Thứ tư, ngày 17/04/2024

Tin tức trong ngành

Nhớ những cái tết vùng cao


(21/01/2020 15:59:48)

Những chuyến công tác vùng sâu, vùng xa luôn để lại ấn tượng khó phai trong quá trình tác nghiệp của tôi. Đặc biệt là những chuyến đi viết bài tết và trải nghiệm ăn tết, chơi tết cùng đồng bào vùng cao tỉnh biên giới Cao Bằng.

Nhà báo Nông Quốc Đạt, Trưởng CQTT TTXVN tại Cao Bằng, trong chuyến công tác tại huyện Bảo Lạc, Cao Bằng

“Nốc ao” ngay từ hiệp đầu
Năm 2003, khi mới vào nghề, tôi được phân công viết bài tết về chủ đề văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm - một xã khó khăn, đường đi hiểm trở bậc nhất tỉnh Cao Bằng. Vì mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên chuyến đi rất vất vả. Đặc biệt, khi tôi chưa kịp tiếp cận nhân vật để phỏng vấn thì đã bị “nốc ao” trên mâm rượu đến say mèm.

Đó là một ngày cuối đông hửng nắng, tôi hăm hở khoác ba lô phóng xe máy, vượt gần 200km đến địa điểm tác nghiệp. Là sinh viên mới ra trường, tôi chưa từng biết Bảo Lâm nên hào hứng muốn khám phá. Từng nghe anh chị đồng nghiệp kể rằng, vào đó đồng bào mời rượu là phải uống, không uống người ta không quý, không giúp và mình sẽ không làm được việc. Thế là buổi sáng, khi đến huyện, vào liên hệ công việc, mặc dù tửu lượng rất kém nhưng tôi cũng cố gắng uống liền ba chén với cán bộ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để được anh dẫn đường xuống xã.

Đến Ủy ban nhân dân xã, trước khi mở đầu câu chuyện lại được mời mấy chén, tôi nhắm mắt uống rồi leo lên xe anh Phó chủ tịch xã. Đến khi gặp trưởng xóm, tôi đã mặt đỏ phừng phừng, tim đập mạnh, đầu chuếnh choáng. Vừa tiếp trưởng xóm được hai lượt tôi đã bị “nốc ao”, được mọi người dìu vào giường và “ngất” một hồi lâu.

Khi tỉnh lại, bụng đói cồn cào, kim đồng hồ đã chỉ hơn 4 giờ chiều, nhìn quanh không thấy cán bộ xã đâu. Đêm đó, tôi phải ngủ lại nhà trưởng xóm. Trong cái rủi lại có cái may. Tôi được anh kể cho nghe rất nhiều chuyện về đời sống, phong tục tập quán, văn hóa ở vùng cao biên giới. Sau chuyến công tác đó, tôi có một bài báo tết được bạn đọc đánh giá cao.

Nhớ mãi cái tết ở Pò Làng
Cuối năm 2012, tôi theo đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng đi chúc tết, tặng quà bà con xóm Pò Làng, xã Quang Trọng, huyện Thạch An và ăn bữa cơm vui tết cùng nhân dân trong xóm. Xe xuất phát từ thành phố lúc 5 giờ sáng, phải đến 12 giờ chúng tôi mới vào đến xóm. Trước khi xuống xe, mỗi người được phát một chiếc bánh mỳ, chai nước lọc và cái áo mưa mỏng như giấy. Đã đi công tác vùng cao nhiều lần nên tôi biết phải làm gì. Tôi đi ủng, đội mũ, mang theo một chiếc máy ảnh loại nhỏ, quyển sổ tay nhỏ và một cây bút. Trong khi anh bạn ở Đài truyền hình tỉnh mới vào nghề vẫn giày da, quần tây, áo vest, vác theo một chiếc máy quay to hoành tránh.  

Để lên được Pò Làng phải đi bộ hơn 10km. Trời mưa phùn gió bấc lạnh căm căm, đèo dốc trơn như đổ mỡ. Mấy anh chị cán bộ mặt trận tỉnh, huyện đã quen đi vùng cao, lại không phải mang vác nặng nên đi phăm phăm, chốc lát đã khuất dạng sau mỏm đá đầu khe núi. Chỉ còn tôi và anh đồng nghiệp nhà đài dắt nhau đi phía sau. Anh có dáng người béo tốt, trắng trẻo đẹp trai nhưng ít rèn luyện, lại đi giày da nên bị trượt ngã liên tục. Đi đến nửa đường, giữa lưng chừng núi, anh bị ngã, quăng cả chiếc máy quay xuống bùn, may mà không hỏng. Anh bạn sợ tái xanh mặt, đau không dám kêu, kịp vồ lấy chiếc máy quay nói như khóc: “Anh Đạt ơi, em không đi nữa đâu. Không đi, không có tin thì bị kỷ luật, nhưng đi mà máy hỏng thì em không đủ tiền đền. Đằng nào cũng kỷ luật, em về trước thôi…”.

Tôi phải động viên mãi và hứa sẽ vác giúp máy quay, anh bạn mới chịu đi tiếp. Dọc đường mưa phùn gió núi lạnh buốt, mảnh áo mưa mỏng không dám mặc mà dùng để che máy quay và máy ảnh. Đi mãi mới thấy nhà dân bên đường. Chúng tôi gõ cửa mấy nhà mới có một người ra mở cửa. Nói tiếng phổ thông, chủ nhà ngơ ngác không hiểu gì. May mà tôi biết tiếng Tày, nói mãi chủ nhà (người dân tộc Dao) mới gật đầu ra dấu đã hiểu. Chúng tôi xin nước ấm để uống, sưởi lửa, hong áo quần cho đỡ buốt rồi lại vội vã lên đường. Hai anh em dắt nhau lên gần đến Ủy ban xã thì thấy hai chiếc xe máy dính đầy bùn đất, hai lốp quấn dây xích sắt (để chống trơn trượt) của bà con xuống đón. Hóa ra các anh trong đoàn cứ thế đi mà quên còn có hai phóng viên phía sau. Đến nơi, đoàn thực hiện việc trao quà nhưng không thấy ai quay phim chụp ảnh mới nhớ ra có phóng viên đi cùng và cho người đi đón. Vậy là khi hai chúng tôi đến được xóm thì mọi thứ đã xong xuôi, bà con đang chuẩn bị ăn cơm tết.
 
Với thiếu nhi xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố hơn 200km

Đầy ắp tiếng cười hạnh phúc
Xóm Pò Làng quả là nơi đặc biệt. Chưa có đường ô tô, không điện, không trạm xá, không nhà xây, nhà ngói, các nhà cách nhau cả nửa cây số, giữa lưng chừng núi, chỉ có mấy phòng học dựng tạm bằng tre nứa, lợp fibro xi măng. Gọi là phòng học nhưng trống hoác, vách đất tuyềnh toàng. Trong lớp có hai cái bảng đen, bàn ghế xếp thành hai dãy ngược nhau dành cho hai lớp cùng học. Hai thầy giáo đứng ở hai đầu lớp, bài ai nấy giảng, nhiều khi nghe như cãi nhau.

Lần đầu tiên, bà con Pò Làng được cán bộ đến tặng quà, cùng ăn tết nên ai cũng phấn khởi, kéo đến chật cả mảnh sân ngoài lớp học.  Một cụ già ngoài 70 tuổi trên lưng cõng đứa cháu nhỏ chăm chú nhìn tôi chụp ảnh. Thấy vậy, tôi cười hỏi cụ: “Cụ có chụp ảnh không, cháu chụp cho?”. Cụ già gật đầu lia lịa như sợ tôi nói đùa hay đổi ý. “Thật nhá, chụp cho ông nhá. Ông chưa được chụp ảnh bao giờ đâu đấy”. Tôi chụp cho hai ông cháu gần chục kiểu rồi hứa sẽ in và gửi đến Ủy ban xã để cụ cho con cháu ra lấy. Ông cụ cảm động quá, bảo người nhà về lấy ít gạo nếp để cảm ơn tôi. Từ chối mãi mà cụ cứ ấn túi gạo vào tay, cực chẳng đã, tôi đành cất túi gạo vào nhà anh trưởng xóm và dặn anh đưa lại cho cụ, nói rằng tôi cảm ơn cụ nhưng vì đường xa nên không thể nhận quà của cụ.

Khi chia tay, anh bạn phóng viên truyền hình nhờ được hai anh trai bản to khỏe chuẩn bị xe máy đưa hai chúng tôi xuống núi. Thế nhưng, đi được 2km, anh bạn lại nằng nặc đòi xuống đi bộ. Thì ra, đường núi trơn quá, nhìn hun hút xuống vực sâu, lại ngồi trên con “xe tàu” ọc ạch, anh chàng kinh hãi, đành chấp nhận đi bộ chống gậy xuống núi cho an toàn. Sau chuyến đi, anh đồng nghiệp đau chân đến nửa tháng, còn tôi cũng cảm lạnh mất một tuần.

Nhiều năm công tác tại Cao Bằng, tôi đã có rất nhiều chuyến đi vùng cao, viết bài tết, ăn tết cùng đồng bào và chiến sỹ nơi tiền tiêu biên giới. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên. Giờ đây, dù những chuyến công tác đã bớt gian nan, mâm cơm tết của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã đủ đầy, thịnh soạn hơn trước nhưng tôi vẫn thích tết xưa - những cái tết vất vả, thiếu thốn nhưng đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc.

Nông Quốc Đạt
Số Xuân 2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020): Chi bộ phải là trung tâm đoàn kết (21/01/2020 15:59:08)

Làm tết, ăn tết ở trời Tây (21/01/2020 15:38:48)

Phóng viên Võ Thanh Sang: Địa bàn mới như một thử thách phải vượt qua (21/01/2020 15:33:03)

Ba năm sáu tết ở đất Chùa Tháp (21/01/2020 15:15:12)

Làm không hay thì ăn tết không ngon (21/01/2020 15:13:44)

Mùa xuân trên trang báo tết (21/01/2020 14:48:13)

Kỳ SEA Games lịch sử trên đất Philippines (21/01/2020 14:47:21)

Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn: Lặng thầm 2019 (21/01/2020 14:46:18)

Văn phòng TTXVN: Chi tiết tới từng đầu việc (21/01/2020 14:45:57)

Công ty TNHH MTV ITAXA: Đổi mới để phát triển (21/01/2020 14:45:11)