Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Cần có "chiếc áo mới" cho phân xã


(22/11/2011 15:03:16)

Trong nhiều hội nghị bàn về công tác thông tin và công tác quản lý phân xã khu vực miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức tại Đà Nẵng gần đây, tôi đã phát biểu và có những kiến nghị về việc cần nâng tầm vị thế cho phân xã địa phương.

Trưởng phân xã Bình Định Nguyễn Viết Ý (bên trái) nhận hoa chúc mừng của đ/c Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2011

Do vị thế và tầm quan trọng của hệ thống phân xã trong nước, nhất là từ khi phân xã không chỉ làm công tác thông tin thuần túy mà nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Đó là, ngoài việc thực hiện công tác thông tin cho Ban biên tập tin Trong nước, phân xã còn chụp phát ảnh thời sự cho Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí; làm công tác phát hành các ấn phẩm báo chí của ngành trên địa bàn và là đầu mối quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa TTXVN với lãnh đạo địa phương. Đặc biệt, gần một năm nay, các phân xã trong và ngoài nước còn đảm đương thêm thông tin truyền hình cho kênh Truyền hình Thông tấn.

            Từ thực tế đã làm công tác quản lý phân xã nhiều năm đến nay, theo tôi "chiếc áo" của hệ thống phân xã không còn phù hợp nữa, cần phải thay "chiếc áo mới" cho phù hợp với vị trí, quyền hạn, cũng như chức năng nhiệm vụ của TTXVN, nhất là khi toàn ngành đang tiếp tục thực hiện quyết định 1441/TTg, ngày 15/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về "Nâng cao vị thế và nhiệm vụ của TTXVN trong tình hình mới". Vậy, một câu hỏi được đặt ra là phải làm gì để thay đổi "chiếc áo" cũ ấy?

            Thứ nhất, theo tôi, chúng ta phải bắt đầu từ việc đặt lại tên gọi (hay phiên hiệu) cho phân xã. Từ trước đến nay, những đóng góp của hệ thống phân xã trong và ngoài nước cho sự phát triển của TTXVN là điều không thể bàn cãi. Nhưng có một thực tế là tên gọi "phân xã" và chức danh "Trưởng phân xã" khi đi giao tiếp không chỉ người dân địa phương mà cả cán bộ lãnh đạo các cấp cũng ít ai hiểu. Thậm chí, có cán bộ tỉnh nói vui: "Các anh là chậm tiến bộ đấy nhé, chỉ suốt đời làm ở xã, không bao giờ lên huyện được". Còn chức danh Trưởng Phân xã cũng bị trêu chọc đôi khi làm cho mình khó chịu: "Trưởng phân- phân trưởng...". Tôi còn được nghe một câu chuyện vui là ở một tỉnh nọ, từ sáng sớm, một số nông dân đến gõ cửa trụ sở phân xã và hồn nhiên hỏi ở đây có bán phân không!

            Ở đây không phải là những chuyện vui, buồn nữa mà đến lúc nên đổi tên mới cho phân xã là: Trung tâm thông tin TTXVN tại tỉnh A, B... Theo đó, chức danh cũng được thay đổi từ Trưởng phân xã sang Giám đốc Trung tâm là phù hợp nhất (cấp ngành có các chức danh Tổng và các Phó Tổng Giám đốc, thì cấp dưới là Giám đốc sẽ phù hợp hơn). Mặt khác, trong nhiều năm qua, ngành đã có Đề án xây dựng các trung tâm thông tin TTXVN tại các tỉnh, thành phố và đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Do vậy, trên thực tế cụm từ này đã trở nên quen thuộc. Đổi tên thành Trung tâm thông tin sẽ có nhiều cái lợi: Cái lợi nhất là tăng sự hiểu biết của cơ sở về TTXVN; phù hợp với chức năng nhiệm vụ và vị trí hiện có; đồng thời phụ cấp trách nhiệm của giám đốc và các phó giám đốc trung tâm cũng được nâng lên (vì hiện nay có những trung tâm ở địa phương trực thuộc UBND tỉnh như trung tâm công báo, trung tâm lưu trữ; thậm chí trực thuộc cấp sở (tương đương cấp Ban của ta) như Trung tâm xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, Trung tâm thể thao và khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư... phụ cấp chức vụ của giám đốc là 0,8 và phó là 0,6). Trong khi đó, các trưởng phân xã hiện nay, tuy trực thuộc Tổng Giám đốc (trực thuộc cấp tương đương bộ) nhưng có lẽ cũng chỉ vì tên gọi, mà chỉ được hưởng phụ cấp trách nhiệm là 0,5, tức là chỉ bằng cấp trưởng phòng thuộc UBND tỉnh. Đó là một thiệt thòi lớn không chỉ cho cán bộ của chúng ta mà phần nào vị thế và uy tín tại địa phương cũng bị ảnh hưởng (chưa kể những phân xã mối quan hệ với lãnh đạo địa phương còn ở chừng mực nhất định).

            Thứ hai, hiện nay trụ sở làm việc của phân xã hầu hết được đầu tư xây dựng mới, hoặc đã được nâng cấp và vị trí thường được đặt tại trung tâm tỉnh lị hoặc trung tâm thành phố (được xem là những mảnh đất vàng). Nếu chúng ta đổi tên và tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với chức năng của một Trung tâm thông tin thì các đơn vị cơ sở sẽ đủ các điều kiện để phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực tổ chức kinh doanh, hoặc liên doanh liên kết theo qui định của pháp luật. Khi đó, chúng ta vừa phát huy được vị thế của TTXVN trong tình hình mới vừa có thể giải được bài toán trăn trở lâu nay "ngồi trên đống vàng mà vẫn chịu khổ".

            Thứ ba, khi thành lập Trung tâm thông tin tại các địa phương thì vấn đề tuyển chọn cán bộ và phóng viên có kinh nghiệm, sức khoẻ cũng rất cần được quan tâm. Được biết, nhiều cơ quan báo chí Trung ương đã thu hút chất xám từ phóng viên giỏi của báo chí địa phương. Cái lợi là họ đã có kinh nghiệm và không phải đào tạo, khi nhận vào là phát huy được ngay. Còn nếu tuyển dụng mới, chúng ta nên tổ chức thi tuyển ở Tổng xã và nên ưu tiên hàng đầu cho những sinh viên thuộc các ngành báo chí. Ngành ta vừa qua cũng đã tiếp nhận một số phóng viên ở báo tỉnh (như phân xã Phú Yên) thấy phát huy rất tốt. Một vấn đề nảy sinh hiện nay là khi đưa công tác thi tuyển phóng viên về các đơn vị và Cơ quan đại diện thì những đơn vị có nhu cầu cán bộ không được tham gia tuyển dụng. Đây là một việc làm rất khác so với các nơi. Ví dụ, các Trung tâm và đơn vị ở tỉnh có nhu cầu cán bộ viên chức thì lãnh đạo đơn vị ấy được xem xét tuyển người cho đơn vị mình, trên cơ sở thực hiện chỉ tiêu cấp trên giao. Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của trưởng phân xã và tránh được tâm trạng chưa thật thoải mái là: Cấp trên cứ tuyển dụng, còn năng lực phóng viên ra sao, có làm được hay không thì phó mặc phân xã và như thế phân xã chẳng có một chút quyền hành nào! Chính vì vậy đã có rất nhiều ý kiến... than thở của các trưởng phân xã khi nói về công tác quản lý phân xã: "Trưởng xã chỉ là quyền rơm, vạ đá mà thôi". Vì vậy, có lẽ việc chọn người nên để cho phân xã xem xét, lựa chọn và đề xuất, còn quyết định nhận hay không là do cấp trên. Nếu chúng ta làm được điều này, từng bước tạo được sự công bằng không chỉ cho việc giao trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và cả việc giao người giao việc cho cơ sở. Mặt khác, về biên chế, một trung tâm thông tin tại địa phương (tuỳ thuộc vào địa bàn) có ít nhất là ba phóng viên và nhiều nhất có thể lên đến 5-6 người. Có vậy mới đảm đương được khối lượng công việc vừa làm tin, ảnh, truyền hình và phát hành.

Nguyễn Viết Ý (Trưởng phân xã Bình Định)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2011