Thứ tư, ngày 24/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Trang Nhất - "mặt tiền" của tờ báo


(08/09/2011 13:52:08)

Trang Nhất (hoặc trang bìa đối với tạp chí) luôn nhận được sự quan tâm, trau chuốt đặc biệt hơn so với các trang còn lại của tờ báo. Với vai trò "tiếp thị", trang Nhất có vai trò như "mặt tiền" quyết định một phần khá lớn thành công của sản phẩm. Trang Nhất phải là tinh hoa của cả tờ báo về mặt hình thức, nơi thể hiện rõ ràng và hấp dẫn nhất nội dung chính của số báo.

            Để có thể chuyển tải thông tin rõ ràng và ngay lập tức, trang Nhất phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc về cấp độ. Trong mỗi trang Nhất luôn có một chủ đề chính, được đặt trên nhiều cột, làm nổi bật với tít in bằng co chữ to, hình ảnh minh họa lớn và thường được đặt cao hơn các chủ đề khác. Đây cũng chính là nơi mối quan hệ tít- ảnh phát huy hết vai trò thu hút độc giả.

            Khi "quy hoạch" trang Nhất, người thiết kế định dạng mẫu cần đặc biệt lưu ý đến các "vùng ưu tiên" trong trang, đó chính là đầu trang và cột lề trái. Lý do, bên cạnh trình tự đọc thông thường "từ trái sang phải và từ trên xuống dưới", những thông tin, hình ảnh được đặt phía trên và bên trái sẽ có nhiều "cơ may" đến được với độc giả hơn khi báo, tạp chí được bày trên sạp, tờ nọ chồng lên tờ kia theo chiều dọc hoặc chiều ngang.

            Trong đa số các trường hợp, trang Nhất dành phần lớn diện tích phục vụ cho các cấp độ đọc lướt và đọc nhanh, tức là ưu tiên cho ảnh, text ngắn (tít, lời dẫn...) và có rất ít văn bản dài. Cũng có một số tờ nhật báo đưa nhiều chữ ra trang Nhất. Ví dụ, trên trang Nhất của nhật báo Pháp Le Monde (Thế giới) có rất ít hình minh họa, mà toàn bộ văn bản trên trang Nhất của Le Monde đều là những đơn vị thông tin hoàn chỉnh (tin, bài ngắn, lời dẫn cho bài dài...), không hề có những đoạn đầu của bài báo với phần tiếp theo ở trang trong. Việc bắt độc giả phải lật đi lật lại tờ báo để tìm thông tin (khi không xác định được phần tiếp theo là của bài báo nào) đi ngược hoàn toàn với mục tiêu tạo ra "tiện nghi đọc" cho tờ báo.

            Cho dù là báo hay tạp chí, tin nhanh xã hội (với ưu tiên cho tin, bài) hay chuyên đề giải trí (với nhiều hình ảnh minh họa), trang Nhất đều có những đặc điểm cơ bản, phân biệt với các trang trong của một tờ báo. Đó là măng sét và mục lục. Nếu như măng sét báo luôn có vị trí trang trọng và ổn định (đầu trang), phần mục lục lại rất dễ bị coi nhẹ: trình bày không thống nhất, vị trí không ổn định, thậm chí... bỏ qua không dành chỗ cho mục lục. Mỗi tờ báo có thể chọn cho mình một kiểu mục lục khác nhau (có hoặc không có ảnh kèm theo tít, độ dài của phần giới thiệu, mức độ nhấn mạnh vào các tên chuyên mục...) và dành diện tích cũng như vị trí khác nhau cho mục lục (toàn bộ hoặc một phần cột trái hoặc cột phải, đầu trang- bên trên hoặc ngay dưới măng sét, hoặc chân trang...). Tuy nhiên, đối với việc sử dụng ảnh trên trang Nhất, lời khuyên chung là không nên dùng quá nhiều ảnh nhỏ vì sẽ làm ảnh hưởng đến tít và ảnh của bài chính.

            Bìa của tạp chí thường chứa đựng ít nội dung hơn so với nhật báo và tuần báo. Do kích thước và tính chất thông tin của tạp chí, ngoài măng sét và cụm thông tin chính (tít, minh họa, lời dẫn... cho một chủ đề "đinh"), phần mục lục được giản lược, biến thành "thông báo" đơn giản cho 2-3 chủ đề trong số tạp chí và chiếm chỗ "khiêm tốn" (ở đầu hoặc chân trang) để không ảnh hưởng đến chủ đề chính. Trên thực tế, ranh giới giữa thiết kế báo và tạp chí không phải lúc nào cũng rạch ròi. Ngày càng có nhiều tờ nhật báo đầu tư cho ảnh minh họa, đặc biệt là ảnh của bài "đinh" để có được trang Nhất "kiểu tạp chí". Ngược lại, một số tờ tạp chí lại sử dụng font chữ như một công cụ đồ họa chủ yếu cho trang bìa (tít to, ấn tượng, kết hợp với màu sắc tương phản...) mà không cần dùng những bức ảnh cầu kỳ, đắt tiền.

(Theo cuốn "Kỹ thuật và trình bày báo")

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Virus "News of the World" ẢỔang lan nhanh trong táỨễp ẢỔoàn Murdoch (04/08/2011 18:41:19)

Giải ảnh báo chí thế giới 2010 (15/04/2011 10:43:48)

Các cấp độ đọc (16/12/2010 17:05:51)

Một số thể loại truyền hình (16/12/2010 17:03:33)

2009 - năm đẫm máu với ngành truyền thông quốc tế (06/07/2010 13:12:12)

Toàn cảnh về một thế giới bất ổn (08/04/2010 10:21:16)

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông Trung Quốc (09/02/2010 08:53:57)

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi  (27/11/2009 09:21:04)

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)