Thứ năm, ngày 25/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Vụ 39 nạn nhân Việt Nam thiệt mạng tại Anh: Chủ động thông tin & phối hợp ăn ý với các đơn vị


(04/12/2019 08:48:05)

Vụ 39 người thiệt mạng trong một xe tải đông lạnh tại hạt Essex, đông bắc thủ đô London (Vương quốc Anh) rạng sáng 23/10 đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của báo chí Anh và quốc tế. Hàng chục tờ báo hàng đầu của Anh, hãng truyền thông lớn như: BBC, Reuters, ITV đều đưa tin và thực hiện một số phóng sự điều tra, phát trên khung giờ vàng. Kể từ khi biết trong số nạn nhân có người Việt Nam, thông tin về vụ việc này càng nóng và nhạy cảm khi đưa tin về trong nước.

Trong mấy ngày đầu phát hiện vụ việc, báo chí Anh đưa nhiều thông tin nhiễu loạn, khiến cảnh sát Essex phải lên tiếng kêu gọi báo chí cần thận trọng để công tác điều tra được tiến hành và tôn trọng quyền riêng tư của những người được cho là nạn nhân khi chưa có kết quả điều tra. Tâm lý của cơ quan chức năng e ngại thông tin rò rỉ sẽ khiến các báo đua nhau khai thác.
 
Đối với Cơ quan thường thú (CQTT) tại London, việc đưa tin theo đuổi sự kiện trở nên phức tạp hơn nhiều khi các nạn nhân là người Việt Nam. Việc tiếp cận thông tin chính thức gặp nhiều khó khăn do nhiều bộ ngành của Việt Nam cùng tham gia. Hơn nữa, vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên cảnh sát hạt Essex không trả lời báo chí. Vì vậy, việc nắm thông tin để CQTT chuẩn bị các kịch bản phân công công việc không hề dễ. Ngoài ra, đây là vụ án cảnh sát Essex điều tra, nên họ là người quyết định thời điểm công bố, sau đó Bộ Công an Việt Nam sẽ ra thông báo.
 

Phóng viên Diễm Quỳnh, Trưởng CQTT TTXVN tại London (Vương quốc Anh), đưa tin từ hạt Essex, ngày 7/11

Ngày 23/10
 
Khi báo chí Anh đưa tin 39 người nhập cư lậu vào Anh được phát hiện thiệt mạng trong một xe tải đông lạnh, CQTT London lo ngại không biết có người Việt Nam hay không, vì đây là cách thông thường người Việt Nam nhập cư lậu vào Anh. Nửa ngày sau, cộng đồng người Việt tại Anh lan truyền thông tin có người Việt Nam trên chiếc xe định mệnh đó. Ngay lập tức, tôi gọi điện cho Đại sứ Trần Ngọc An để nắm tình hình. Tại thời điểm đó phía cảnh sát Anh chưa liên lạc với Đại sứ quán. Một mặt, tôi phân công anh em tiếp tục tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thức từ cộng đồng người Việt; mặt khác, bám sát kênh thông tin chính thức từ Đại sứ quán và bắt đầu lên phương án chuẩn bị theo đuổi thông tin.
 
Ngày 24/10
 
Chúng tôi nhận được thông tin có gia đình tại Việt Nam đã liên hệ với Đại sứ quán nhờ tìm hiểu liệu con của họ có trên chiếc xe đó hay không. Trong số đó có gia đình em Phạm Thị Trà My, người đã gửi những tin nhắn liên quan đến vụ việc về cho gia đình, mà sau đó báo chí Anh đã khai thác và đăng tràn ngập. Tôi lập tức làm báo cáo gửi Tổng xã về những thông tin ban đầu và nhận được chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo cơ quan về những việc cần làm. Tuy nhiên, lúc ấy, Đại sứ quán vẫn chưa có chủ trương thông tin và chờ ý kiến chỉ đạo.
 
Ngày 25/10
 
Tôi trao đổi với Đại sứ Trần Ngọc An, cho rằng Đại sứ quán cần chủ động lên tiếng. Đại sứ đã hội ý nhanh và nhất trí để CQTT London đưa tin phổ biến đầu tiên thông báo trong số 39 người thiệt mạng có thể có quốc tịch khác ngoài Trung Quốc. Đại sứ quán nhận định, khả năng cao Phạm Thị Trà My là một trong số 39 nạn nhân đó, nhưng thông tin chính thức chỉ có được sau khi cảnh sát Essex công bố.
 
Thông tin đầu tiên mà CQTT đưa đã hướng vụ án dần liên quan đến người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc như cảnh sát Essex tuyên bố lúc đầu. Cao điểm, có ngày CQTT London gửi tới hai báo cáo về Tổng xã.
 
Phóng viên Tuấn Anh tác nghiệp tại hạt Essex, ngày 7/11

Ngày 26/10
 
CQTT đi cùng đoàn Đại sứ quán xuống hạt Essex, làm việc với cảnh sát và đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân, cho dù lúc đó chưa biết có bao nhiêu người Việt trong số đó. Chúng tôi thực hiện cả tin viết và hình, phỏng vấn Đại sứ Trần Ngọc An và ông Paul Wells, Trợ lý cảnh sát trưởng hạt Essex. Để kịp phát tin về trong ngày, chúng tôi chia thành hai nhóm: Một nhóm đến Essex quay phim và phỏng vấn. Nhóm còn lại ở tại London, nhận thông tin do nhóm phóng viên gửi về, kết hợp với các nguồn tin khác xử lý và gửi tin, ảnh về Hà Nội. Những thông tin này đã được nhiều báo trong nước và nước ngoài trích dẫn.
 
Ngày 27/10
 
CQTT London tiếp tục làm báo cáo tổng hợp gửi Ban lãnh đạo cơ quan. Để phát được tin đúng và nhanh nhất, chúng tôi đã lên kế hoạch cho nhiều tình huống khác nhau. Đặc biệt, trường hợp cần có phản hồi của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh ngay sau khi phía Anh công bố kết quả điều tra, tôi đã chủ động xin phỏng vấn Đại sứ trước và cam kết sẽ chỉ trích dẫn những nội dung phù hợp với thông tin mà cảnh sát Essex công bố.
 
Ngày 1/11
 
Đại sứ Trần Ngọc An đã thu xếp cho CQTT phỏng vấn ghi hình. Thật bất ngờ, 13 giờ 30 phút ngày hôm đó, cảnh sát Essex thông báo dự định 14 giờ sẽ công bố kết quả điều tra và họ tin rằng nạn nhân là người Việt Nam.
 
Nhận được điện thoại của Đại sứ quán, do đang ở rất xa nên tôi đề nghị hai phóng viên quay về cơ quan gấp, đồng thời báo cáo nhanh với lãnh đạo cơ quan và liên lạc với phòng Thời sự, Ban biên tập tin Thế giới. Sau khi xin được bản dự thảo công bố của cảnh sát Essex, tôi chuyển về trong nước dịch còn mình tập trung gỡ băng phỏng vấn Đại sứ và đợi thông tin chính thức từ phía cảnh sát Essex. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với Đại sứ, cảnh sát Essex chốt công bố thông tin lúc 18 giờ. 
 
Cả ba phóng viên của CQTT ngồi dán mắt vào màn hình đợi tin. Chúng tôi tranh thủ trao đổi một số thuật ngữ chức danh hiếm gặp để thống nhất khi làm tin. Đúng 5 phút sau khi cảnh sát Essex công bố, chúng tôi đã gửi xong tin và hình về Hà Nội, trong đó có cả phát biểu của Đại sứ. Lúc này, rất nhiều báo, đài phương Tây đề nghị phỏng vấn Đại sứ nhưng ông đều từ chối và chỉ trả lời duy nhất TTXVN...
 
Phóng viên Đình Thư chuyển tin, ảnh ngay tại hiện trường, ngày 7/11

Ngày 7/11
 
Được biết đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng dẫn đầu sang làm việc với nhà chức trách Anh, tôi đã chủ động đề nghị phỏng vấn Thứ trưởng và được hẹn vào 9 giờ 30 phút ngày 7/11. Chúng tôi cũng được biết, cảnh sát Essex dự kiến sẽ công bố thông tin xác nhận chính thức 39 nạn nhân vào lúc 13 giờ cùng ngày theo giờ địa phương. CQTT London đã báo cáo lãnh đạo ngành và thông tin tới các đơn vị để phối hợp.
 
Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Tô Anh Dũng không thực hiện được. CQTT quyết định đến trụ sở cảnh sát Essex để trực tin và ghi hình phát tin tại chỗ. Chúng tôi đem theo máy ảnh, máy quay, laptop, máy phát wifi di động để tác nghiệp. Tuy nhiên, do tác nghiệp đồng thời các loại hình thông tin trên cùng một máy tính nên phải đợi khá lâu.
 
Trên đường đi, chúng tôi lại nhận được thông tin đoàn Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Anh đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vào 15 giờ 30 phút cùng ngày, tại Hội đồng Thurrock, cách trụ sở cảnh sát Essex khoảng một tiếng lái xe. Chúng tôi cũng nhận được đề nghị gửi tin, ảnh từ một số đơn vị thông tin trong ngành, chưa kể đồng nghiệp báo ngoài cơ quan được cử sang Anh công tác nhưng do chưa quen địa bàn nên rất muốn được chia sẻ thông tin. Công việc đã bận lại càng bận hơn. 
 
Mặc dù chưa có tin chính thức hay bản dự thảo nào từ phía cảnh sát Essex, tôi cùng các phóng viên Tuấn Anh, Đình Thư đã phác qua nội dung dựa trên những nguồn thông tin tin cậy mà chúng tôi có được, chọn những phần chính dự kiến sẽ có trong nội dung mà cảnh sát Essex công bố. Trong lúc tôi đang biên tập tin thì điện thoại rung lên liên tục. Bao nhiêu thắc mắc về thông tin dồn dập gửi đến trong khi cả ba chúng tôi ngồi trước đồn cảnh sát, căng tai căng mắt chờ vì đã quá giờ dự kiến ra thông báo của cảnh sát Essex.
 
Tôi quyết định đọc tin âm thanh ngay trên xe ô tô. Tuấn Anh thu sẵn hình dẫn hiện trường. Khi có thông báo của cảnh sát, tất cả chúng tôi cùng soát lại lần nữa, thấy đúng tinh thần như tin đã soạn trước nên đã phát về Hà Nội sau đó chừng 3 phút.
 
Dù lần đầu tiên làm Breaking News nhưng phóng viên Đình Thư và Tuấn Anh đã phối hợp nhuần nhuyễn, file âm thanh được chuyển khá nhanh. Nếu không có sự trợ giúp của các đồng nghiệp Vnews và Ban biên tập tin Thế giới thì CQTT London không thể hoàn thành nhiệm vụ trong một thời gian ngắn như vậy.
 
Sau khi xong việc tại trụ sở cảnh sát, chúng tôi vội vàng đến Hội đồng Thurrock để dự lễ tưởng niệm 39 nạn nhân cho kịp giờ. Hơn một tiếng lái xe, tất cả đều đói và mệt, chúng tôi tìm mãi mới thấy một cửa hàng bán đồ ăn nhanh, mua tạm mỗi người một suất để chống đói và tiết kiệm thời gian.
 
Đến nơi, trời chạng vạng tối, tất cả lại lao vào thực hiện nhiệm vụ đã phân công: Người quan sát làm tin, người chụp ảnh, người ghi hình. Lúc đó, một số phóng viên báo Thanh niên, Tuổi trẻ, báo hải ngoại từ Mỹ và cộng đồng người Việt tại Anh cũng đã có mặt.
 
Kịp giờ lên trang nhất báo Việt Nam News ngày 8/11

Sau đó, chúng tôi di chuyển đến chỗ cộng đồng người Việt thắp nến cho các nạn nhân tại Grays, ghi lại một số hình làm tư liệu. Lúc đó khoảng 4 giờ 30 phút, chúng tôi cố gắng gửi nốt ảnh chụp lễ tưởng niệm theo đề nghị của báo Việt Nam News. Một ngày dài trên đường và làm việc liên tục 10 tiếng căng thẳng, dù mệt nhưng chúng tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
 
Một số kinh nghiệm rút ra

* Phát huy sức mạnh tập thể, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các phóng viên trong CQTT là rất quan trọng để thực hiện thông tin đúng và nhanh.

* Đối với những thông tin gấp, sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị ở Tổng xã là vô cùng quý giá đối với phóng viên thường trú ngoài nước.

* Đối với những tin nhạy cảm, thông tin báo cáo tham khảo phải được tiến hành song song với tin phổ biến để Ban lãnh đạo ngành hiểu bản chất của sự việc, vì tin phổ biến không thể đăng tải hết mọi thông tin mà CQTT có được. Nhanh chóng báo cáo xin chỉ đạo của lãnh đạo ngành về định hướng thông tin nếu mình chưa rõ.  

* Chủ động xây dựng các kịch bản và làm trước những gì có thể là điều cần phải tính đến. Quan trọng nữa là phải có tối thiểu hai nguồn thông tin đáng tin cậy để bạn tiếp cận trong lúc cần thiết.

* Nếu thực hiện cả dẫn, cả Breaking News bằng audio, dựng hình, phát ảnh thì nên mang theo hai máy tính.

Diễm Quỳnh (Trưởng CQTT tại London, Vương quốc Anh)
Nội san Thông tấn số 11/2019