Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Con tôi mang tên Trường Sa


(02/11/2012 09:50:15)

Lần đầu tiên tôi được đi công tác Trường Sa là vào đầu năm 2005. Chỉ hơn tháng nữa là Tết, sau chuyến đi các đơn vị quân đội thuộc Quân Khu 2, khu vực Tây Bắc, tôi nhận được yêu cầu đi công tác ra đảo Trường Sa từ Ban biên tập báo Việt Nam News.

          

Bà xã nhà báo Hoài Nam cùng con trai - cậu bé Trường Sa

Đợt ấy, đoàn PV chúng tôi có 9 người, được sắp xếp lên tàu HQ-996 đi tới 7 đảo và điểm đảo theo hướng Nam. Chuyến đi biển cuối năm âm lịch được xem là gian nan nhất vì vào mùa gió chướng, ẩn sâu trong lòng biển những con sóng dữ lúc nào cũng chực nhấn chìm con tàu trọng tải 3.000 tấn. Đứng trên boong một lúc, tôi bắt đầu có cảm giác nôn nao nên vội quay về phòng ở tầng dưới. Bữa tối, tôi phải nhờ người lấy cơm mang về phòng, vậy mà vẫn không thể ngồi dậy để ăn được.

Gần hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, tàu cập bến đảo Trường Sa Lớn. Đây được ví như thủ đô của Trường Sa vì rộng lớn nhất và là một trong số ít đảo có nước ngọt. Tàu phải neo ngoài xa, cách đảo khoảng hơn 1 km. Người, phương tiện cá nhân và hàng hóa đều phải chuyển tải bằng xuồng nhỏ. Chuyến tàu cuối năm đem theo đủ các loại quà Tết, nào là lá dong, đỗ xanh, bánh kẹo, chè xanh, mai vàng... và không thể thiếu những chú "ỉn". Đồng chí Nguyễn Văn Liên, nguyên Phó Chỉ huy quân sự Vùng IV Hải quân, cho biết: "Anh em sống quanh năm với sóng gió và nắng trên đảo, thiếu thốn đủ thứ. Thiếu rau, thiếu báo chí; nhưng thiếu tiếng cười nói của chị em là điều khó bù đắp nhất. Bộ Tư lệnh Hải quân, Chỉ huy Vùng IV đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, cố gắng có chút "tươi" cho anh em. Mặc dù vận chuyển gia súc gia cầm ra ngoài đảo gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức". Thế là cả người và lợn cùng xuống xuồng vào đảo, chen chúc quanh các thùng hàng, nhưng chẳng ai thấy phiền, vì ai cũng nghĩ, chẳng thấm gì so với anh em ở ngoài đảo.

Trò chuyện với chiến sĩ trẻ dưới tán lá bàng vuông đảo An Bang

Có khách đến thăm dịp cuối năm, lính đảo vui lắm. Cứ xiết chặt tay hỏi han chuyện đất liền. Mong chờ nhất là những cánh thư từ quê nhà. Đại úy Nguyễn Văn Hà, Đảo trưởng điểm đảo B Đá Đông - một đảo chìm trong quần đảo Trường Sa - cứ sốt sắng: "Em chưa biết vợ sinh con trai hay con gái đầu lòng đây. Lúc em đi phép, vợ mới mang bầu nên chỉ đoán già đoán non thôi. Tính đến thời điểm này, chắc vợ em sinh cháu được non một tháng rồi đấy". Vừa nói, Hà vừa nhanh tay bóc vội vàng lá thư của vợ. Anh reo lên: "Con gái anh ạ. Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Mẹ tròn con vuông là tốt rồi. Lúc nào anh về đất liền, cho em gửi quà cho vợ và con gái em nhé. Tết này em phải trực rồi. Lại phải chờ đến sang năm mới được gặp mặt con gái đây".

Gió biển ở ngoài đảo cuối năm mặn chát. Ở đảo, chỉ có ba loại cây chịu đựng được sóng gió là bàng vuông, bão táp và phong ba. Gió ào ào quất mạnh vào kính cửa sổ, còn sóng thì dội ầm ầm quanh đảo. Có những lúc, sóng hắt nước lên gần cửa sổ tầng hai. Đêm mưa ấy, tôi mới dám uống trọn một cốc nước đầy và thấy nước mới ngọt ngào làm sao. Nước mưa trên đảo mà. Mùa mưa, anh em trữ nước mưa trong bể để dành dùng dần trong mùa khô. Mùa khô, mỗi người chỉ được 15 lít nước một ngày.

Sau khi tiếp tục đến các đảo Đá Lát, An Bang, Thuyền Chài, Đá Tây, Trường Sa Đông, tàu chúng tôi về lại Trường Sa Lớn. Sau chuyến đi 26 ngày, kể cả di chuyển trên bờ lẫn trên biển, tôi về đến Cam Ranh, sút mất 5 kg.

Chuyến đi biển thứ hai của tôi vào đầu năm 2008. Lần ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân và Chỉ huy Vùng IV Hải quân bố trí tôi đi các đảo gần bờ như Phú Quý, Côn Đảo, Vũng Tàu, Bình Ba. Nói là gần, nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian tàu mới đến các đảo.

Chỉ riêng đảo Phú Quý là có nước ngọt nên dân cư khá đông, cuộc sống có phần sung túc và đầy đủ hơn. Tại đây, tôi được nghe kể về mối tình thật đẹp của Đại úy Nguyễn Văn Phương và một cô gái đảo. Phương quê ở Nam Trực, Nam Định, ra đảo làm việc ở phòng máy kỹ thuật. Một lần, sau giờ trực máy, tò mò quay ống nhòm lia ra các rẫy dưới chân đồi, bất chợt chàng lính trẻ nhìn thấy khuôn mặt khá thanh tú, xinh đẹp của một cô thôn nữ. Sau khi định vị, anh lính trẻ tìm đến làm quen với gia đình cô, nhận được cảm tình sâu sắc của cả gia đình. Thế rồi đôi bạn trẻ gặp nhau và nên vợ nên chồng, anh lính vùng chiêm trũng quyết định ở lại làm công dân của đảo Phú Quý. 

Trước khi xuất phát, tôi không thể ngờ chuyến đi này là chuyến "để đời" với mình. Số là, đợt ấy, vì áp thấp nhiệt đới, tôi phải lưu lại thêm một ngày ở Nhà khách Vùng IV Hải quân. Nhà khách vắng tanh vì các chuyến tàu đi đảo xa đã rời cảng gần một tuần trước. Lúc đó có đoàn nghệ thuật quân chủng Hải quân đang lưu diễn phục vụ các đơn vị. Tôi làm quen với anh em trong đoàn và cùng tham gia làm công tác dân vận. Một lần, vô tình tôi bắt gặp cặp mắt trong veo và hồn nhiên của cô ca sỹ trong đoàn. Chúng tôi quấn quít bên nhau và hẹn ngày gặp lại tại Hà Nội. Thế rồi, tình yêu nảy nở và chúng tôi nên vợ nên chồng. Hai năm sau, vợ chồng tôi sinh con trai đầu lòng thật kháu khỉnh, đặt tên cháu là Trường Sa để khắc sâu kỷ niệm về tình yêu bắt đầu từ đảo xa. Bây giờ, chúng tôi đang rất hạnh phúc vì luôn có "Trường Sa" bên mình.

"...Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh...". Cứ mỗi khi nghe giai điệu đó cất lên, tôi lại rưng rưng nhớ những kỷ niệm Trường Sa, nhớ nắng, nhớ gió, nhớ hương vị của biển mặn chát, nhớ tình người thắm thiết nơi đảo xa.  

Bùi Hoài Nam
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2012