Thứ hai, ngày 20/05/2024

Sổ tay phóng viên

Mệt như phóng viên... Festival


(28/03/2012 11:20:35)

Đã từng tham gia tuyên truyền nhiều sự kiện lớn nhưng đến khi nhận nhiệm vụ làm "đầu mối thông tin" theo chỉ đạo của Tổng xã về Festival trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011, nhóm PV Phân xã Thái Nguyên chúng tôi vẫn thấy lo lo.

Phút thưởng thức trà hiếm hoi của các trà nương
 Lo vì tầm vóc của sự kiện quá lớn với 7 sự kiện chính và 12 hoạt động phụ trợ, kéo dài suốt một tuần lễ (từ 9 đến 15/11) ở nhiều địa điểm khác nhau mà Phân xã chỉ có hai người. Mà không chỉ làm tin viết, chụp ảnh như trước đây, giờ phải làm thêm cả "món" truyền hình. Làm thế nào để xứng tầm "cơ quan bảo trợ thông tin" như Tổng xã đã ký kết với tỉnh trong lúc nhân lực phân xã chỉ có hạn? Nhìn sang các báo bạn, thấy mỗi cơ quan vài chục nhân lực được phân công tác nghiệp trong Festival mới thấy mình... hơi liều. Sát ngày khai mạc Festival, có thêm hai PV ảnh từ Tổng xã lên cùng tác nghiệp, vậy là được san sẻ bớt một phần công việc, chúng tôi mới đỡ lo...

Ngày 9/11, Hội thi "Cây chè đẹp" - hoạt động chính mở đầu cho Festival diễn ra, mọi việc đều trôi chảy, tin, bài, ảnh chuyển về Tổng xã nhanh, đầy đủ, kịp thời. Từ ngày 11/11, cùng lúc diễn ra nhiều sự kiện: Chợ ẩm thực, hội chợ quốc tế, chung kết "Người đẹp xứ Trà"... nhóm PV chúng tôi thực sự "vắt chân lên cổ". PV Thu Hằng - mới đi làm trở lại sau khi nghỉ thai sản - cũng gác hết việc nhà để đi làm tin. Chỉ có hai PV phân xã, vừa làm tin viết, vừa làm tin hình nên khi các sự kiện diễn ra cùng thời điểm, anh em ảnh cũng phải kiêm thêm việc ghi lại các diễn biến chính của sự kiện, hỗ trợ PV phân xã làm tin kịp thời. Những ngày diễn ra Festival trà quốc tế lần thứ nhất, gần như hôm nào nhóm chúng tôi cũng kết thúc công việc sau khi đồng hồ đã chỉ sang ngày mới.

Ngày bế mạc Festival, chưa kịp xả hơi thì chúng tôi lại nhận được thông tin: Có vấn đề về an ninh - trật tự trong khu vực đồng bào dân tộc Dao ở huyện Phú Lương. Dù mệt bã người nhưng tôi vẫn nhanh chóng vác máy lên đường. Đến "điểm nóng" thì lãnh đạo xã tìm mọi cách từ chối đưa các PV tới hiện trường. Trời đã quá trưa, đường xóc nảy người, chúng tôi quyết định tự đi vào bản Khe Nác, xã Yên Đổ - nơi bà con đang tụ tập đông người để phản đối một doanh nghiệp khoáng sản mở xưởng chế biến tại đây. Đến nơi, các đối tượng quá khích nhất định không cho ai vào, kể cả lực lượng an ninh, rồi dọa nạt dùng vũ lực để ngăn cản. Đã quen tiếp xúc với đồng bào, dùng thêm cả ngôn ngữ bản địa để thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng nắm được những thông tin cần thiết, lại còn được bà con dùng xe máy chở vào tận trong hiện trường rồi lại đưa về nơi đỗ xe...

 Chạy theo sự kiện đã mệt nhưng có những việc ngoài dự kiến còn khiến chúng tôi mệt hơn. Đó là việc... cãi nhau với Ban tổ chức. Đầu tiên là chuyện ở chung kết cuộc thi "Người đẹp xứ Trà", tất cả anh em PV sử dụng thẻ của Ban tổ chức cấp (do UBND tỉnh đóng dấu) đều không được vào. Ban tổ chức chỉ cho những người có thẻ riêng của cuộc thi vào, do lo ngại trung tâm văn hóa - thông tin tỉnh không đủ chỗ. Đấu lý mãi vẫn không ăn thua với Ban tổ chức, anh em bèn dùng cách để cho một PV có thẻ của cuộc thi "Người đẹp xứ Trà" vào trước rồi gom thẻ của anh em trong đó lại "tuồn" ra cho người khác vào. Bực thì bực thật nhưng cuối cùng việc thông tin vẫn cứ phải làm, đành lấy nụ cười của các người đẹp để tự an ủi... Rồi đến Hội chợ thương mại - du lịch quốc tế, việc ra vào hội chợ để làm tin cũng gặp khó vì bảo vệ hội chợ nhất quyết không cho những người dùng thẻ phóng viên vào. Lại phải thêm vài cú điện thoại cho người có trách nhiệm mọi việc mới êm xuôi.

Tưng bừng, náo nhiệt, thu hút được rất nhiều người tham gia vào các sự kiện là thành công đáng kể của Festival trà quốc tế lần thứ nhất, nhưng với chúng tôi, việc tác nghiệp trong một "biển người" là một cực hình. Dự tính trước được việc này, trong lễ khai mạc và bế mạc tổ chức tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, xa trung tâm thành phố Thái Nguyên gần 20 km, PV phân xã phải đem tất cả đồ nghề vào sân khấu chính từ trước thời điểm diễn ra sự kiện tới hai tiếng đồng hồ. Trời rét, sân khấu ngoài trời sát mặt hồ, âm thanh, ánh sáng hoành tráng, sương giăng bay bay rất lãng mạn, song chẳng ai trong chúng tôi cảm nhận được vì răng và môi cứ va vào nhau lập cập, lại thêm bụng dạ cồn cào do ăn uống thất thường. Còn chương trình nghệ thuật "Ánh sáng - nước và lửa" diễn ra ở địa điểm cách trụ sở phân xã chỉ khoảng 500 m nhưng do người đông quá nên phải mất gần 30 phút (có cả sự hỗ trợ của anh em công an, bảo vệ quen biết) chúng tôi mới chen chân vào được phía trong để ghi hình...

Từ trước đến nay vốn quen làm tin bài cho báo in, nay thêm tin hình mới thấy PV truyền hình chẳng sung sướng gì. Mang vác đồ nghề lỉnh kỉnh, chen chân trong đám đông, thậm chí giành giật cả chỗ đứng để có những khuôn hình đẹp nhất quả thực là gay go. Đêm carnaval "Trà Thái trong tâm hồn người Việt" diễn ra cùng lúc với chương trình nghệ thuật dân tộc "Thái Nguyên vui đón bạn", nhưng Phân xã chỉ có một máy quay. Kết quả là khi rời địa điểm carnaval sang chỗ tổ chức chương trình nghệ thuật thì không thể chen vào được do đặc kín người. Khi về làm tin cứ tiếc hùi hụi, rằng giá có thêm một máy nữa...

Kết thúc Festival, mệt thì mệt nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì qua đợt thông tin này chúng tôi đã nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp cũng như khẳng định "chất" của PV thông tấn với bạn bè, đồng nghiệp ở địa phương và phân xã Thái Nguyên được cơ quan đánh giá tốt về việc thông tin về Festival trà quốc tế lần thứ nhất.

Hoàng Thảo Nguyên
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2012