Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Bản quyền - nhìn từ nhiều phía


(29/08/2012 14:49:52)

Mới đây, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến pháp luật và Liên Chi hội Nhà báo TTXVN tổ chức Hội thảo về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Tham luận của nhiều đơn vị trong TTXVN về lĩnh vực bản quyền ở tất cả các loại hình báo chí cho thấy, câu chuyện vi phạm bản quyền chứa đựng lắm khúc mắc, khó giải quyết một sớm, một chiều.

Rầu lòng chuyện vi phạm bản quyền ảnh

Mỗi hình thức, loại hình báo chí có kiểu vi phạm bản quyền khác nhau. Bản tin, bài viết PV "xào xáo" tinh vi còn khó phát hiện, khó kiện tụng chứ với ảnh báo chí nói riêng và nhiếp ảnh nói chung, tình trạng vi phạm bản quyền đang ngày càng phổ biến, trong đó ảnh của TTXVN thời gian qua đã và đang bị vi phạm bản quyền một cách "thô bạo", đối tượng vi phạm cũng đa dạng, trong ngành cũng có, ngoài ngành cũng không ít.

Một số hình thức, biểu hiện vi phạm bản quyền ảnh chủ yếu thường gặp hiện nay :

- "Đạo" ảnh bằng cách lấy ảnh TTXVN và ghi tên tác giả khác, hoặc không ghi đúng tên tác giả, không ghi nguồn TTXVN, mà ghi chung chung, như: PV (phóng viên), ST (sưu tầm), để nhập nhằng không trả nhuận bút. Trường hợp này xảy ra nhiều nhất.

- Tẩy, xóa, cắt, ghép, sử dụng kỹ thuật photoshop làm sai lệch nội dung ảnh. Đây cũng là trường hợp khá phổ biến hiện nay với sự phát triển của ảnh kỹ thuật số có sự hỗ trợ vô cùng đắc lực của phần mềm xử lý ảnh photoshop. Xin dẫn hai ví dụ cụ thể:

- Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba tháng 4/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc gặp lãnh tụ Fidel Castro (ảnh dưới).

Năm 2008, NSNA Minh Lộc đã lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để gửi đơn khiếu nại tới Hội NSNA Việt Nam về việc bức ảnh "Toàn cảnh Hồ Gươm" của ông bị sử dụng tràn lan trên các tấm biển quảng cáo cho du lịch Hà Nội cũng như ngành Du lịch nói chung, khi trên bức ảnh có thêm câu slogan và logo "Việt Nam-vẻ đẹp tiềm ẩn" của Tổng cục Du lịch.

Ở bức ảnh bên trái (báo Tin Tức - TTXVN sử dụng) đăng nguyên bản sản phẩm do Ban BT Ảnh phát lên mạng, có đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Cuba ở giữa ảnh. Bức ảnh bên phải (báo Nhân Dân sử dụng) đã tẩy đồng chí Đại sứ đi. Điều này không chỉ vi phạm nặng nề về bản quyền, mà còn vi phạm về đạo đức làm báo, đưa tin, đăng ảnh sai sự thật. Theo quy định tại Điều 15 của NĐ 47/CP, mức xử phạt với vi phạm này là từ 5 triệu - 15 triệu đồng.

- Ngày 15/5/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị BCH TƯ lần thứ 5, khóa XI.

Ngày hôm sau, các báo sử dụng ảnh đơn hay ảnh ghép Tổng Bí thư phát biểu đều đúng với những gì TTXVN phát lên mạng, nhưng một tờ báo lớn lại lấy ảnh Tổng Bí thư tại một cuộc nói chuyện khác, ghép vào bối cảnh của Hội nghị.

- Đối với nguồn ảnh quý có giá trị là ảnh đen trắng (ảnh tư liệu lịch sử của TTXVN), các báo chỉ đến khai thác một lần rồi dùng lại nhiều lần mà không ghi nguồn khai thác; không xin phép (cá nhân tác giả hoặc đơn vị chủ quản là TTXVN); sử dụng sai mục đích hoặc làm thất thoát "tài nguyên ảnh" bằng cách đưa lên mạng, phổ biến cho nhiều đối tượng sử dụng.

- Nhiều tác giả gửi ảnh dự thi các cuộc thi ảnh, bị lấy sử dụng vào mục đích khác (in sách, áp phích, tờ rơi, quảng cáo...) mà không xin phép tác giả.

- Một số đơn vị là các bảo tàng, nhà văn hóa đến khai thác ảnh của TTXVN rồi scan lại để làm triển lãm ảnh hàng loạt mà không có sự đồng ý của đơn vị chủ quản là Ban Biên tập Ảnh, không ghi nguồn gốc ảnh TTXVN.

Báo ngoài đã đành, báo nhà (cùng trong TTXVN) cũng không ít phen làm tác giả "điêu đứng" vì chuyện sử dụng ảnh sai mục đích. Còn nhớ, để minh họa cho chủ trương tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, một tờ báo ngày của TTXVN lấy một bức ảnh hội nghị của ngành điện đã phát lên mạng, cắt cúp bớt để nhìn vào ảnh hầu như chỉ thấy... hoa và... hoa, với chú thích "Cử tọa chen lá, lá chen hoa". Kết cục, trong một thời gian dài, tác giả bị nhiều đơn vị trong ngành điện "tẩy chay", bởi thông tin truyền tai: "Tay phóng viên đấy chẳng tử tế gì đâu, toàn rình chọc ngoáy ngành mình thôi". Đến nước đấy, phóng viên chẳng biết kêu ai, giải thích ra sao cho từng nấy người, đơn vị của ngành mình theo dõi, rằng đấy chỉ là "tai nạn nghề nghiệp"...

Lại có lần một tờ báo trong ngành lấy hai bức ảnh đều có Tổng Bí thư, một đang ngồi dưới hàng ghế đại biểu, một đang nói trên bục để ghép lại với nhau, thành ra "Tổng Bí thư nói cho Tổng Bí thư nghe" (chuyện này sẽ rất nguy hiểm nếu bị các thế lực xấu lợi dụng để xuyên tạc); trong khi Ban BT Ảnh phát riêng hai bức ảnh, không có ảnh ghép.

Mười sáu biểu hiện để tác giả nhận biết tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền, quy định tại điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 (sửa đổi năm 2009), ảnh TTXVN đều  "dính". Những người sử dụng không thể lý giải, bao biện rằng họ không biết hành vi sử dụng ảnh như vậy là vi phạm bản quyền, nhất là với một số cơ quan báo chí lớn của Đảng, Nhà nước hay đoàn thể. Luật Sở hữu trí tuệ ban hành đã lâu, người làm báo hay bất cứ lĩnh vực nào khác đều có trách nhiệm tìm hiểu và tuân thủ.

Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 47/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, Nghị định 109/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47, có những quy định rõ ràng, tác giả hoặc đơn vị sở hữu tác phẩm có thể kiện ra Tòa Dân sự để đòi lại sự thật và công bằng cho mình. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít trường hợp thắng kiện hoặc được giải quyết đến nơi đến chốn. Với ảnh TTXVN, không ít lần Ban Biên tập Ảnh trực tiếp (hoặc thông qua cơ quan) có ý kiến với đơn vị báo chí vi phạm bản quyền, như: gửi công văn tới tờ báo vi phạm; mời người phụ trách sử dụng ảnh của tờ báo sang làm việc; điện thoại cho lãnh đạo cao nhất của tờ báo... Nhưng hiệu quả vẫn chưa là bao: chủ yếu là lời hứa "Yên tâm, tôi sẽ nhắc nhở anh em", và đa phần, chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại đóng đấy.

Sau buổi hội thảo về quyền tác giả, được nắm vững hơn về Luật Sở hữu trí tuệ, hiểu thế nào là quyền nhân thân và quyền tài sản; biết rõ hơn chế tài xử lý vi phạm, rồi có một loạt đề nghị với Ban lãnh đạo cơ quan nhằm giải quyết sao cho thấu đáo vấn đề vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm. Nhưng quả thực, niềm hy vọng của các PV ảnh cũng hết sức khiêm tốn, bởi ai cũng biết vấn đề nhiều khi "tế nhị". Thôi thì đều là chỗ quen biết trong làng báo, cũng là nơi đăng tải sản phẩm hàng ngày của mình cả, cũng thỉnh thoảng mới có vi phạm này nọ chứ không phải thường xuyên, liên tục; nói để rút kinh nghiệm là chính, chỉ mong họ phải đề rõ tên tác giả, tên cơ quan TTXVN, còn quyền lợi vật chất tính sau. Đều phục vụ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cả mà.

Với nhiều phóng viên, mỗi lần nhắc đến tờ báo làm "tổn thương" uy tín của mình là lại một lần nhăn nhó. Họ "dị ứng" đến mức không cộng tác với tờ báo đó nữa đã đành, nhưng ảnh của họ chụp, TTXVN phát trên mạng và tờ báo nào đó lấy và sử dụng sai thì làm thế nào...??? Khi thấy đứa con tinh thần của mình bị người ta làm tình làm tội, nhào nặn, trang điểm, sửa sang đủ thứ, từ sai lệch ngoại hình đến thay tên đổi họ, thì tác giả "không tức mới là lạ". Bên cạnh việc "tự cứu lấy mình" trước với những phương thức riêng bảo vệ bản quyền, cũng chỉ biết kêu và trông chờ vào lãnh đạo cơ quan có thêm nhiều biện pháp để đạt hiệu quả như mong muốn, chứ  vác đơn đi kiện thì biết kiện ai, lại mất công và thêm rầu lòng.

Nhà báo Nick Út của Hãng AP (Mỹ) khi trao đổi với các đồng nghiệp ảnh của TTXVN về ảnh báo chí đã nhấn mạnh đến sự trung thực, không được dùng kỹ xảo photoshop để làm thay đổi bản chất, nội dung bức ảnh. Điều đó cho thấy, báo chí thế giới coi trọng bản quyền thế nào.

Quang Hải ( Ban Biên tập Ảnh)
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2012