Nghiên cứu khoa học
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên TTXVN
(05/12/2016 11:17:33)
Trong bối cảnh thông tin truyền thông trong nước và thế giới phát triển mạnh mẽ, việc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng PV, BTV của TTXVN đáp ứng yêu cầu phát triển thông tin đa phương tiện”, nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng của TTXVN trong những năm gần đây, từ đó, đưa ra các giải pháp để phát huy tốt nhất tiềm năng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất sẵn có, đặc biệt là lợi thế của hệ thống các cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN trong và ngoài nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của cơ quan thông tấn quốc gia. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các cuộc khảo sát thực tế tại một số cơ quan thường trú trong nước tiêu biểu ở cả ba khu vực: Phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam. Đề tài đã đưa ra một số giải pháp và đề xuất về lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng, lấy đó làm căn cứ để tiếp tục thực hiện giai đoạn hai là xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thông tin thông tấn.
Hoàn thiện quy chế, quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng của TTXVN
Cơ chế và các quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng chính là những yếu tố cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, PV, BTV.
Quy chế, quy định hiện nay về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, PV, BTV của TTXVN có nhiều điểm không còn phù hợp hoặc còn thiếu không đồng bộ với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/11/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, giải pháp cấp thiết hiện nay đối với ngành là cần xây dựng bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng PV, BTV và trách nhiệm phối hợp của các đơn vị liên quan.
Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo các cấp, các đơn vị thông tin có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng thì việc phối hợp với đơn vị đào tạo sẽ rất tích cực và hiệu quả, từ việc lựa chọn học viên, bố trí công việc cho học viên yên tâm học tập, phối hợp xây dựng chương trình, nội dung đào tạo… sẽ rất chặt chẽ, bám sát yêu cầu thực tế.
Về tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cần phải được thực hiện theo một quy trình liên tục mà các nước phát triển đang thực hiện bao gồm các bước sau: Xác định nhu cầu, biên soạn chương trình (tài liệu), xây dựng kế hoạch mở lớp, tổ chức bồi dưỡng, tổ chức đánh giá kết quả, chỉnh sửa, hoàn thiện để có thể áp dụng cho các khóa sau.
Trong đó, có cơ chế đưa hoạt động đánh giá đào tạo, bồi dưỡng thành hoạt động bắt buộc và thường xuyên. Hoạt động đánh giá phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ từ các khâu: đánh giá trước bồi dưỡng - đánh giá trong bồi dưỡng và đánh giá sau bồi dưỡng.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi chủ trương định hướng có tốt đến đâu mà không được đội ngũ cán bộ quản lý chia sẻ và áp dụng thì cũng khó đi vào cuộc sống.
Mời các nhà báo nước ngoài giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy là hướng đi hiệu quả trong xu thế hội nhập hiện nay |
Về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thông tin đa phương tiện, việc đào tạo, bồi dưỡng PV, BTV tại TTXVN cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề về phương pháp đào tạo như sau:
Thứ nhất, quá trình đào tạo phải gắn giữa lý thuyết và thực hành, giữa kỹ năng làm báo với khả năng sử dụng phương tiện kỹ thuật; trong đó vai trò của PV, BTV trong tác nghiệp thực tế, kinh nghiệm thực tế làm nghề, được đề cao hàng đầu.
Đặc biệt, quá trình đào tạo PV, BTV đa năng, cần chú trọng hơn đến bài tập thực hành, đi thực tế tác nghiệp tại hiện trường, bởi qua đó học viên sẽ bộc lộ những thế mạnh cũng như hạn chế để điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, việc đào tạo phải theo hướng mở, tương tác giảng viên và học viên, trong đó chú ý phát huy cao độ khả năng và nhu cầu của học viên. Phương thức học lý thuyết trên lớp, giảng viên giao bài tập thực hành, sau đó, tập thể lớp cùng tham gia nhận xét, chữa bài với giảng viên, tìm ra phương án tối ưu cho thấy có hiệu quả rõ rệt.
Chương trình, nội dung đào tạo cần được xây dựng theo hướng trang bị các tri thức và kỹ năng cơ bản, tạo khả năng thích ứng nghề nghiệp tốt nhất, đồng thời tạo cơ hội phát huy khả năng và thiên hướng cá nhân để đi vào một số kỹ năng cần thiết do từng cá nhân lựa chọn.
Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên
Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu đổi mới, bởi họ là lực lượng cơ bản vừa quyết định chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng vừa trực tiếp truyền đạt cho học viên. Chính vì lẽ đó, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục theo hướng:
- Trang bị các phương pháp mới về biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy (thông qua các slide trình chiếu, bài tập tình huống…) cũng như phương pháp giảng dạy tích cực, tương tác giảng viên - học viên...
- Tăng cường đưa giảng viên đi thực tế, tìm hiểu hoạt động của các cơ quan báo chí theo mô hình đa phương tiện trong và ngoài nước.
- Tổ chức các khóa đào tạo giảng viên cho các nhà báo của ngành.
Hình thành đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và lực lượng trợ giảng là cán bộ quản lý, nhà báo giỏi trong và ngoài ngành thông tấn, có thực tiễn và kinh nghiệm làm báo lâu năm.
Tăng cường hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng
Trong xu thế hội nhập, việc tăng cường hợp tác quốc tế nói chung và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nói riêng là một tất yếu. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới cần được nghiên cứu theo các hướng cơ bản sau:
- Xây dựng các dự án hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, PV, BTV; thu hút sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ vào việc tài trợ cho các dự án này.
- Lồng ghép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, PV, BTV vào các dự án tăng cường năng lực cho cơ quan, đơn vị; coi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực.
Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, PV, BTV với các hình khác: Du học; du học tại chỗ; tổ chức các khóa bồi dưỡng kết hợp trong nước với nước ngoài, đặc biệt đối với các khóa học về truyền thông đa phương tiện.
Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ đào tạo, bồi dưỡng.
Đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường, đa dạng hóa nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Cơ quan cần chủ động tạo nguồn kinh phí của ngành hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng thay vì chỉ sử dụng duy nhất nguồn kinh phí ngân sách do Bộ Nội vụ phân bổ hàng năm.
Tìm kiếm các nguồn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, tổ chức phi chính phủ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Đóng góp của chính bản thân cán bộ, PV, BTV khi tham gia các khóa đào tạo.
ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP 1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng PV, BTV chỉ có thể thu được hiệu quả khi có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt từ lãnh đạo ngành, lãnh đạo các đơn vị trong việc xây dựng chủ trương, tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra đánh giá. Thực tế cho thấy, những khóa đào tạo dài ngày như: các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn cơ bản cho các PV, BTV mới tuyển dụng qua các kỳ thi tuyển; hay các khóa đào tạo có giảng viên nước ngoài; các khóa đào tạo nâng cao huy động PV thuộc nhiều đơn vị thông tin, thuộc nhiều CQTT, ở nhiều tỉnh, thành phố, vùng miền... tổ chức thuận lợi và thu được kết quả thời gian qua là do được quan tâm chỉ đạo sâu sát từ phía lãnh đạo ngành và các đơn vị. Nhờ đó, khâu triệu tập học viên, bố trí nơi ăn ở, trang thiết bị học tập, thanh quyết toán... được thuận lợi, đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. 2. Trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị trong toàn ngành trong công tác đào tạo bồi dưỡng phải được củng cố và nâng cao. Bởi quy trình tổ chức mỗi khóa đào tạo rất chặt chẽ, nếu thiếu sự hợp tác của các đơn vị thì nhiều khâu trong đó sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến khóa học. 3. Cơ chế chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng PV, BTV đổi mới phù hợp với tình hình phát triển của báo chí hiện đại. Xây dựng hệ thống chính sách có khả năng khuyến khích và động viên đội ngũ cán bộ viên chức nói chung và PV, BTV nói riêng tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác. Xây dựng cơ chế đề cao và khuyến khích vai trò tự học, tự đào tạo, bồi dưỡng. Hình thành cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hoàn thiện các văn bản về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức cho phù hợp với Luật cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Báo chí và các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan, làm cơ cở pháp lý cho tổ chức, thực hiện, quản lý, kiểm tra, kiểm soát công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nói riêng. 4. Quy hoạch nguồn nhân lực một cách bài bản, dài hơi để từ đó công tác đào tạo bồi dưỡng theo sát, đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 5. Đào tạo, bồi dưỡng PV, BTV phải được coi là một khâu quan trọng của công tác cán bộ. Có những cơ chế chính sách thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ dài hạn theo quy hoạch, cũng như đảm bảo thu nhập cho cán bộ, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” ở khối PV, BTV. Luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thông tin, giữa các CQTT để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ tác nghiệp báo chí một cách sát thực nhất. 6. Công tác tuyển dụng PV, BTV thực hiện bài bản, có tiêu chí cụ thể, để có được nguồn nhân lực đầu vào chất lượng nhất. Thực tế công tác tuyển dụng PV, BTV tại TTXVN trong các năm từ 2011-2015 cho thấy, nếu quy trình tuyển dụng chặt chẽ, công tác đào tạo bồi dưỡng sẽ rất thuận lợi do chất lượng đầu vào tốt. Hiện đội ngũ PV mới tuyển dụng trong các năm gần đây đang là lực lượng nòng cốt thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin đa phương tiện tại các CQTT. 7. Đổi mới công tác tài chính, thực hiện tăng định mức tài chính hàng năm dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng. Hiện nay, toàn bộ kinh phí cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, PV, BTV của TTXVN hằng năm là từ nguồn ngân sách do Bộ Nội vụ phân bổ nên rất hạn hẹp. Trong đó 65% chi cho các khóa đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước, phục vụ thi nâng ngạch, số còn lại chi cho bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho PV, BTV và các đối tượng viên chức khác. 8. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên, trợ giảng từ nguồn nhân lực của ngành. 9. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chất lượng các khóa đào tạo phụ thuộc nhiều vào việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức học tập cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và thực hành. 10. Phát huy vai trò của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ báo chí cho PV, BTV. Bổ sung nhân lực cho Trung tâm, kết hợp với đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng như: Xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi, đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường thiết bị thực hành... |
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước (11/10/2016 09:49:30)
Một số đề xuất về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan thường trú trọng điểm ở trong nước (04/10/2016 16:03:26)
Đề xuất thống nhất nội dung tuyên truyền về biển đảo (14/06/2016 14:19:21)
Nâng cao chất lượng tuyến tin phản hồi, định hướng, bác bỏ thông tin sai lệch (11/05/2016 15:40:38)
Giá trị thực tiễn của đề tài nghiên cứu khoa học (11/05/2016 15:33:26)
Bước khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu khoa học (25/02/2016 15:55:30)