Thứ ba, ngày 07/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Hệ thống phân xã - thế mạnh tuyệt đối của TTXVN


(08/09/2011 12:06:51)

Đối với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - trung tâm thông tin chiến lược của Đảng, hãng thông tấn chính thức của Nhà nước - thì hệ thống phân xã vừa là bộ phận cấu thành tất yếu, vừa là lợi thế cơ bản so với các cơ quan báo chí truyền thông khác trong nước.

NÂNG TẦM VỊ THẾ HỆ THỐNG PHÂN XÃ

 

            TTXVN có lợi thế cạnh tranh không cơ quan báo chí trong nước nào có được, đó là hệ thống bao gồm 63 phân xã ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và 27 phân xã ở nước ngoài.

            Hệ thống phân xã được ví như "xương sống" của ngành, bởi thông tin thông tấn luôn chiếm vị trí trọng yếu và là chức năng quan trọng hàng đầu của một cơ quan thông tấn nhà nước. Các phân xã chính là tai, là mắt của TTXVN ở khắp mọi nơi.

            Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển của TTXVN, trong những năm tháng khốc liệt của hai cuộc chiến tranh và trong sự nghiệp dựng xây Tổ quốc, cùng với toàn ngành, hệ thống phân xã luôn khẳng định được vị trí và tầm quan trọng trong việc giữ vững dòng thông tin chủ lưu của Đảng và Nhà nước.

            Trước tình hình mới hiện nay, với định hướng phát triển TTXVN theo mô hình tập đoàn truyền thông quốc gia, vai trò của hệ thống phân xã càng trở nên quan trọng. Phân xã không chỉ là đơn vị làm thông tin đơn thuần mà còn phải gánh vác thêm nhiều trọng trách mới.

            Vậy làm thế nào để khai thác một cách tối ưu thế mạnh của hệ thống phân xã, giúp các phân xã vượt qua thách thức, phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, góp phần nâng tầm vị thế phân xã, đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới?

            Với mong muốn tìm câu trả lời một cách toàn diện và sâu sắc cho vấn đề này, NSTT mở diễn đàn "NÂNG TẦM VỊ THẾ HỆ THỐNG PHÂN XÃ", mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp cũng như những hiến kế tâm huyết của đội ngũ cán bộ, phóng viên trong ngành và các cộng tác viên.

            Mở đầu diễn đàn, trong số này, NSTT trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban quản lý Chỉ đạo Phân xã trong nước Nguyễn Hoài Dương.

 

            Đây cũng không phải là một ngoại lệ, bởi trong lịch sử hình thành và phát triển các cơ quan thông tấn trên thế giới, việc tổ chức hệ thống văn phòng đại diện rộng khắp với nhiệm vụ thu thập, xử lý và cung cấp thông tin từ địa bàn trong và ngoài nước luôn là chiến lược phát triển hàng đầu. Chính bởi vậy, nói đến một hãng thông tấn không thể không đề cập tới hệ thống phân xã của hãng đó.

            Sự lớn mạnh của các hãng thông tấn cũng thường dựa chủ yếu trên các yếu tố: Quan điểm và phong cách thông tin riêng, khả năng phủ thông tin thông qua hệ thống các văn phòng thu thập và xử lý thông tin.

            Reuters sở dĩ trở thành một hãng thông tấn có uy tín toàn cầu một phần bởi hệ thống 405 phân xã trên khắp Vương quốc Anh và thế giới. Còn AFP có hơn 1.300 phóng viên làm việc ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, chưa kể hệ thống cộng tác viên - phóng viên tự do...

            Nội san Thông tấn rất mong các cán bộ, PV, BTV... toàn ngành quan tâm, đóng góp ý kiến cho diễn đàn "Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã". Bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: Nội San Thông tấn (Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn) 11 Trần Hưng Đạo- Hà Nội; email: noisanthongtan@gmail.com.

            Đối với TTXVN, ngay sau khi hòa bình lập lại, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng hãng thông tấn quốc gia phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lãnh đạo ngành qua các thời kỳ luôn chăm lo xây dựng hệ thống phân xã, đảm bảo có được nguồn thông tin chuẩn xác, kịp thời, rộng khắp trong và ngoài nước.

            Hệ thống 90 phân xã (trong nước và nước ngoài) hiện nay của TTXVN chính là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi đó, đồng thời cũng ngày càng chứng tỏ là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của TTXVN trong môi trường thông tin hiện nay.

Phóng viên các phân xã khu vực phía Nam học nghiệp vụ truyền hình, tháng 7/2011

            Nếu không có hệ thống phân xã, sản phẩm thông tin của TTXVN chắc chắn sẽ không thực hiện được chức năng của một hãng thông tấn nhà nước. Nếu không có hệ thống phân xã, hẳn TTXVN sẽ khó có thể có được một hệ thống báo chí xuất bản với nội dung đa dạng, thông tin rộng khắp, trong nước và quốc tế. Nếu không có hệ thống phân xã, TTXVN khó có thể thành công với những loại hình thông tin mới như báo điện tử VietnamPlus và Kênh truyền hình Thông tấn, khi mà những thông tin "nóng" với nội dung chuẩn xác, tốc độ lên mạng và lên sóng thần tốc (đến từng phút), cùng hình ảnh thuyết phục với sự hiện diện của phóng viên tại nơi diễn ra sự kiện ở khắp nơi, trong và ngoài nước, đã trở thành thế mạnh thu hút độc giả và khán giả hàng ngày.

            Tuy nhiên, tiềm năng của hệ thống phân xã còn rất lớn và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế đó chính là tiền đề góp phần tạo nên sự thành công cho ngành trong những năm tới.

            Vậy cần phải làm những gì và làm thế nào để hệ thống phân xã có thể đóng góp ở mức cao nhất đối với ngành trước bước chuyển mình mạnh mẽ hướng tới trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia?

            Chắc chắn đây sẽ là diễn đàn cho những đóng góp xây dựng cụ thể, những ý tưởng mới mẻ và táo bạo, đổi mới và hiện đại, vốn rất cần thiết để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở Tổng xã, ở các cơ quan đại diện, các phân xã trong và ngoài nước chúng ta cùng nhau chung tay, chung sức vì sự nghiệp vẻ vang, vì truyền thống anh hùng, vì niềm tự hào và danh dự của những người làm báo TTXVN.

            Trước hết và cũng quan trọng nhất có lẽ là vấn đề con người, hay nói một cách cụ thể hơn, là chính những người phóng viên phân xã.

            Thực tế cho thấy ở phân xã nào phóng viên có những phẩm chất đạo đức tốt, đam mê nghề nghiệp, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và có tinh thần cầu thị tiếp cận công nghệ thông tin mới, thì phân xã đó luôn mạnh, sản phẩm thông tin đạt chất lượng cao.

            Bởi vậy, có lẽ việc quan trọng nhất cần quan tâm trong thời gian tới chính là bồi dưỡng đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, lòng yêu nghề và phương thức tác nghiệp hiện đại cho các phóng viên được cử đi phân xã.

            Xây dựng một đơn vị quản lý chỉ đạo phân xã trong và ngoài nước phù hợp; một cơ chế với hệ thống chính sách, chế độ luân chuyển, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy hoạch cán bộ và tài chính hợp lý, thực sự công bằng và khuyến khích, nhất là đối với hệ thống phân xã trong nước, đặc biệt là các phân xã ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, hải đảo,... chắc chắn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, rất cần sự đóng góp trí tuệ, nhiệt tâm và kinh nghiệm thực tế của chính các phóng viên phân xã, những cán bộ từng nhiều năm cống hiến cho ngành từ mọi địa bàn trong và ngoài nước.

Nguyễn Hoài Dương (Phó Tổng Giám đốc TTXVN)
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: