Học theo Bác, làm theo Bác
Bà Nguyễn Thị Mai - người giữ lửa truyền thống gia đình
(19/01/2009 09:57:30)
Thăm nhà ông Hoàng Tư Trai, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN một ngày đầu năm mới, đón tôi sau cánh cửa gỗ sơn xanh là một cụ bà hiền từ với nụ cười thân tình, hiếu khách. Căn nhà nhỏ giản dị, ngăn nắp và yên tĩnh, thi thoảng vẳng lại tiếng chim lách chách trong lùm cây gần cửa sổ. Gần bảy năm nay, từ ngày ông mất, mặc mọi lời thuyết phục của con trai, con gái, bà Mai vẫn sống ở đây với gia đình chú út. Bà bảo đây là căn nhà kỷ niệm, nơi ông bà đã sống những năm tháng của cuộc đời và nuôi dạy 6 người con trưởng thành. Từ ngày chân tay yếu, bà không đi lại được nhiều, các con thường xuyên ghé về ăn cơm với mẹ và coi sóc nhà cửa. Nhưng nhờ giời, giọng nói bà vẫn trong, vẫn trẻ. Những buổi sáng se lạnh và thanh bình như thế này, bà thường ngồi trầm ngâm trong chiếc ghế xa lông nan kiểu các cụ ngày xưa, run run lật giở từng kỷ vật gia đình: Những tấm bưu thiếp từ thời son trẻ, những tấm hình chụp chung với đồng nghiệp cơ quan. Bà nguyên là Phó phòng Hành chính Việt Nam Thông tấn xã, vẫn nhớ từng người, từng câu chuyện buồn vui của những tháng năm công tác gian khó, bùi ngùi khi nhắc đến những người đã ra đi, những ai còn ở lại..
Bàn tay bà dừng lại thật lâu bên trang an bum gia đình chụp hình ông bên chậu hoa đỗ quyên rực rỡ. Mùa xuân năm đó ông 82 tuổi, đã yếu và thường ở trên gác yên tĩnh đọc sách, nhưng hôm ấy ông đòi xuống để con cháu chụp cho tấm hình bên chậu hoa. Sau đó không lâu, ông đột ngột về trời trong một cơn đau tim. Gần 7 năm rồi, đỗ quyên không trổ hoa như thế nữa, còn bà thì vẫn thế, ngày ngày sống với các ký ức của cuộc đời...
Đó là những năm 1965, Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, bà công tác tại phòng Hành chính, còn ông phụ trách khối hậu cần, đảm nhiệm khâu kiến thiết cơ bản, lo xây dựng cơ sở vật chất cho cơ quan nên bận rộn lắm. Ông đi vắng thường xuyên, tìm tới tận lò gạch Quất Lưu (Vĩnh Phúc) phục mua từng mẻ gạch loại I, đến tận trường dạy nghề "xin" hẳn mấy khoá thợ xây. Ông ngày đêm lăn lộn trên đất Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hoà Bình, gõ cửa mọi cấp, mọi ngành, vật lộn với vật tư, tiền của, sức lao động để san đất làm nhà. Sau hai năm, trụ sở chính VNTTX gồm hai dãy nhà năm tầng khang trang có sân, có chỗ để xe ở giữa được hình thành tại số 5 Lý Thường Kiệt. Tiếp đó ông xin đất, lên kế hoạch lấp đầm lầy, xây nhà tập thể cho cán bộ, công nhân viên tại Mai Hương, Thọ Lão, rồi xây dựng tiếp các toà nhà tại số 8, 18, 20 Trần Hưng Đạo.
Bà nhớ mãi lần ông lo xây dựng khu dự phòng cho cơ quan trên T6 (Hà Tây cũ). Bom Mỹ đánh phá ác liệt, nguyên vật liệu khan hiếm phải lo chạy vạy chở từng xe. Ông không nói gì, cứ lặng lẽ lo toan, nhưng sau ba hôm đi, khi trở về nhà, mái tóc tự nhiên bạc trắng. Thương ông thắt lòng, không muốn ông thêm nỗi lo nào nữa, một tay bà thu vén quán xuyến nhà cửa. Lúc đó bà là Phó phòng Hành chính phụ trách văn thư, nhà trẻ. Sau giờ làm việc, tối về bà lại thay ông bảo ban các con học hành. Bà bảo cảnh gia đình lúc đó như một tiểu đội, tất cả thực hành theo quân lệnh, người nào việc nấy: nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa... nếu ai bận thì phải bàn giao lại cho người khác. Được cái từ nhỏ sáu anh chị em đều chăm ngoan, tự giác nhắc nhở nhau để cha mẹ yên tâm công tác.
Ông bà sum vầy cùng gia đình, con cháu |
Bà cười, nhớ lại một cái "tật" của ông khi còn công tác: Bận cả năm đã đành, mấy ngày Tết ông cũng đi biền biệt. Năm nào cũng thế, từ 23 tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo chầu trời, ông đến nhà anh chị em phóng viên, cán bộ trong khu tập thể để thăm hỏi và chúc Tết, không sót một ai. Quen rồi, nên bà và đàn con cứ người nào việc nấy lo sắm tết và lo cả tiếp khách thay ông.
Ông thì "trăm sự nhờ bà", còn bà lại mượn gương ông để dạy con cái noi theo... Cứ thế ông bà đi qua thời gian khó, hoàn thành tốt công việc cơ quan và nuôi dạy con cái nên người. 24 năm làm Bí thư Đảng ủy, 32 năm giữ cương vị Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập và Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Tổng Biên tập VNTTX rồi TTXVN, ông đã để lại cho con cháu tấm gương về ý thức nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Bà dừng lại thật lâu bên tấm hình đại gia đình chụp ngày đầu tiên một năm mới, đó cũng là ngày sinh nhật ông. Bức hình chụp khi ông bà đã ngoài 80 tuổi, viên mãn bên con cháu. Sáu đứa con "trứng gà, trứng vịt" của ông bà giờ đây đã trưởng thành. Đây là anh trai cả, Hoàng Thụy Giang, Phó trưởng thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đã đi theo ông vì bạo bệnh. Đây là anh hai, Hoàng Văn Phong, mới ngày nào chuyển về Hà Nội còn giúp mẹ quét lá sấu về đun, nghỉ hè còn theo bố, theo anh lên T6 bốc vôi đến loét hai bàn tay, giờ là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Đây là cô con gái thứ ba, thứ tư, đều nối nghiệp cha mẹ công tác tại TTXVN. Cô Hoàng Minh Nguyệt thứ năm cũng là dân báo chí, nay là Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam và chú út Hoàng Mạnh Tuấn hiện đang là một Vụ phó ở Bộ Tài chính. Hai cháu nội, ngoại của ông bà cũng đầu quân vào Thông tấn... Giờ đây, khi bước sang tuổi 86, điều bà yên tâm nhất là đã hoàn thành cuốn an bum gia đình để lại cho con cháu. Đó là những thước phim quay chậm của ông bà những ngày công tác, là hình ảnh từng thành viên gia đình từ thủa ấu thơ đến lúc trưởng thành. Những lúc sum vầy, mẹ con, bà cháu vẫn hỏi thăm nhau chuyện xưa, chuyện nay của cơ quan để tiếp thêm động lực phấn đấu cho con cháu. Ở thế giới bên kia, hẳn ông yên tâm lắm khi người bạn đời - người giữ lửa trong ngôi nhà vẫn hàng ngày vun đắp bề dày truyền thống cho con cháu noi theo.
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động (16/01/2009 08:43:22)
Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về tự học (03/12/2008 12:26:28)
Học tập tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" trong công tác bồi dưỡng cán bộ (03/12/2008 12:22:18)
Thấm lời Bác dạy:
Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? (07/10/2008 09:59:01)
Tin người tốt, việc tốt (07/10/2008 09:38:34)
Nhớ ông nghiệp vụ thương binh ấy (01/08/2008 10:54:28)
Cán bộ VNA8 học tập Bác Cần, Kiệm, Liêm, Chính (01/08/2008 10:00:53)
Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh - Điều không thể thiếu đối với mỗi phóng viên (01/08/2008 09:59:41)
Học Bác Hồ viết giải dị "cho dân dễ hiểu, dễ làm theo" (02/06/2008 10:14:43)
Thương nhớ Lam Thanh (02/06/2008 09:56:41)