Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tìm hiểu báo chí

Tác nghiệp của phóng viên ngoài nước trong các sự kiện ngoại giao


(02/06/2008 09:58:19)

Công tác phóng viên ở nước ngoài rất đa dạng, trong đó có một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động nhân dịp diễn ra các chuyến thăm cấp cao. Qua thực tế tham gia hỗ trợ các phóng viên chuyên trách và một số lần được Ban lãnh đạo cơ quan phân công trực tiếp đưa tin về chuyến thăm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tại Nhật Bản, tôi nhận thấy nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, giải quyết công việc sẽ hiệu quả hơn và tránh được sơ suất không đáng có. Công việc chuẩn bị thì nhiều, dưới đây tôi chỉ xin trao đổi về một số việc cần thiết.

Trong trường hợp không có phóng viên chuyên trách đi cùng, trước khi đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm nước bạn, phóng viên phân xã thường trú cần thông qua Đại sứ quán để nắm được lịch trình hoạt động của đoàn, và thông qua Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao nước sở tại để biết được chính xác thời gian và địa điểm, những hoạt động liên quan đến báo chí. Trên cơ sở đó, phóng viên hoặc phân xã lên kế hoạch đưa tin và xin ý kiến chỉ đạo từ Tổng xã.

Có những chuyến thăm, khi nước sở tại cho phép Trưởng đại diện một số đơn vị thuộc Đại sứ quán tìm hiểu trước các địa điểm hoạt động của đoàn thì nhất thiết phải nhớ số lượng người được phép tham dự, cũng như vị trí của phóng viên tại lễ đón, lễ tiễn, tại trụ sở cơ quan đảng, cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp, tại các buổi lãnh đạo phía ta tiếp khách địa phương hoặc dự tiệc chiêu đãi; đồng thời ước lượng khoảng cách giữa các điểm hoạt động cũng như khoảng cách với phân xã để "căn" thời gian di chuyển và thời gian phát tin. Trường hợp cùng một lúc diễn ra hai, ba hoạt động, phân xã nên có sự phân công phóng viên một cách hợp lý để thông tin (tin, ảnh) được chính xác, đồng bộ và phát về nước sớm.

Xin lưu ý, để có được thông tin nhanh, độ tin cậy và độ chính xác cao, cần chủ động tiếp xúc với lãnh đạo Đại sứ quán hoặc với đồng chí có trách nhiệm trong đoàn để nắm được nội dung phát biểu (dự kiến), thành phần tham dự và biết trước những thay đổi đột xuất (nếu có). Khi viết xong tin, đặc biệt là những tin chính trị nhạy cảm, cần đề nghị đồng chí có trách nhiệm trong đoàn xem lại trước khi điện về Tổng xã.

Nếu có phóng viên chuyên trách đi theo đoàn, phần việc của phân xã sẽ giảm đi rất nhiều, thay vào đó, phân xã nên tập trung thông tin theo hai hướng chính: bám sát dư luận báo chí nước sở tại về chuyến thăm của đoàn và cố gắng hỗ trợ phóng viên chuyên trách ở mức cao nhất.

Ngoài ra, lên chương trình hoạt động cho các chuyến công tác của lãnh đạo Ngành hoặc của đại diện một số đơn vị tới địa bàn là phần việc không thể thiếu trong nhiệm kỳ công tác của phóng viên phân xã ngoài nước. Cần đặc biệt đề cao tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của tập thể phân xã trong việc liên hệ gặp gỡ, chuẩn bị những điều kiện cần thiết phục vụ chuyến thăm. Cùng với việc thông báo cho phía bạn nội dung các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc do TTXVN đề xuất, cũng cần phải nắm được nội dung chính mà phía bạn sẽ nêu ra để kịp thời báo trước về Tổng xã. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt với các đơn vị trong Cơ quan đại diện, với Hãng thông tấn đối tác và một số cơ quan báo chí nước sở tại là yếu tố rất quan trọng, góp phần nâng cao uy tín của Ngành và đóng góp thiết thực vào thành công của chuyến thăm, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giao lưu và hợp tác.

Mỗi chuyến công tác đều để lại những kỷ niệm hoặc những bài học. Có những sự việc xảy ra ngoài dự kiến đòi hỏi ta phải đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, bảo đảm lợi ích chung. Tôi nhớ đến chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh theo lời mời của Chủ tịch Đảng dân chủ tự do cầm quyền J.Koizumi diễn ra 2-5/10/2002. Theo lịch trình, xe của đoàn phóng viên chuyên trách đến Hoàng cung trước 20 phút để chuẩn bị đưa tin, quay phim, ghi hình, chụp ảnh và lấy tư liệu viết bài. Ở sân Hoàng cung, mọi người hồi hộp chờ đợi. Đột nhiên, đại diện Vụ lễ tân Bộ Ngoại giao và Cơ quan an ninh Nhật Bản thông báo chỉ cho hai trong số gần chục phóng viên vào tác nghiệp tại cuộc gặp của Tổng Bí thư với Nhật hoàng Hirohito. Theo sự phân công trực tiếp của đại sứ Vũ Dũng (hiện là Thứ trưởng Ngoại giao), với tư cách Trưởng điều phối hoạt động của đoàn phóng viên, tôi phải chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn này... Phía bạn thúc giục và thông báo chỉ còn 5 phút nữa đoàn xe của đoàn ta sẽ tới. Tất cả các PV chuyên trách và PV phân xã đều im lặng chờ đợi. Tôi có phần lúng túng vì tình huống này nằm ngoài dự kiến. Đoàn xe của Tổng Bí thư đã tiến vào cổng Hoàng cung. Sau giây phút suy nghĩ, tôi đề xuất với phía bạn cho một PV ảnh TTXVN và một PV Đài truyền hình tham dự hội kiến.

Tôi nghĩ, khi đó chắc các PV còn lại không vui với quyết định của tôi và cảm thấy tiếc vì không có cơ hội. Song, tôi cho rằng tư liệu để viết tin, bài vẫn có thể bổ sung bằng các nguồn khác, còn hình ảnh thì chỉ diễn ra trong khoảnh khắc và không thể tái hiện lại. Thực tế sau này đã chứng minh quyết định của tôi là đúng. Đó là một kỷ niệm nghề nghiệp khó quên trong thời gian tôi công tác tại phân xã Tokyo.

Lương Ngọc Chấn
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sôi động giải Ảnh báo chí thế giới  (13/05/2008 11:01:07)

Blog trong cỳằ™c sỏằ‘ng hiỏằ‡n Ä‘ỏºĂi (09/01/2008 10:04:12)

Báo chí hiện đại và xu hướng "co" khổ báo (06/12/2007 16:11:58)

AFP Hãng thông tấn lâu đời nhất thế giới (06/11/2007 11:26:43)

Tân Hoa xã Mô hình sử dụng và bồi dưỡng phóng viên hiệu quả (09/10/2007 09:24:39)

Một số tiêu chí của ảnh báo chí (09/10/2007 09:16:24)

PA - một mô hình tập đoàn truyền thông hiện đại (05/09/2007 09:44:49)

Giải Pulitzer 2007 với bức ảnh gây sốc (05/09/2007 09:43:00)

Hồng Công - một địa bàn đặc biệt (01/08/2007 09:57:47)

"HÃặy yÃếu ngháỪẮ gáỨốn bÃỠ váỪỈi nghiáỪẬp" (17/07/2007 10:13:45)