Thứ năm, ngày 25/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Qỷãên lẳ½ trõ»ơ sõ»ă vẳ  cẳ´ng tẳâc vẵƒn phẳ²ng - Chuý»‡n khẳ´ng hõ» nhõ»


(29/08/2012 15:05:58)

Đọc bài Hai yếu tố nâng cao vị thế phân xã của Trưởng Phân xã Lào Cai Lục Văn Toán, đăng trên Nội san Thông tấn số 3/2012, tôi rất tâm đắc với tiêu đề: Làm sao để xứng mặt "đại diện cơ quan"? Câu hỏi này gợi cho tôi nhớ lại lời của nguyên Phó Tổng Giám đốc Trương Đức Anh tại một hội nghị toàn ngành. Ông nói: "Đến thăm phân xã X. khi vào phòng khách, tôi không dám ngồi vào ghế. Còn trên mặt bàn thì phủ một lớp bụi dày, tôi đã lấy ngón tay trỏ ký tên mình trên mặt bàn, rồi đi ra...".

Trong thời gian làm Trưởng Phòng quản lý Phân xã (PX) trong nước, tôi đã có dịp đi kiểm tra, khảo sát gần hết các PX và nhận thấy, trừ ba PX: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh có trụ sở đóng tại Tổng xã và Cơ quan đại diện, còn lại gần 60 PX đã được đầu tư xây dựng mới, hoặc sửa chữa lại. Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, do có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, do địa phương đánh giá cao vị trí, vai trò, chức năng của TTXVN nói chung, "tiếng nói" của phân xã nói riêng, nên đã ưu tiên dành những vị trí trung tâm tỉnh lỵ cho việc xây dựng trụ sở PX. Mặc dù "nhà mặt phố", trụ sở của một số PX dần xuống cấp, nhếch nhác, chưa xứng tầm đại diện của một hãng thông tấn Nhà nước tại địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Trụ sở PX xây dựng đã lâu nhưng chưa được đầu tư sửa chữa; hoặc Trưởng PX không nắm được quy trình đề nghị Tổng xã đầu tư vốn để sửa chữa; hoặc có tờ trình đề nghị sửa chữa, nhưng không kiểm tra, khảo sát, PX cũng không nhận được ý kiến trả lời của cấp có thẩm quyền. Có nơi chờ mãi cũng chán, cứ để xuống cấp. Cũng có PX nghĩ là đơn vị ít người, kinh phí có hạn, nên phải chấp nhận. Tình trạng trụ sở PX xuống cấp cũng một phần do thiếu sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo cũng như các đơn vị chức năng ở Tổng xã.

Tại Hội nghị Trưởng PX các tỉnh phía Bắc vừa qua, có khá nhiều ý kiến đề nghị Tổng xã tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây mới, sửa chữa trụ sở. Văn phòng - đơn vị quản lý tài sản chung của ngành tại khu vực Tổng xã và 29 phân xã phía Bắc- đã thẳng thắn trao đổi ý kiến xung quanh việc đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở PX; về quy trình đề nghị cấp kinh phí; thủ tục đầu tư xây dựng, đồng thời đề nghị các PX tìm hiểu thêm những quy định của Nhà nước để triển khai việc đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Từ năm 2009 đến nay, cơ quan đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa trụ sở các PX Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Giang, Phú Thọ và Lạng Sơn. Năm nay, cơ quan tiếp tục đầu tư xây mới trụ sở PX Tuyên Quang và Lào Cai; sửa chữa, cải tạo một số PX bị hư hỏng, xuống cấp...

Nhưng một yếu tố quan trọng, đó là ý thức của Trưởng PX và cả PV, có thực sự coi trụ sở phân xã là bộ mặt của TTXVN tại địa phương hay không. Trưởng PX phải là người có đủ tâm, đủ tầm để không chỉ làm tốt chức năng, nhiệm vụ của một nhà báo mà còn cũng phải biết mọi mặt công tác khác, trong đó có việc quản lý trụ sở PX. Thực tế, cả ba miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, ở đâu Trưởng PX, PV gắn bó, coi trụ sở như là nhà của mình thì ở đó xứng mặt "đại diện cơ quan". Và ngược lại, ở đâu Trưởng PX và PV thiếu sự quan tâm đến trụ sở, trông chờ, ỷ lại cấp trên... thì tình trạng "trên bàn tiếp khách phủ một lớp bụi dày..." như lời nguyên Phó Tổng Giám đốc Trương Đức Anh, vẫn còn...

 Về công tác văn phòng, đến nay vẫn còn nhiều Trưởng PX chưa nắm được cách quản lý văn phòng mà cụ thể là công tác văn thư, lưu trữ, soạn thảo văn bản, công văn... Hồ sơ trụ sở phân xã là rất quan trọng, vì trụ sở là tài sản nhà nước, là bằng chứng khẳng định sự hiện diện hợp pháp của TTXVN tại địa phương, nhưng nhiều PX chưa lập được bộ hồ sơ theo đúng Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước (ban hành kèm Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng); hoặc nếu có thì lại chưa đầy đủ giá trị pháp lý, không đúng với quy định của Luật Đất đai, nên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Những bất cập này là do công tác lưu trữ chưa tốt, hoặc khi chuyển giao các Trưởng PX chưa quan tâm đúng mức đến giấy tờ gốc về đất đai, trụ sở nên nhiều văn bản bị thất lạc, khi cần sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới thì tìm không ra... Công tác văn thư của PX trong nước cũng có nhiều vấn đề cần bàn, trong đó có việc soạn thảo công văn, văn bản của PX gửi các cơ quan trong tỉnh và Tổng xã không theo một quy chuẩn nào. Còn biển hiệu trụ sở, phong bì gửi công văn và danh thiếp của Trưởng PX thì mỗi nơi một kiểu...

Thống nhất công tác văn thư, lưu trữ, biển hiệu từ Tổng xã đến Cơ quan đại diện và các PX trong nước để khẳng định vị thế của TTXVN là việc làm cần thiết. Nhưng do đặc thù của ngành, chúng ta chưa có điều kiện tổ chức tập huấn về văn thư lưu trữ cho anh chị em phân xã do vậy trong thời gian tới, Văn phòng cơ quan sẽ soạn thảo mẫu từng loại văn bản: công văn, tờ trình, báo cáo, phong bì... gửi qua mạng để các PX áp dụng. Về biển hiệu, Văn phòng đã có tờ trình, đề nghị Ban lãnh đạo cơ quan phê duyệt mẫu biển tên cơ quan thống nhất trong toàn quốc. Với phân xã phía Bắc, Văn phòng đã in và gửi danh thiếp theo mẫu quy định cho 29 Trưởng PX.

Phải khẳng định rằng, cùng với công tác thông tin, việc quản lý trụ sở PX và công tác văn phòng, cũng là những yếu tố nâng tầm vị thế của hệ thống PX  trong nước, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/ĐUTTX ngày 28/5/2012 của Đảng uỷ TTXVN về nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của hệ thống phân xã TTXVN.

Lê Văn Hiệp
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2012