Thứ năm, ngày 02/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Ai sẽ tỏa sáng


(04/08/2011 17:56:38)

Trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 vừa qua, có hai nhà báo của TTXVN được rất nhiều phương tiện truyền thông trong nước nhắc tới vì đã đoạt được giải cao nhất của Giải báo chí quốc gia: Giải A ở thể loại tin, bài phản ánh và Giải B (không có giải A) ở thể loại ảnh báo chí.

            Hai gương mặt tỏa sáng đó, một là "lão tướng" Nguyễn Đăng Lâm, Trưởng phân xã kỳ cựu ở Quảng Ngãi và người thứ hai là nữ phóng viên ảnh còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề Phương Hoa, Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí.

            Bình luận về sự kiện trên, nhiều người cho rằng đoạt giải báo chí bên cạnh tài năng còn phải có cơ duyên. Nhưng đa phần dân trong nghề đều nể phục sự xông xáo, sự dấn thân và sự say nghề sâu sắc của hai gương mặt một "già", một trẻ này.

            Nguyễn Đăng Lâm đứng đầu trong tốp phóng viên phân xã hiện nay cùng lúc có thể tác nghiệp đến "n trong 1". Anh luôn có tên trong số những PV phân xã có lượng tin, bài nhiều nhất, đồng thời cũng là tay máy xuất sắc có nhiều tác phẩm ảnh báo chí cung cấp cho Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí. Từ khi TTXVN có thêm báo hình, sau khi được tham gia một khóa bồi dưỡng ngắn hạn của ngành về nghiệp vụ làm truyền hình, vốn đã là dân làm ảnh nên anh tiếp cận rất nhanh. Thời gian gần đây, "Đăng Lâm" đã là cái tên thân quen xuất hiện trên các bản tin của Truyền hình thông tấn. Mải mê đi cơ sở, tiếp cận, quan sát, chắt lọc và đưa tin, chụp ảnh, quay camera, rất ít sự kêu ca hay phàn nàn mà chỉ có làm việc, dốc sức để làm việc... chính là những gì khái quát nhất khi nhắc về anh. Cái chất đôn hậu, dân dã của người miền Trung toát ra từ nội lực của Đăng Lâm. Có lẽ chính cái tâm trong sáng đó đã dẫn dắt anh vươn tới những thành công. Bộ sưu tập giải thưởng anh gặt hái được trong nghề báo khiến chúng ta phải nể phục.

            Còn nữ phóng viên ảnh trẻ trung Phương Hoa lại đầy chất đam mê, pha chút mạo hiểm của tuổi trẻ. 27 tuổi đời, 4 năm tuổi nghề nhưng cô gái mảnh mai này với chiếc máy ảnh trong tay đã "kịp" có mặt ở rất nhiều miền đất nước. Từ những vùng núi cao chót vót nơi cực Bắc Tổ quốc đến các tỉnh miền Trung đầy nắng và gió. Đặc biệt, Phương Hoa là PV lập kỷ lục... hai lần ra tác nghiệp ở Trường Sa. Cũng chính vì cá tính thích tung tẩy nên cô đã "nếm" khá nhiều pha nguy hiểm: Nào bị kẻ gian xông vào cướp máy khi đang tác nghiệp ở cảng cá Nam Định; nào phải đóng vai cán bộ địa chất đang đi thăm dò khoáng sản, lấy áo che máy, lang thang suốt ngày bên bờ dòng sông Pôkô Tây Nguyên để có được phóng sự ảnh phản ánh về tình trạng khai thác, đào đãi vàng trái phép; rồi những cơn say sóng đến mật xanh mật vàng trong những chuyến ra đảo xa... Tất cả những cái đó đã tôi luyện Phương Hoa ngày càng cứng cỏi, vững vàng hơn trong nghề.

            Cả hai nhà báo một "già" một trẻ đó đều có điểm chung nhất, đó là một tấm lòng tâm huyết với nghề. Chỉ có một tấm lòng như vậy mới khiến họ vượt qua bao khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy để đứng vững và yêu nghề, say nghề đến thế.

            Ngẫm nghĩ rộng hơn: Trong cùng một môi trường công tác, cùng làm những công việc như nhau, cùng đối mặt với những thử thách, nhiều lúc là thử thách nghiệt ngã của cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền; cùng chịu áp lực trước tốc độ phát triển chóng mặt của truyền thông, báo chí hiện đại, cùng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một nhà báo TTXVN... vậy thì tại sao nhà báo "già" Đăng Lâm và nữ phóng viên trẻ Phương Hoa lại thực hiện vai trò của mình xuất sắc đến thế? Thiết nghĩ mỗi chúng ta hãy tự suy ngẫm để biết mình sẽ phải làm gì sao cho không bị tụt hậu trong guồng quay của toàn ngành. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, TTXVN đã và đang mở ra nhiều sân chơi mới với rất nhiều cơ hội cho các PV, BTV thể hiện mình. Nếu vài năm về trước, trong một số hội nghị ngành, không ít phóng viên băn khoăn bày tỏ sự lo lắng vì mình thiếu "đất dụng võ", bởi bản tin trong nước hay tờ Tin Tức hoặc Thể thao & Văn hóa... "đất đai có hạn", thì nay tình hình đã khác. Sân chơi rộng mở với rất nhiều loại hình khác nhau, quyền chơi bình đẳng cho mọi nhà báo trong ngành. Chỉ có điều chúng ta sẽ "chơi" ra sao mà thôi và ai sẽ là người tỏa sáng!

Đức Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2011