, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, năm nay có thêm nhiều CQTT trong nước tham dự nhưng lại vắng bóng các đơn vị từng dự thi năm trước như: Ban biên tập tin Đối ngoại, báo điện tử VietnamPlus, báo Thể thao và Văn hóa, báo Tin tức… và không có sự tham gia của các CQTT ngoài nước.
 
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đề tài không đa dạng như các năm trước, chẳng hạn, thiếu vắng các tác phẩm ảnh thể thao. Chiếm phần lớn là tuyến thông tin về cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam với hơn 10 tác phẩm dự thi. Cùng với chủ đề thiên tai, lũ lụt, hạn hán, đây là những tác phẩm được đánh giá cao bởi cách thể hiện, tính báo chí. Tuyến thông tin phản ánh tinh hoa văn hóa Việt Nam, các điểm đến nổi tiếng trong nước tiếp tục có nhiều đề tài hay, góc ảnh đẹp. Tuyến đề tài về biên giới, biển đảo; các thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước, đời sống xã hội đương đại cũng được đánh giá cao tại Giải năm nay.
 
Phóng viên CQTT tại Quảng Trị Lê Thị Thanh Thủy, giành giải thưởng “Phóng viên nữ dấn thân”. Trong ảnh: phóng viên Thanh Thủy đang dẫn hiện trường trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại Hướng Hóa, Quảng Trị, tháng 10/2020

Thể loại Báo điện tử có số lượng tác phẩm dự thi tăng mạnh nhất, gần gấp đôi, với 58 tác phẩm. Trong đó, chiếm số lượng đông đảo nhất là các tác phẩm thuộc chủ đề bảo vệ môi trường và thiên nhiên, với 14 tác phẩm, phản ánh từ tình trạng ngập úng ở Hà Nội đến vụ sạt lở ở Quảng Trị, từ xâm hại thiên nhiên đến biến đổi khí hậu… Cũng giống các thể loại khác, chủ đề về đại dịch COVID-19 chiếm số lượng lớn với 11 tác phẩm. Đặc biệt, Giải năm nay có tới 5 tác phẩm báo điện tử về đề tài TTXVN - 75 năm xây dựng và trưởng thành.
 
Một số tác phẩm thể hiện được thế mạnh của thể loại báo điện tử, phóng viên chịu khó thâm nhập thực tế, đào sâu vấn đề với bút pháp sắc sảo, hấp dẫn. Một số tác phẩm đề cập đến những vấn đề cũ, tồn đọng từ lâu, đang được xã hội quan tâm, tìm cách tháo gỡ, được thể hiện dưới góc nhìn mới, đem đến sự lan tỏa đa chiều. Tác phẩm Sạt lở nghiêm trọng tại Hướng Hóa, Quảng Trị được đánh giá là điển hình của thể loại báo điện tử, bởi đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh nhất, cụ thể nhất về một sự kiện thời sự đang diễn ra, được toàn xã hội quan tâm, theo dõi, có sức lan tỏa cao.
 
Thể loại thông tin Đối ngoại có 63 tác phẩm dự thi, với chủ đề đa dạng, từ những tuyến bài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến các vấn đề thời sự, mang hơi thở cuộc sống như: cuộc chiến chống COVID-19, Hiệp định EVFTA và EVIPA, Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thiên tai bão lũ nghiêm trọng tại miền Trung, những đóng góp của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…
 
Một số tác phẩm ứng dụng kỹ thuật đồ họa, trình bày dưới dạng đa phương tiện, megastory với nhiều ảnh, đồ họa, video, nên dù đề cập đến những chủ đề phức tạp, vẫn rất dễ hiểu, sinh động. Các tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo có chất lượng cao, thông tin đầy đủ, cân bằng, đa dạng, lựa chọn được những nhân vật điển hình, mang tính đại diện cao. Một số tác phẩm thông tin mới mẻ, đa chiều, hấp dẫn, mang lại nhiều xúc cảm cho độc giả./.

Nội san Thông tấn số 9/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Một mùa giải đặc biệt (01/10/2021 16:37:28)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Phóng viên ảnh nhận lệnh bất kể ngày đêm (01/10/2021 15:36:37)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Trên cả sự sợ hãi (01/10/2021 15:36:09)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Sẵn sàng đối mặt (01/10/2021 15:35:33)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Phát huy sức mạnh tổng hợp (01/10/2021 15:20:18)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Thương hiệu Góc nhìn Tin tức (01/10/2021 15:03:53)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: “Trái ngọt” từ sự phối hợp (01/10/2021 15:01:55)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Tâm dịch Đà Nẵng và những chuyện chưa kể  (01/10/2021 14:59:50)

Danh sách giải báo chí TTXVN năm 2020 (01/10/2021 14:55:40)

Giải mã những thách thức trong kỷ nguyên số (01/10/2021 14:45:20)