Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Trao đổi với phân xã nước ngoài:

Nhanh lên chứ, đừng "túc tắc" vậy chứ...


(11/10/2011 08:35:56)

Tôi chưa từng đi thường trú ở phân xã nước ngoài bao giờ, vì thế khi được đề nghị viết bài cho chuyên mục "Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã" trên Nội san Thông tấn, tôi không khỏi e ngại một khả năng rất dễ xảy ra, kiểu như "ông biết gì mà đòi ý kiến," hoặc "ông có giỏi thì sang mà làm."

Nhà báo Đinh Việt Tú, PX Giacácta (Inđônêxia) dẫn hiện trường tại một hội nghị quốc tế ở Bali

Thực tế, tôi cũng không định nói đến những vấn đề mình không biết, và cũng không ở vào vị thế để yêu cầu phân xã phải làm gì. Tôi chỉ muốn nêu trăn trở của mình về việc làm thế nào phân xã có thể nâng cao vị thế của TTXVN tại địa bàn, cung cấp những loại tin bài mà độc giả trong nước thực sự quan tâm, và đi xa hơn là hỗ trợ được các chiến lược phát triển kinh doanh của ngành.

            Ở vị trí quản lý các đơn vị thông tin trong thời gian khá dài, tôi có cơ hội tiếp nhận tin bài của phân xã nước ngoài và trực tiếp trao đổi về vấn đề thông tin khi có sự kiện. Trong những lần đi công tác và tiếp xúc với phân xã, tôi cũng nhận thấy có nhiều lĩnh vực đang còn bị bỏ ngỏ - có thể vì phân xã không được chỉ đạo lưu tâm đến vấn đề đó, có thể vì anh chị em phóng viên thường trú không có thời gian, hoặc có thể đơn giản là họ không biết. Trong câu chuyện, tôi thường nói với phóng viên phân xã nước ngoài rằng có hai vấn đề muốn chia sẻ theo suy nghĩ của tôi: thứ nhất, đồng ý rằng nhiệm vụ chính của phóng viên là viết tin, nhưng quan trọng là viết về vấn đề gì; thứ hai, vai trò của phóng viên thường trú nước ngoài không chỉ để làm tin.

 

            1. Viết tin về vấn đề gì?

            Phải thừa nhận và "thông cảm" với những phân xã ở vị trí trung tâm, nhiều đoàn trong nước qua công tác, chỉ đi theo các đoàn này để đưa tin đã đủ "oải." Đó là chưa kể các hoạt động tại chỗ, nhiều khi phải đưa tin để lấy... quan hệ với các cơ quan ngoại giao Việt Nam. Kết quả là phân xã phải sản xuất đủ loại tin bài mà có lẽ bản thân các phóng viên không thích: nào là hội chợ từ thiện, các cuộc gặp mang tính xã giao, nào là thi đấu bóng đá, golf, quần vợt...

            Nhưng ngay cả những tin tức quan trọng như đoàn này đoàn nọ sang công tác thì cái văn phong báo chí mà chúng ta duy trì mấy thập kỷ nay quả thực là không thể chấp nhận nổi trong thời buổi điện tử đòi hỏi "nói nhanh, nói ngắn gọn" như hiện nay. Hậu quả là chúng ta vẫn đưa tin để phục vụ người được đưa tin chứ không phải phục vụ độc giả. Nếu tiếp tục đặt trọng tâm công tác vào loại tin này và kiểu đưa tin này thì chắc không bao giờ TTXVN cạnh tranh nổi và đương nhiên là đừng nghĩ đến chuyện trở thành ngân hàng thông tin theo đúng nghĩa. Song quan điểm của tôi không phải là không làm những loại tin bài kể trên (vì khó tránh được) mà là tăng cường những nội dung mà độc giả thực sự cần.

            Trước khi các phóng viên phân xã lên đường đều có cuộc gặp với các báo để trao đổi và nắm bắt nhu cầu. Tại những cuộc gặp này, đề nghị nào của tòa soạn đưa ra về các chủ đề quan tâm cũng được phóng viên nhất trí cả hai tay. Nhưng khi họ đã qua bên "xứ người" rồi thì tỷ lệ làm đúng với cái sự "gật gù" ở nhà là rất thấp. Tôi cũng không hiểu tại sao việc viết đúng nhu cầu độc giả - vừa dễ đăng tải để có điểm định mức, vừa dễ nâng danh tiếng của phóng viên - mà lại ít được quan tâm đến thế!

            Tôi cũng không hiểu sao nhiều phóng viên ở nước ngoài thích dịch bài tham khảo hơn là làm tin phổ biến. Việc đó hãy để cho các "thợ dịch" làm. Trong một số cuộc họp ban chỉ đạo phân xã nước ngoài, tôi có đề xuất rằng trừ những ngôn ngữ đặc biệt như tiếng Arập, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Khmer... mà ở các đơn vị trong nước không nhiều người biết, tất cả các loại tin văn bản bằng ngôn ngữ phổ thông như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga... thì phải gửi về trong nước xử lý, nếu phân xã lọt tin thì phạt mà dịch tin loại này cũng không được tính điểm. Có như thế mới giảm tình trạng dịch nhiều mà tính sử dụng để quảng bá lại thấp.

Phóng viên phân xã thường trú là phải đi viết bài, viết những gì mà phóng viên ở trong nước có muốn cũng không thể làm được vì không chứng kiến tận mắt. Chủ đề có khó không? Có thể viết về bất cứ chuyện gì - từ chuyện đời sống hàng ngày, cái hay cái lạ, cho đến những truyền thống độc đáo, chuyện gì mà phóng viên thấy lạ, thấy thú vị khi gặp thì nên viết bởi suy nghĩ của họ chính là suy nghĩ của độc giả trong nước.

            Một điều khác cần phải nêu là sự phản ứng của phóng viên khi xảy ra những vấn đề thời sự quan trọng. Có một thời gian thế giới dường như khá yên bình, nhưng chục năm trở lại đây thì biến động liên tục, không chừa nơi nào trên thế giới - từ những nước nghèo nàn đến nước đang phát triển, từ nước châu Á, châu Phi đến những nước châu Âu-Mỹ. Có khi là những chuyện chính trị, lật đổ, có khi là các vụ tai nạn, thảm họa quy mô lớn. Cách đưa tin bây giờ cũng khác trước, không phải là cứ chờ hết ngày mới tổng hợp toàn bộ các sự kiện để cung cấp cho các báo vào buổi tối mà phải cập nhật diễn biến liên tục, không chỉ tại nơi xảy ra sự kiện mà cả ở các khu vực khác có liên quan.

            Hãy điểm lại các sự kiện lớn trên thế giới trong nửa năm qua - từ vụ động đất ở Nhật Bản đến vụ NATO tấn công Libya và cuộc nội chiến sau đó ở nước này, vụ tiêu diệt Osama bin Laden, vụ khủng bố ở Na Uy, bạo động ở Anh, bầu cử ở Thái Lan, đánh bom ở Nga, tai nạn tàu hỏa ở Trung Quốc... - liệu có thể nói rằng TTXVN đưa tin hơn hẳn các cơ quan báo chí khác với sự hiện diện rõ ràng của phóng viên phân xã tại đó? Xét từ sự tác nghiệp của phân xã, tôi không nghĩ câu trả lời "có" sẽ được nói ra nhanh chóng và dứt khoát trong mọi trường hợp. Có những dòng sự kiện VietnamPlus sản xuất hàng trăm tin nhưng tỷ lệ tòa soạn phải tự làm lên tới 70-80% thì mới sát yêu cầu của độc giả và đạt được tốc độ cập nhật nhanh chóng. Tôi còn nhớ một sự kiện mà chỉ trong vòng chưa đầy tuần đầu tiên VietnamPlus đã phát gần 100 tin-bài nhưng số tin khai thác của cơ quan (bao gồm cả tin phân xã) không quá 10. Thực tế khi có yêu cầu, một số phân xã đáp ứng tốt, thậm chí rất tốt. Nhưng sự đáp ứng này có phần thụ động, không giục thì chẳng làm. Và thật tiếc nếu ưu thế tuyệt đối của TTXVN là có mạng lưới phân xã ở nhiều quốc gia trên thế giới rốt cục lại bị phí phạm cho việc dịch tin bài mà nhiều tờ báo ở trong nước nay làm việc này rất nhanh qua mạng Internet.

 

            2. Phóng viên không chỉ làm tin

            Nếu ai định đặt câu hỏi "phóng viên không làm tin thì làm gì?" thì câu trả lời của tôi là "phóng viên phải giao du, la cà". Đương nhiên không phải tất cả các phóng viên phân xã nước ngoài đều ru rú trong nhà, những người có thâm niên thậm chí có quan hệ rộng rãi, song một số lượng không nhỏ phóng viên các phân xã gần như chỉ có quan hệ với sứ quán, thương vụ và các cơ quan đại diện Việt Nam, cùng lắm là với hãng thông tấn đối tác. Một số người luôn tranh luận với tôi rằng "không có kinh phí để làm việc này", nhưng tôi cho rằng cách suy nghĩ như vậy là không đúng. Có lần đi công tác, tôi thấy chị phân xã trưởng trêu đùa cả một quan chức văn phòng Tổng thống của nước bạn, chị cũng nói rằng nhiều thông tin lấy từ những mối quan hệ kiểu này. Tôi thật sự bất ngờ vì đã qua nhiều phân xã và không phải ở đâu cũng thấy được mối quan hệ công tác như thế.

            Hơn chục năm trước, nhiều phóng viên phân xã nước ngoài thậm chí còn không đi họp báo, hoặc đi mà không hỏi han gì. Tình hình bây giờ có khác trước, nhưng qua những gì tôi được biết thì chưa đủ. Giao du với các phóng viên bản địa hoặc phóng viên của các hãng nước ngoài khác, tham gia câu lạc bộ báo chí hoặc kết bạn với quan chức của nước sở tại là những nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Cái lợi đầu tiên chính là cho công việc. Nếu phóng viên chỉ trông cậy vào những nguồn thông tin chính thống hoặc khai thác lại qua báo chí thì không bao giờ có tin đặc biệt và có sớm. Có những mối quan hệ cả vài năm trời không mang lại thông tin nào, nhưng rất có thể khi ta không lường đến nhất thì lại nắm được một thông tin động trời. Bản chất của nghề báo là như thế, và nhiệm vụ của phân xã, nhất là phân xã trưởng, là để làm việc đó chứ không phải là hì hục làm mấy cái tin lẻ tẻ.

            Cái lợi thứ hai là những mối quan hệ kiểu này có thể mang lại những cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực khác cho cơ quan. Tin tức là xương sống trong hoạt động của TTXVN, nhưng nếu có những cơ hội khác nhằm nâng cao vị thế hoặc là hướng kinh doanh mới thì tại sao lại không nắm lấy. Tin tức tạo ra uy tín nhưng rõ ràng khó tạo ra nguồn thu lớn hơn là các dịch vụ, mà các dịch vụ thì vô cùng đa dạng. Chỉ một chuyến công tác, tôi được phân xã tạo cơ hội để gặp một loạt đối tác chẳng liên quan gì đến tin tức, và trong rất nhiều cuộc gặp như thế đã dẫn đến một thỏa thuận về một chương trình quảng bá doanh nghiệp với phía Nhật Bản, hy vọng mở ra hướng đi mới cho tòa soạn cũng như cơ quan.

            Trang Vietkieu.info mà báo điện tử VietnamPlus triển khai được tích hợp một hệ thống tra cứu doanh nghiệp, cửa hàng của người Việt ở nước ngoài. Nếu có sự phối hợp của các sứ quán, phân xã ở nước ngoài để cập nhật các thông tin này, tôi tin rằng sẽ là sản phẩm "không nơi nào có" và sau một thời gian nữa có khả năng tạo nguồn thu. Nhưng liệu có phân xã nào sẵn sàng hỗ trợ việc này? Sau khi khai trương, tôi đã gửi email khẩn thiết đề nghị các phân xã, nhất là những địa bàn có nhiều người Việt sinh sống giúp quảng bá cũng như viết bài đồng thời tìm cách liên hệ với các hội đoàn của người Việt yêu nước để khuếch trương, song đến giờ vẫn chưa nhận được thông tin tích cực nào. Cần lưu ý rằng những việc này đòi hỏi thời gian xây dựng khá lâu mới có kết quả, dù là hữu hình hay vô hình. Chẳng có việc gì mà hiệu quả rõ ràng ngay, nhất là với những dự án lớn và kỳ vọng tạo hiệu quả lớn.

            Tôi rất mong có một cuộc trao đổi thấu đáo về hoạt động của các phân xã nước ngoài cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhưng cứ mỗi lần họp thì lại chỉ toàn bàn về chuyện hành chính-giấy tờ-kế toán, cải tạo nhà, chuyện định mức, hoặc luôn luôn tranh cãi chuyện cử phóng viên đi quá cập rập, chưa được đào tạo đầy đủ. Những chuyện bếp núc cụ thể như thế thì cũng cần thiết, nhưng nếu không thay đổi cả quan niệm về vai trò của phân xã để tìm ra ưu tiên trong hoạt động tác nghiệp thì mãi mãi nguồn tin từ phân xã vẫn cứ "túc tắc" như cách chúng ta làm mấy chục năm nay.

Lê Quốc Minh (TBT báo điện tử VietnamPlus)
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hệ thống phân xã - thế mạnh tuyệt đối của TTXVN (08/09/2011 12:06:51)