Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Xây dựng phân xã toàn diện: Cần có con người, tổ chức và cơ chế chính sách phù hợp


(22/11/2011 14:54:08)

Trước hết, tôi hoan nghênh Nội san Thông tấn tổ chức diễn đàn "Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã". Đây là ý tưởng đúng đắn, thiết thực, có ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi cơ quan ta đang trong bước phát triển đi lên, trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh.

Phóng viên các phân xã phía Nam học nghiệp vụ truyền hình

            Hệ thống phân xã là một thế mạnh tuyệt đối của các hãng thông tấn nói chung và của TTXVN nói riêng, mà bất cứ cơ quan báo chí nào cũng không thể có được. Nhờ mạng lưới rộng khắp và đội ngũ phóng viên có năng lực, phẩm chất tốt, năng động, nhiệt tình, TTXVN đã thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước. Thông tin của TTXVN cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan quản lý nhà nước và phục vụ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, luôn đảm bảo đúng định hướng, phong phú, kịp thời và chính xác, là nguồn thông tin chủ lưu, đáng tin cậy.

            Vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng và những đóng góp to lớn của hệ thống phân xã trong toàn bộ hoạt động của TTXVN là vấn đề đã được khẳng định, không thể tranh cãi.

            Để trả lời câu hỏi diễn đàn đặt ra làm thế nào "Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã", tôi xin trao đổi một số nội dung liên quan đến hệ thống phân xã trong nước, nơi tôi đã gắn bó, làm việc nhiều năm và có những hiểu biết nhất định. Theo ý kiến cá nhân của tôi, để phát huy vai trò, lợi thế của mạng lưới phân xã trong nước (PXTN) cần quan tâm một số vấn đề sau:

Các phóng viên PX cần được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phục vụ yêu cầu công tác; đồng thời, được đào tạo, bồi dưỡng để làm thành thạo các thể loại tin, ảnh, truyền hình; đủ sức tác nghiệp cá nhân hoặc hỗ trợ nhau thông tin kịp thời trong các tình huống, sự kiện đột xuất xảy ra trên địa bàn hay khu vực.

            Một là nói đến nâng tầm vị thế của phân xã (PX) phải hiểu một cách đúng đắn là: Yếu tố để nâng tầm PX là việc nâng cao khả năng cạnh tranh chất lượng và hiệu quả của thông tin. Nó tuyệt nhiên không phải là qui mô của PX to hay nhỏ, số người của PX nhiều hay ít. Sản phẩm thông tin là do con người làm ra. Theo lôgic đó, con người là yếu tố đầu tiên, là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng công việc và vị thế của PX. Hoạt động của các PX phía Nam thời gian qua cho thấy, nơi nào trưởng phân xã gương mẫu, hăng hái, nhiệt tình trong công tác, thể hiện rõ vai trò là phóng viên số một; đồng thời, biết tập hợp, đoàn kết anh chị em, thì PX đó hoạt động nghiệp vụ tốt và xây dựng nội bộ vững mạnh. Vì vậy, nói đến việc xây dựng PX thì việc đầu tiên cần chú trọng tuyển chọn, đào tạo và bổ nhiệm người đứng đầu PX có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là trưởng phân xã quyết định tất cả, chất lượng sản phẩm thông tin, hiệu quả và tính cạnh tranh thông tin còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ phóng viên phân xã. Trong bối cảnh hiện nay, TTXVN đang hướng tới trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia đa phương tiện. Đặc biệt, với sự ra đời của tờ báo điện tử VietnamPlus và kênh Truyền hình Thông tấn, cùng với sự cạnh tranh thông tin ngày càng quyết liệt, thì vai trò và những đòi hỏi đối với thông tin của các PX ngày càng cao.

            Trong một năm qua, phóng viên PX không chỉ làm tin truyền thống để đảm bảo thực hiện chức năng thông tấn nhà nước, mà còn đóng góp rất nhiều thông tin cho kênh Truyền hình Thông tấn, các báo và các ấn phẩm khác của ngành, được dư luận đánh giá cao. Ở khu vực B2, qua tổng kết một năm hoạt động của kênh Truyền hình Thông tấn, 13 phân xã được cấp máy thì 5 phân xã được đánh giá là có đóng góp tích cực. Trung bình, mỗi phân xã làm bình quân từ 10 đến 15 tin truyền hình một tháng. Điều đó nói lên một điều là: chúng ta có một đội ngũ phóng viên PX có trình độ và say mê nghề nghiệp. Nếu được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và chỉ đạo sâu sát, có chính sách động viên hợp lý sẽ phát huy tốt năng lực của anh chị em.

            Tuy nhiên, ở các phân xã, sự nỗ lực chưa đều, một số phóng viên còn thiếu tự giác, ngại đi cơ sở, chưa thực sự đầu tư, tìm tòi phát hiện chủ đề, cũng như đổi mới cách thể hiện. Một số ít còn có biểu hiện làm tin theo kiểu đối phó, chạy theo số lượng. Cá biệt vẫn có trường hợp "đạo tin" trên mạng. Do vậy, trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại trên, cần quan tâm đến công tác tuyển chọn phóng viên PX sao cho có được những phóng viên có năng lực, có phẩm chất, say mê nghề nghiệp, đi đôi với công tác đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.

            Bên cạnh yếu tố con người, để PX phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, về cơ cấu tổ chức, số lượng phóng viên của PX cũng cần bố trí phù hợp với từng địa bàn, theo yêu cầu của công tác thông tin. Theo ý kiến cá nhân của tôi thì hai PX cần bố trí lực lượng phóng viên đông, đủ mạnh là: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mỗi PX ở hai địa bàn trọng điểm này nên có ít nhất là 10 phóng viên. Một số PX ở các địa bàn quan trọng khác như Đà Nẵng, Cần Thơ có ít nhất là 4 phóng viên. Các PX còn lại bố trí 3 phóng viên.

            Hai là để phát huy lợi thế của hệ thống PXTN, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thông tin, cần cải tiến và tăng cường sự chỉ đạo của ngành, các ban biên tập và các cơ quan đại diện. Ngoài chỉ đạo thông tin các sự kiện thời sự, cần có các tuyến tin đi sâu, tuyến tin chuyên đề phản ánh những vấn đề nổi cộm, bức xúc, đang được xã hội quan tâm và các tuyến tin, bài phản hồi về việc các chính sách, các chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống. Làm tốt vấn đề này có nghĩa là thông tin của chúng ta góp phần vào việc thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội và phục vụ thiết thực cho sự quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm nâng cao trách nhiệm và chất lượng công tác biên tập, để mỗi sản phẩm thông tin có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Như vậy, thông tin của TTXVN sẽ làm tốt vai trò là kênh thông tin chủ lưu, thông tin định hướng và cũng có nghĩa là vị thế của thông tin thông tấn, trong đó có PX được nâng lên.

            Ba là quan tâm đến chính sách, chế độ, nâng cao thu nhập cho phóng viên. Đây cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng để tạo động lực, khuyến khích phóng viên PX gắn bó với công tác chuyên môn, hăng hái, tích cực đi cơ sở, tìm tòi phát hiện chủ đề, cải tiến kỹ năng thể hiện, nâng cao chất lượng thông tin. Đòi hỏi cấp bách trước mắt hiện nay là ngành sớm hoàn thiện quy chế định mức sản phẩm thông tin theo hướng phát huy mặt tích cực của công cụ quản lý này, tạo điều kiện cho phóng viên có cơ hội đóng góp cho tất cả các sản phẩm của ngành. 
            Việc chi trả thù lao, nhuận bút cho các sản phẩm thông tin của phóng viên PX phải theo nguyên tắc làm thêm sản phẩm nào được nhận thêm nhuận bút của sản phẩm đó, xứng đáng với chất lượng sản phẩm và công sức của phóng viên bỏ ra. Phải tạo điều kiện để phóng viên sống được bằng nghề, thu nhập một cách chính đáng, hợp pháp. Làm tốt điều này sẽ xóa đi được những việc làm luẩn quẩn không đẹp trước đây như: kê khống ngày đi công tác, trụ sở phân xã cho thuê mướn nhếch nhác... Tuy nhiên, cũng phải có chế tài đối với những trường hợp chất lượng công việc thấp, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thông tin chậm hoặc bỏ sót thông tin...

Phạm Nhật Nam (P. Giám đốc CQĐD TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2011