Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Người tốt việc tốt

Nhớ ông nghiệp vụ thương binh ấy


(01/08/2008 10:54:28)

Hồi mới vào TTX tôi còn trẻ và có lẽ quá yếu về nghề nên luôn có cảm giác rằng hồi ấy, đầu những năm 90 thế kỷ trước, Ban ảnh hay lắm, đông "cao thủ" lắm. Hồi ấy, lãnh đạo Ban, cán bộ nghiệp vụ quan tâm đến từng tay máy, ai yếu một tí là thường xuyên bị "bổ" đến nơi đến chốn. Người thường xuyên, có trách nhiệm "bổ" đến nơi đến chốn anh em nhiều nhất, có hệ thống nhất phải kể đến bác Vũ Tín - cán bộ nghiệp vụ Ban. Bác Vũ Tín có "độc chiêu" bình ảnh xấu, độc chiêu này không biết trước đó có hay không, chỉ biết bây giờ thất truyền đến cả chục năm rồi, kể từ khi bác Tín nghỉ hưu.

            Về cơ bản cái món bình ảnh xấu cũng giống như món Dọn vườn trên Nội san Thông tấn bây giờ nhưng nó hay và thú vị hơn nhiều. Cái hay thứ nhất: việc ấy do Ban ảnh chủ động làm. Thứ hai: Bình ảnh xấu có đối thoại đàng hoàng giữa các bên để đi đến chỗ tác giả dù có đau, có bực đến mấy cũng buộc phải tâm phục khẩu phục. Thứ ba: tính "răn đe" lớn hơn rất nhiều. Ảnh xấu được bác Tín chọn trong đống ma-két, phóng to, đến kỳ (hình như ba tháng một lần), ông lọc cọc cái chân gỗ đi mời các lãnh đạo phòng, các tác giả cùng sang phòng giao ban làm cuộc mổ xẻ. Dịp đó tôi "chưa đủ tư cách" để bị mắng, được dự thính hai cuộc bình ảnh thú vị ấy. Thú thực dự mà hãi, cái cách phê nhau không khoan nhượng, nhất là cụ Tín, cái giọng cứ choang choang, đố ai mà ngụy biện, cãi lại được. Sau cú bình lại còn viết bài lên Nội san Thông tấn, phơi nhau một lần nữa.

            "Choang" thì ghê lắm, nhưng hỏi ông cái gì, ông bảo cho đến nơi đến chốn, thường thì hỏi một, ông nói cho đến hai, ba, chỉ cho đến ngọn ngành. Tôi được "lãi" ở ông nhiều. Thỉnh thoảng ông lại rủ tôi đi chụp ảnh, hồi ấy tôi chưa có xe máy, ông thương binh đèo tôi trên cái xe ga, không nhớ hiệu gì nhưng là loại xe bé tí, các bà nội trợ hay đi. Nhớ nhất lần tôi hỏi ông sau một kỳ bình ảnh xấu, về chuyện ông nói ghê quá ông cười "mắng cho nó chừa cái dốt đi". Trầm ngâm một lát ông nói thêm "thực ra đa phần phóng viên không dốt đâu, chỉ cẩu thả quá, lười nữa, lười xoay sở, lười động não". Có lẽ ông đã bắt được bệnh để "kê toa".

Ngày mùa trên sân phơi hợp tác (bức ảnh đoạt giải thưởng của Tổ chức nhà báo quốc tế OIJ). (Ảnh: Vũ Tín).

            Sau bác Vũ Tín, bác Vũ Hanh tiếp quản chân nghiệp vụ. Bác Vũ Hanh cũng thuộc nhóm máu nóng, các kỳ bình ảnh tốt ông choang choang ghê lắm, nhưng độc chiêu bình ảnh xấu thì ông không làm nữa.

            Bác Vũ Hanh nghỉ đến bác Trần Sơn. Bác Trần Sơn khéo lắm, khen có chê có nhưng đại thể "tốt nhiều xấu ít" không làm mất lòng ai.

Nghiệp vụ Ban bây giờ bình ảnh tốt ở cấp phòng cũng không đến dự nữa. Chuyện phê bình ai đó về chụp thế nọ thế kia đương nhiên là không. Kỳ bình ảnh tốt cấp ban vừa rồi tôi có "may mắn" được dự. Ngạc nhiên lắm, không hiểu sao những "sản phẩm tốt nhất" mà sai lắm thế, qua phát báo rồi, phóng viên chọn, phòng bình sơ khảo mà vẫn sai buồn cười lắm. Cái số ảnh đáng đưa lên Nội san Thông tấn ở mục Dọn vườn không phải là không có. Cán bộ nghiệp vụ Ban thì luôn miệng nhắc nhở "phải trân trọng... trân trọng... và trân trọng". Sự trân trọng tất nhiên là quý, sự quý ắt là hiếm. Nếu cái quý hiếm ấy ban phát rộng đến cả những sản phẩm của sự cẩu thả, tắc trách từ phóng viên đến cán bộ thì liệu nó - sự trân trọng ấy - có còn đủ để lan đến những tác phẩm nghiêm túc không nhỉ?

            Thỉnh thoảng giao ban thấy trưởng phòng nhắc: tỉ lệ ảnh dùng trên mạng thấp lắm.

            Bác Vũ Tín nghỉ hưu có lẽ đến 13 - 14 năm rồi. Ngồi viết về ông, muốn hình dung lại khuôn mặt mà thật khó diễn tả, nhưng cách làm của ông thì tôi và chắc chắn nhiều đồng nghiệp vẫn nhớ. Không ít lần tôi tự hỏi, nếu còn những cán bộ thực sự tâm huyết như thế, dám nói thẳng như thế, liệu cái tỉ lệ ảnh dùng trên mạng có "khiêm tốn" như bây giờ không? Và lại buâng khuâng... nhớ ông nghiệp vụ thương binh ấy.

Xùn Trường
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2008