Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Hệ thống phân xã trong nước nhìn từ góc độ quản lý


(11/10/2011 08:40:04)

Qua mỗi giai đoạn phát triển của TTXVN, việc quản lý hệ thống phân xã trong nước (cả về quản lý, chỉ đạo thông tin, cơ sở vật chất - kỹ thuật và lực lượng phóng viên thường trú) được thực hiện theo các mô hình khác nhau.

Dù công tác quản lý theo mô hình nào thì các thế hệ lãnh đạo TTXVN vẫn luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng hệ thống phân xã trong nước (PXTN) để đáp ứng yêu cầu là đơn vị thông tin chủ lực của cơ quan thông tấn nhà nước. Thực tế, hệ thống PXTN đã và sẽ luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, được xác định là "rường cột" trong cơ cấu tổ chức của TTXVN. Các PXTN đã góp phần không nhỏ cùng với các đơn vị trong toàn ngành xây dựng nên thương hiệu TTXVN - một hãng thông tấn có uy tín trong nước và quốc tế.

       Trước yêu cầu hiện nay, phóng viên PXTN không chỉ làm tin văn bản mà còn phải "đa năng", tác nghiệp thành thạo các loại hình thông tin hiện có của ngành. Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu xây dựng TTXVN trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh, bắt kịp yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lưu trong hệ thống thông tin, báo chí của đất nước... Đặc biệt, mấy năm gần đây, TTXVN đã có thêm một số loại hình thông tin mới như báo điện tử, truyền hình và thông tin đa phương tiện với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của hệ thống PXTN bước đầu khẳng định thế mạnh của ngành. Do vậy, việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động của hệ thống PXTN sao cho đạt hiệu quả cao là việc làm cấp thiết đang đặt ra đối với toàn ngành.

            Trước hết, nói về cơ chế hoạt động thì chức năng, nhiệm vụ của PXTN là thực hiện công tác nghiệp vụ thông tấn ở địa bàn các tỉnh, thành phố để cung cấp tin, bài, ảnh và các sản phẩm thông tin truyền hình, đa phương tiện về Tổng xã phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì phân xã còn là đại diện của TTXVN tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện chức năng đại diện cho TTXVN trong mối quan hệ với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan ở địa phương, giải quyết những vấn đề của ngành có liên quan đến địa phương theo sự ủy nhiệm của Tổng Giám đốc (những nhiệm vụ này trùng với chức năng, nhiệm vụ quản lý của các cơ quan đại diện B1 và B2).

            Ở góc độ quản lý, chỉ đạo thông tin, hệ thống PXTN của TTXVN hiện nay vẫn còn sự chồng chéo, thiếu tính thống nhất ở vào một đầu mối. Mỗi phân xã trong nước đang chịu sự quản lý, chỉ đạo từ nhiều phía mà trực tiếp là Ban Quản lý chỉ đạo các phân xã trong nước, thông qua đầu mối thường trực là Ban Biên tập tin Trong nước cùng với các đơn vị Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí, Phòng điều độ thông tin thuộc Ban Thư ký Biên tập, đồng thời chịu sự chỉ đạo gián tiếp về chuyên môn từ các cơ quan đại diện (đối với các phân xã thuộc B1, B2) và một phần từ các tòa soạn báo, Trung tâm Truyền hình Thông tấn. Với việc thông qua nhiều đầu mối như vậy nên hiệu quả quản lý, chỉ đạo thông tin hàng ngày từ Ban lãnh đạo cơ quan đối với các phân xã chưa đạt được như mong muốn. Chính vì vậy, đã xảy ra trường hợp khi có sự kiện, sự việc diễn ra tại một địa phương nhưng các đơn vị thông tin của ngành và phân xã lại phản ánh không thống nhất về quan điểm và bản chất của sự việc, thậm chí có trường hợp thông tin trái chiều nhau. Để tránh rơi vào tình trạng nêu trên cũng như trước yêu cầu nhiệm vụ mới, thiết nghĩ, hệ thống PXTN hiện nay nên tập trung vào việc tổ chức thực hiện tốt ba loại hình thông tin chính yếu là: tin văn bản (tin thời sự thông tấn chuyển về Ban Biên tập tin Trong nước và dùng cho báo điện tử), ảnh thời sự báo chí và tin truyền hình. Việc quản lý, chỉ đạo ba loại hình thông tin này đối với các phân xã cũng nên tập trung vào một đầu mối trực thuộc Ban Quản lý chỉ đạo các phân xã trong nước có sự tham gia phối hợp của các cơ quan đại diện (đối với các phân xã ở hai khu vực B1 và B2) với tư cách là thành viên Ban Quản lý chỉ đạo phân xã, có điều kiện sát hơn với tình hình thực tế ở địa phương trong khu vực thuộc địa bàn quản lý. Ngoài nhiệm vụ chính là cung cấp thông tin cho ba loại hình nói trên, phóng viên các PXTN cũng phải có trách nhiệm viết tin, bài theo đơn đặt hàng của các tòa soạn báo trong ngành.

            Về công tác quản lý nhân sự, hiện nay, mỗi phân xã chỉ có từ 2-3 phóng viên, phần lớn được bố trí tương đối ổn định tại địa bàn nơi có gia đình sinh sống qua nhiều năm, vì vậy việc thực hiện luân chuyển địa bàn công tác đối với những phóng viên này rất khó khăn. Nhiều đồng chí trưởng phân xã đã có tới 15- 20 năm thậm chí là 30 năm công tác tại một tỉnh, đã tạo được nhiều mối quan hệ gắn bó với cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành ở địa phương nên rất thuận lợi trong việc nắm các đầu mối thông tin, tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định trong việc nhìn nhận, phát hiện sự việc mới cần thông tin. Cũng có trường hợp phóng viên do ở lâu trên địa bàn đã tạo được những mối quan hệ đa chiều về lợi ích nên đã bị "địa phương hóa", không thể hiện được vị trí vai trò là "tai mắt" của ngành tại một tỉnh khi đứng trước những sự việc nhạy cảm diễn ra trên địa bàn có đụng chạm đến địa phương nhưng cần phải thông tin. Vì vậy, việc luân chuyển phóng viên phải được thực hiện kiên quyết, có kế hoạch, định kỳ theo quy chế. Kèm theo đó, ngành phải có chính sách thỏa đáng hỗ trợ cán bộ, phóng viên luân chuyển địa bàn để họ yên tâm công tác. Mặt khác, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ trưởng phân xã, phóng viên phân xã cũng nên được thực hiện thường xuyên hơn nhằm đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định của Nhà nước và của ngành.

            Việc quản lý, sử dụng, khai thác giá trị tài sản là cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tại các phân xã còn nhiều bất cập. Từ việc đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở phân xã cho đến mua sắm, cấp phát trang thiết bị phục vụ chuyên môn còn thiếu tính thống nhất. Nhiều phân xã xây trụ sở quá to, nhiều phòng, thừa rất nhiều diện tích so với nhu cầu sử dụng cho một đơn vị công tác chỉ có từ 2-3 phóng viên, dẫn đến tình trạng không ít trụ sở để hoang phế, xuống cấp. Tài sản của phân xã được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, mỗi loại tài sản do các đơn vị khác nhau theo dõi quản lý (trên sổ sách) nhưng thực tế việc bảo quản, khai thác, sử dụng tại nhiều phân xã vẫn còn lãng phí. Một số phân xã được địa phương hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nhưng không được công khai trong phân xã và cũng không đưa vào sổ sách theo dõi, quản lý tài sản theo quy định của ngành. Vì vậy, nhiều loại tài sản, thiết bị hư hỏng, mất mát chưa được xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân. Tình trạng cho thuê một phần mặt bằng trụ sở phân xã để sử dụng vào các mục đích khác nhau còn diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí có những phân xã còn giao gần hết mặt tiền trụ sở ở những vị trí "đất vàng"cho tư nhân thuê mướn kinh doanh nhưng số tiền thu được không đưa vào sổ sách dành phục vụ cho việc sửa chữa nhỏ, nâng cấp trụ sở theo quy định của ngành. Nguyên nhân của tình trạng này có phần do ngành ta chưa có quy định phân cấp cụ thể cho đơn vị quản lý và chậm sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản, thiết bị kỹ thuật đối với hệ thống phân xã. Dẫn đến tình trạng, hiện nay có rất nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia cấp phát, mua sắm và quản lý tài sản, thiết bị của phân xã. Mặt khác, từ thực tế nguồn kinh phí thường xuyên của ngành đầu tư cho hoạt động của các PXTN còn rất eo hẹp, vì thế mỗi phân xã phải tìm cách tạo nguồn thu để chi phí cho các mối quan hệ, lễ nghĩa, hiếu hỉ ở địa phương.

            Trước yêu cầu của tình hình mới, việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống PXTN chính là yếu tố mang tính bản lề góp phần xây dựng TTXVN trở thành một tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh.

Ngô Anh Văn (Giám đốc CQĐD TTXVN tại Đà Nẵng)
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2011