Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Thấm lời Bác dạy:
Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?


(07/10/2008 09:59:01)

Mới đó mà giờ đã là năm thứ bảy tôi được gắn bó với nghề viết báo. Chưa dài nhưng cũng đã là khoảng thời gian vừa đủ để tôi thấy mình trưởng thành hơn với nghề, nhất là khi được làm báo trong ngành Thông tấn.

            Chưa phải là một cây viết tài năng, chưa có những tin, bài thật sự nổi bật, có tầm vóc và chất lượng như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa khác, tôi chỉ mới tạm hài lòng mình đang làm "tròn nghề", làm tốt chức năng một phóng viên của TTXVN. Nói vậy không có nghĩa để làm "tròn" chức năng một phóng viên TTXVN là một điều dễ dàng, mà đó là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện và học hỏi. Với tôi, trong khả năng của mình, việc học đầu tiên và giờ vẫn học, đó là: Viết tin Thông tấn xã phải cho ra tin Thông tấn xã. Đó là tin không chỉ nhanh - đúng - trúng -  hay mà còn phải có những chuẩn mực nhất định. Không thể chạy theo kiểu tin giật gân, câu khách, nghiêm trọng hóa, trầm trọng hóa vấn đề, chạy theo thị hiếu dễ dãi của người đọc, lạm dụng ngoại ngữ, từ ngữ cao siêu, khó hiểu, khó đọc... Vậy nên khi viết một tin, bài nào, tôi cũng đều cân nhắc từng từ, từng chữ một. Tin đó có thể chưa hay, nhưng tin phải "sạch", dễ đọc, dễ hiểu. Mỗi khi tác nghiệp, trong đầu tôi lúc nào cũng hiển hiện câu nói của Bác Hồ, với các nhà báo: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Nhất là hiện nay, trên báo chí ta xuất hiện một thứ "bệnh" sính chữ ngoại, thích dùng từ Hán - Việt, từ ngữ cao siêu, "đao to búa lớn"! Chỉ ngay ở mảng tin thể dục thể thao - mảng tin mà tôi được phân xã giao theo dõi từ 7 năm qua - đã có thể thấy rõ hiện tượng này ngày một trầm trọng. Giở trang báo thể thao nào ra bây giờ cũng thấy tin về các giải "Open" tràn ngập. Vẫn có thể chấp nhận dùng chữ Vietnam Open, US Open, Australian Open, Japan Open,... trong một mức độ nào đó, song không thể trong cả một tin, bài mà từ đầu tới cuối chữ "Open" được lặp đi lặp lại hàng chục lần, trong khi chỉ một từ "Mở rộng" người đọc trong nước đã có thể hiểu ngay, hiểu rõ. Có những từ nước ngoài ta rất khó dịch, hoặc dịch ra tiếng Việt sẽ dài dòng và rối rắm, như các tên giải Master, Challenger, Satellite... nhưng với những tên giải "Open", "Championship" thì hà cớ gì phóng viên không viết là giải "Mở rộng", "Vô địch" cho dễ hiểu.

            Hình như nhiều người viết báo bây giờ hay áp đặt sự cảm nhận của mình cho đại bộ phận người đọc, theo kiểu "Tôi hiểu thì người ta cũng hiểu". Thế nên, tiếng nước ngoài đang được dùng vô tội vạ trên các trang báo thể thao. "Premier League" được sử dụng mà không cần có sự chú giải là "Giải Ngoại hạng Anh", "League 1" cũng được mặc nhiên hiểu là "Giải vô địch Pháp", hay "Calcio, Serie A" cũng buộc người ta phải hiểu là "Giải vô địch quốc gia Italia". Những tiếng nước ngoài hoàn toàn có từ tiếng Việt thay thế cũng đã bị lạm dụng như "penalty" (đá phạt đền, đá phạt 11m), "set point" (điểm kết thúc sét đấu, ván đấu), "match point" (điểm kết thúc trận đấu), "game" (bàn đấu)... được người viết dùng như một từ mà ai cũng hiểu!

            Cũng trong lĩnh vực thể thao, khắp nơi giờ đâu cũng là "chảo lửa", từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Tự Do (Huế), đến Quy Nhơn (Bình Định), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bình Dương... sân bóng nào giờ cũng được phóng viên gọi là "chảo lửa". Những trang báo thể thao bây giờ còn đậm mùi "kiếm hiệp" (kiểu như tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung), với vô số từ Hán - Việt, từ ngữ truyện chưởng xuất hiện nhan nhản. Nào là "độc cô cầu bại", "dị nhân, cao nhân", "đơn đả độc đấu", "bất chiến tự nhiên thành", "tam thập lục chiêu", "hạ sách, thượng sách", "rửa mối hận", "đòi lại món nợ", "trận quyết chiến", "cuộc chiến sinh tồn", "hủy diệt", "quyết  tử", "trận cầu máu lửa",... Đọc những từ ngữ này, hiểu thì vẫn hiểu, nhưng đôi khi không thể chấp nhận được. Và liệu hàng triệu bạn đọc trên khắp đất nước có hiểu được các từ nước ngoài và từ Hán - Việt kia không?

            Lại nhớ câu chuyện về Bác - "Dịch cho dân xem, dân đọc, nếu chưa hiểu, phải dịch lại", thấy tấm gương Bác vất vả suy nghĩ tới từng từ, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, sao cho đa số cán bộ và nhân dân ai cũng đọc được, thật đáng để học và noi theo. Giờ đây, mỗi khi viết tin, gặp tiếng nước ngoài, tôi lại càng thấm thía bài học này hơn. Không chỉ cho người đọc dễ gần, dễ hiểu mà chính đó còn là góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hoàng Liên Sơn
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2008