Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về tự học


(03/12/2008 12:26:28)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho việc xây dựng nền giáo dục mới, khoa học, dân tộc và đại chúng. Theo Người, giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người mới phát triển toàn diện, vì vậy phải giáo dục trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống; nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội; học đi đôi với hành và gắn với lao động sản xuất. Để trở thành những công dân có tài, có đức, có ích cho xã hội thì ngoài sự giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội, đòi hỏi mỗi người phải tự giáo dục, tự học, tự rèn luyện để hoàn thiện mình.

Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất đúng đắn, thiết thực và hiệu quả đối với người học để tiến hành tự học, xuất phát từ tư duy, lý tưởng và những kinh nghiệm phong phú, có ý nghĩa sâu sắc của Người trong quá trình tự học bền bỉ và sáng tạo. Chúng ta có thể rút ra một số luận điểm sau:

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hoá của bà con lao động ở khu Lương Yên, Hà Nội (27/3/1956). (Ảnh: Tư liệu).

1. Trong việc tự học, điều quan trọng hàng đầu là xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn

Chúng ta biết tư duy, nhận thức của Hồ Chí Minh trong việc chỉ đạo mọi hoạt động cách mạng từ học tập, nghiên cứu, sáng tạo và hoạt động thực tiễn là trước hết phải trả lời câu hỏi: "Để làm gì?" và câu trả lời của Người là để phụng sự Tổ quốc, nhân dân; là để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người một cách triệt để. Hồ Chí Minh cũng nhận thức đúng đắn rằng trong bất kỳ một hoạt động nào, trong đó có hoạt động học tập, việc trước tiên cần xác định mục đích, động cơ hoạt động, góp phần định hướng đúng đắn và quyết định hiệu quả hoạt động.

Từ nhận thức đó, đối với hoạt động học tập, tự học, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: "Học để làm gì - học để sửa chữa tư tưởng... - học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... - học để tin tưởng... - học để hành". Trong lưu bút ghi ở trang đầu cuốn sổ vàng ở trường Nguyễn Ái Quốc tháng 9 năm 1949, Người đã xác định rõ hơn mục đích học tập: "Học để làm việc - Làm người - Làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể - Phụng sự giai cấp công nhân và nhân dân - Phụng sự giai cấp và nhân loại".

Hồ Chí Minh luôn thấy rõ vai trò của việc học tập đối với mọi người cách mạng: "Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì phải học, còn phải hoạt động cách mạng". Người cho đây là một bắt buộc đối với người cách mạng, là cách tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, của sản xuất. Theo Người, muốn học suốt đời thì phải tự học. Khi chỉ thị về cách học trong việc huấn luyện cán bộ, Người đã nói: "Lấy tự học làm cốt, có thảo luận và chỉ đạo giúp vào".

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tự học. Người tự học với ý nguyện cao cả là tìm con đường đấu tranh cứu nước, cứu dân, làm cho Tổ quốc được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng được hạnh phúc. Theo quan niệm của Người, việc xác định động cơ học tập không chỉ là vấn đề của học tập, mà đó là vấn đề đạo đức, là nhân cách của người học. Đây chính là vấn đề quyết định hiệu quả của việc tự học.

2. Phải tự mình lao động để tạo điều kiện cho việc tự học suốt đời

Quá trình tự học của Hồ Chí Minh luôn gắn với quá trình lao động của Người. Chính lao động đã tạo điều kiện để học tốt. Những tháng ngày Người sống và hoạt động ở Pháp, ở Anh và nhiều nước khác trên thế giới không chỉ là những ngày tháng học tập và đấu tranh bền bỉ, kiên trì, đầy nguy hiểm mà còn là những ngày tháng lao động gian nan để kiếm sống, kiếm sống để tự học, tự học để làm cách mạng. Bác không nề hà bất cứ việc gì, từ bồi bếp trên tàu đến giúp việc cho một nhà hàng ăn, phục vụ trong một khách sạn, quét tuyết; từ làm ảnh đến làm báo. Lao động đối với Người vừa tạo điều kiện về vật chất cho việc tiến hành học tập, đồng thời quá trình lao động đưa lại cho Người những tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và vốn sống phong phú.

Nhờ sự tự lao động để kiếm sống và tự học với sự kiên trì và nghị lực phi thường, Hồ Chí Minh đã trang bị cho mình vốn trí tuệ uyên bác, sâu sắc, vốn văn hoá phong phú. Cũng nhờ quá trình tự học gắn với lao động, hoạt động cùng với giai cấp công nhân thế giới và quá trình hoạt động cách mạng, Người đã tìm đến được chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu học thuyết khoa học, cách mạng, chân chính của giai cấp vô sản, trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên cường đấu tranh cho chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc và lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành sự nghiệp cách mạng giành những thắng lợi vẻ vang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội (31/12/1958). (Ảnh: Tư liệu).

3. Muốn tự học thành công phải có kế hoạch sắp xếp thời gian học tập, phải bền bỉ, kiên trì thực hiện kế hoạch đến cùng, không lùi bước trước mọi trở ngại

Tấm gương tự học của Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương về tinh thần bền bỉ, khổ công và nhẫn nại với kết quả thu nhận được rất vượt bậc, nhiều người khó có thể sánh kịp. Những người cùng hoạt động với Người ở Thái Lan kể lại rằng: "Trước khi đọc hay dịch một cuốn sách, Ông đếm số chương và số trang và đặt chương trình, mỗi ngày đọc hay dịch mấy tờ. Ông không bao giờ chịu sai chương trình. Nếu gặp việc đột xuất như có kiều bào đến nói chuyện chẳng hạn, thì trong ngày ấy, Thầu Chín cũng kiếm giờ khác bù vào, không chịu để vỡ kế hoạch".

Từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, Người đã khuyên những cán bộ cách mạng "phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, chủ động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào trong việc học tập".

4. Phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học

Trong quá trình tự học, Hồ Chí Minh không những triệt để tận dụng những tổ chức, những hoạt động, những phương tiện sẵn có như thư viện, viện bảo tàng, câu lạc bộ, sách báo, các buổi nói chuyện, các hội thảo, hội họp v.v... mà còn tự mình tạo ra những hình thức học tập mới, sinh động và bổ ích như: tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ dẫn, chỉ bảo của người khác, học trong khi đi du lịch, tham quan, học trong khi đi giao thiệp, trong khi thực hiện công tác vận động quần chúng. Người gọi đây là "học trong nhân dân" và coi đây là trường học thực tế sinh động, là nơi để "hành" những điều đã học. Người chỉ rõ: "Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân, không học ở nhân dân là một thiếu sót rất lớn". Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã học ở nhân dân lao động rất nhiều. Đến một nước mới, bao giờ Người cũng lập kế hoạch, dành thời gian học ngôn ngữ và cả lịch sử, văn hoá của nước đó. Vì vậy, Người thông thạo hàng chục thứ tiếng, am hiểu tinh tường về lịch sử và văn hoá của nhiều nước thuộc nhiều châu lục khác nhau.

5. Học đến đâu, ra sức luyện tập, thực hành đến đó

Đây là một nguyên tắc Hồ Chí Minh đặt ra không chỉ cho việc tự học mà cho quá trình học nói chung. Trong việc học ngoại ngữ, học được chữ nào, Người tìm cách ghép câu ngay. Người còn chịu khó đi dự mít tinh, tọa đàm, du lịch để qua đó, vừa làm phong phú vốn từ mới của mình, vừa có điều kiện để vận dụng những từ đã học. Sau này, khi học tiếng Ý, tiếng Anh cũng vậy. Người không chỉ học tiếng nước ngoài để dùng trong giao tiếp, trong sinh hoạt hàng ngày mà quan trọng hơn, Người dùng nó làm phương tiện để viết sách báo tuyên truyền cách mạng. Động cơ đó luôn thúc đẩy Người ra sức học tập có hiệu quả tốt hơn.

Những lời chỉ dẫn quý báu và những bài học sâu sắc rút ra từ tư tưởng và tấm gương tự học của Hồ Chí Minh được đề cập trên đây đến nay vẫn mang tính thời sự, có ý nghĩa về cả lý luận và thực tiễn. Trong xu thế toàn cầu hoá gắn với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin; trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay thì vấn đề tự học, tự đào tạo đang trở thành một yêu cầu cấp bách và tất yếu đối với mỗi người Việt Nam, nhất là những người làm việc trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Đối với đội ngũ nhà báo, phóng viên - những người làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, việc tự học, tự đào tạo càng đặc biệt quan trọng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải xác định đúng mục đích, động cơ, hình thành ý thức, thói quen học tập và tìm ra cho mình nhiều phương pháp, cách thức tự học hợp lý, hiệu quả. Điều đó mới đáp ứng được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đáp ứng được nhu cầu đọc, xem, nghe, nhìn ngày càng tăng, ngày càng cao của mỗi người dân Việt Nam.

ThS. Trần Nguyên Hào
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008