Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

Phóng viên thường trú nước ngoài: Mang hình ảnh Việt Nam đến với bè bạn quốc tế


(04/08/2011 18:03:51)

Có đi làm phóng viên thường trú ở nước ngoài mới hiểu tại sao nhiều đồng nghiệp bạc cả đầu chỉ sau một nhiệm kỳ, bởi chính tôi bây giờ cũng thường được nghe câu hỏi: "Sao không nhuộm tóc?"

Phóng viên Khánh Vân "đội mưa" tác nghiệp tại Seoul, Hàn Quốc

Hơn ba năm tôi ở Hàn Quốc cũng đúng khoảng thời gian bán đảo Triều Tiên trở thành điểm nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Không chỉ dừng lại ở mức độ khẩu chiến, vụ việc chiến hạm Cheonan của Hải quân Hàn Quốc bị đánh chìm trên biển Hoàng Hải, gần Đường ranh giới trên biển (NLL) với Bắc Triều Tiên và vụ miền Bắc Tiều Tiên, lần đầu tiên kể từ năm 1953 nã pháo vào đảo Yeon Pyeong, một đảo có dân thường sinh sống của Hàn Quốc, khiến người ta nghĩ rằng hai miền Triều Tiên thực sự bên miệng hố của một cuộc chiến tranh.

            Trong những thời điểm đó, phải độc lập tác chiến, liên tục cập nhật thông tin về Tổng xã, làm báo cáo nhận định tình hình, mới thấy người phóng viên địa bàn cần có bản lĩnh và sự phán đoán, phân tích đến mức nào. Tuy nhiên, việc phán đoán, đưa ra các nhận định không thể chỉ dựa trên những đánh giá chủ quan của cá nhân mà cần phải dựa trên những nguồn tin đáng tin cậy. Ở những thời điểm như thế mới thấy việc xây dựng các mối quan hệ tại cơ sở là điều vô cùng cần thiết đối với phóng viên thường trú. Tôi đã từng ước không giống người địa phương để được "nhường" đôi chút khi đi tác nghiệp trước một "rừng" đồng nghiệp nam cao to, sẵn sàng gạt phăng mọi "vật cản" để chớp được những gì họ cần. Tuy nhiên, sau này tôi lại cảm ơn "ngoại hình giống Hàn Quốc" của mình vì nó khiến tôi dễ thân thiện với người bản địa.

            Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nói chuyện với mọi tầng lớp từ quan chức, học giả đến sinh viên, học sinh và rất nhiều những người bán hàng, lái xe taxi,... tôi cảm thấy thật vui khi giờ đây phải nói chuyện với tôi một lúc họ mới nhận ra tôi là người nước ngoài. Tôi luôn tự hào giới thiệu với họ rằng mình là người Việt Nam, trả lời mọi câu hỏi của người Hàn Quốc về Việt Nam. Qua những cuộc trò chuyện như thế tôi mới nhận ra rằng người Hàn Quốc còn hiểu biết rất ít về Việt Nam. Trong khi trào lưu văn hóa Hàn, âm nhạc Hàn, thời trang Hàn đã ảnh hưởng mạnh mẽ ở Việt Nam thì người dân Hàn Quốc nhìn chung vẫn hình dung Việt Nam chúng ta còn đang là một đất nước chiến tranh. Tôi cũng có nhiều lần tự ái khi nghe những câu hỏi kiểu như "Ở Việt Nam cũng có trường mẫu giáo à?". Mỗi lần như vậy, tôi lại thấy cần phải làm việc nhiều hơn nữa, cần phải vận dụng mọi hình thức để chuyển tải thông tin về đất nước, con người, về nền văn hóa của chúng ta đến với thế giới chứ không riêng gì Hàn Quốc.

            Thời gian ở Seoul, tôi đã đi qua sông Hàn rất nhiều. Mỗi lần qua đây, tôi đều có cảm giác rất đặc biệt như thể tôi đứng trên bờ sông Hồng vậy. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã rất yêu sông Hàn và có thể thuộc phần lớn tên các cây cầu bắc qua sông.

            "Thời gian thấm thoắt thoi đưaâẠẩ", tôi đã yêu mến mảnh đất này, nơi tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Hàn Quốc cũng như những người dân bản địa.

            Tôi đã yêu cổng Kwanghwamun, nơi có ý nghĩa thiêng liêng với người dân địa phương như tháp Rùa trong lòng người Hà Nội.

            Người xưa có câu "Một đêm nằm bằng 5 năm ở". Tôi không nhớ Seoul sao được khi mà tôi đã tới đây ngàn lẻ một đêm. Nhiều lúc tự nhiên tôi cứ lẩm nhẩm hát bài "Diễn ca Kwanghwamun", một bài hát mà hầu như mọi người Hàn Quốc đều thuộc: "Đến một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ cùng trở lại. Sẽ tìm về ngã tư Kwanghwamun trong một ngày tuyết trắng rơi đầyâẠẩ".

Khánh Vân
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2011