Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Công tác thông tin

Phóng viên thường trú Bangkok - Những trải nghiệm khó quên


(01/07/2014 10:59:26)

Thái Lan vừa trải qua một cuộc đảo chính quân sự nữa. Quyết định can thiệp quân sự được giải thích là nhằm chấm dứt các xung đột, bế tắc chính trị; nhưng nó có thể lại đưa nước Thái rơi vào một chu kỳ bất ổn mới vì những mâu thuẫn cốt lõi về lợi ích giữa các phe phái. Điều này sẽ khiến cho các PV Cơ quan thường trú (CQTT) Bangkok còn tiếp tục vất vả, bận rộn. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không có ý định kể về tình hình Thái Lan mà chỉ muốn, nhân câu chuyện của người Thái kể lại những trải nghiệm thực tế trong thời gian thường trú.

Phóng viên Phạm Hà Linh đưa tin đảo chính quân sự tại Bangkok

 

Hai nhiệm kỳ chứng kiến hai cuộc đảo chính

Hai lần chứng kiến đảo chính quân sự ở địa bàn công tác quả là điều đặc biệt đối với một PV thường trú. Và tôi đã rơi vào trường hợp đặc biệt đó.

Năm 2005, khi ông Thaksin Shinawatra trở thành Thủ tướng được bầu đầu tiên của Thái Lan đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp, các phương tiện truyền thông quốc tế đều đánh giá rằng nước này đã có một "cú hích" để cất cánh, với vị trí là trung tâm của ASEAN.

Nhưng ngay sau đó Thái Lan đã bị cuốn vào bất ổn chính trị, với những cuộc biểu tình của phe áo vàng và cuối cùng là cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Trong đêm đảo chính đó, tôi đã được chứng kiến hàng nghìn người Bangkok xuống đường ăn mừng và tặng những bông hồng đỏ thắm cho các binh sĩ tuần tra trên đường.

Khi ấy TTXVN chưa có kênh truyền hình Vnews, nhưng Đài truyền hình Việt Nam đã liên lạc với tôi để thực hiện một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nhằm có thông tin trực tiếp về tình hình. Đây là một trải nghiệm khó quên của tôi vì lần đầu tiên làm quen với loại hình thông tin mới, giọng nói của tôi còn run run trong điện thoại.

Cuộc đảo chính năm 2014 có nhiều khác biệt so với 2006. Đã chuẩn bị rất kỹ cho kế hoạch đảo chính, quân đội Thái Lan chẳng cần phải huy động xe tăng hay thiết bị quân sự hạng nặng mà vẫn giành được chính quyền bằng cách khéo léo dắt dụ các bên tới đàm phán và tuyên bố lật đổ chính quyền sau khi không áp đặt được ý chí của họ lên các phe phái.

Trước khi tuyên bố đảo chính được đưa ra, tại điểm đàm phán, mọi người chỉ thấy rất nhiều binh lính chặn các cửa ra vào. Nữ phát ngôn của Hội đồng trật tự và hòa bình quốc gia hiện nay, vào thời điểm đó đã trả lời giới truyền thông rằng bà ta cũng không có thông tin gì về sự việc đang xảy ra. Các màn hình tại địa điểm đàm phán đều xuất hiện những biểu tượng của các lực lượng vũ trang Thái Lan, với dòng chữ ban đầu là Ủy ban Duy trì hòa bình quốc gia. Khi các nhà báo có mặt tại đó bắt đầu xôn xao về sự bất thường thì ngay sau đó, tuyên bố giành quyền điều hành đất nước của quân đội và cảnh sát đã phát ra.

Nếu như trong cuộc đảo chính 2006, tôi chỉ cần chụp ảnh và làm thông tin văn bản thì hiện nay, để có thông tin cho kênh truyền hình Vnews, tôi phải ghi hình, phỏng vấn, dẫn hiện trường và viết lời bình trước để kịp giờ phát sóng. Sau đó mới làm ảnh (từ các files hình) và viết tin, bài (từ lời bình) để phục vụ các ấn phẩm khác của ngành. Và không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra tuần tự và suôn sẻ. Khi bám theo các sự kiện biểu tình trên đường phố hoặc tại các điểm quan trọng, việc truyền được tin hình về thông qua USB-3G là cực kỳ khó khăn vì sóng di động bị phá để tránh nổ bom. Khi đó, PV phải tìm chỗ để ghi âm bằng điện thoại và chuyển về trước qua thư điện tử hoặc đọc trực tiếp bằng điện thoại về nhà để kịp sử dụng, sau đó mới đến việc hoàn thành tin hình và truyền về cùng các loại hình thông tin khác.

Trong suốt quá trình đưa tin về cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan, tôi đã nhiều lần làm như vậy và có ba lần được đánh giá là đặc biệt hiệu quả. Đó là lần đụng độ bằng hơi cay và gạch đá giữa cảnh sát với người biểu tình, lần bị người biểu tình giam lỏng trong đồn cảnh sát khi họ ngăn cản việc đăng ký tranh cử và lần thông tin về cuộc đảo chính vừa rồi.

 

Tôi cho rằng, bên cạnh việc thắt chặt sự phối hợp giữa PV thường trú và "người ở nhà" trong công tác thông tin và sử dụng thông tin thì các chế độ tài chính, chế độ đãi ngộ đối với PV "hiện trường" cũng cần được sửa đổi để đảm bảo tính công bằng và khuyến khích những PV sẵn sàng đương đầu, lăn vào thực tế cuộc sống để "chộp" được những thông tin nóng hổi, trung thực nhất, vì "màu cờ sắc áo" của TTXVN.

 

Sự "tiếp tay" của công nghệ thông tin

Công nghệ đang giúp sức một cách khá đắc lực cho PV để họ có thể hoạt động và tác nghiệp một cách độc lập. Ngoài ra, các mạng xã hội như Twitter hay Facebook cũng có thể hỗ trợ rất tích cực nếu người sử dụng biết cách. Đơn cử như lần tôi bị hơi cay và vòi rồng phun vào mặt hay lần chứng kiến các cuộc đọ súng trên đường phố, tôi chỉ viết vài lời nhắn trên Facebook là lập tức có ngay được sự chia sẻ của anh Hoàng Nhật từ VietnamPlus. Điều này đã khích lệ tôi hướng tới việc thông tin cho tòa soạn này bởi tôi thấy VietnamPlus cần thông tin về những điều mà tôi đang trực tiếp chứng kiến.

Những thông tin kiểu này được ghi âm ngay trên điện thoại rồi gửi qua email của tòa soạn để đánh máy lại. Tiếp theo là các đoạn clips ngắn được biên tập trên điện thoại di động và truyền về cùng các files text. Ở trường hợp này, tin truyền hình cho Vnews lại được gửi về sau bởi phải mất công biên tập thêm và thời gian truyền phát cũng lâu hơn.

Nhờ có công nghệ nên việc dẫn hiện trường trở nên nhẹ nhàng hơn. Tôi đã có thể tác nghiệp một mình, dùng điều khiển từ xa và tự mình dẫn hiện trường trước ống kính máy quay. Công nghệ cũng đã cho phép sử dụng điện thoại di động để quay những cảnh dẫn hiện trường.

Đối với các trường hợp cần gấp mà đang đi một mình thì người đi đường nào đó sẽ được "tuyển mộ" để cầm điện thoại di động quay giúp. Có lúc gặp được anh em bên VTV hay báo Thanh niên đi làm cùng thì họ sẽ quay hộ, nhưng cũng lắm khi tôi phải nhờ "phu nhân" đi cùng để giúp quay cảnh dẫn hiện trường.

 

Phối hợp để phát triển loại hình thông tin mới

Có một điều tôi muốn chia sẻ là, nỗ lực của PV sẽ chỉ đạt kết quả trọn vẹn nếu có sự hợp tác và trân trọng từ những biên tập viên ở nhà. Dường như, hình ảnh về hơi cay, vòi rồng hay cảnh bắn nhau mà PV thường trú đã không ngại nguy hiểm để tiếp cận, quay được và truyền về lại không được coi trọng bằng việc dẫn hiện trường. Thông tin hình đã được PV thực hiện trọn vẹn và truyền về ngay trong đêm với ý định phục vụ việc phát sóng vào sáng sớm hôm sau để nói rõ hơn về cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan, không hiểu vì lý do gì mà mãi tới trưa hôm đó mới phát đi được. Có lẽ ở nhà ưu tiên dùng tin phương Tây trước cho nhanh và tiện?

Theo tôi, việc thể hiện "sự hiện diện của PV" tại địa bàn xảy ra sự kiện đang bị một số BTV hiểu chưa thật đúng. Không chỉ đơn thuần là dẫn hiện trường, sự hiện diện của PV còn được thể hiện qua những đúp hình phỏng vấn người trực tiếp tham gia sự kiện, qua những hình ảnh được ghi lại theo dụng ý thông tin của PV hay lời bình và file text được viết từ cảm nhận trực tiếp. Những kết luận vội vàng rằng PV có quan điểm thế này, thế kia khi thực hiện tin truyền hình đã tác động tiêu cực đến anh em thường trú chúng tôi.

Thực tế cho thấy, để thông tin bằng các loại hình mới của TTXVN phát triển dựa trên thế mạnh từ các PV thường trú thì việc duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ giữa người ở hiện trường và các đơn vị xử lý thông tin ở Tổng xã là cực kỳ quan trọng.

Phạm Hà Linh (Giải A thể loại Báo điện tử)
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2014