Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Thường trú nước ngoài - Vất vả nhưng vui


(01/08/2012 13:54:41)

Khi còn làm việc tại Tổng xã, tôi đã có hình dung về công tác phóng viên thường trú ngoài nước qua lời kể của những đồng nghiệp "cây đa cây đề". Nhưng, khi sang đến Hồng Công (Trung Quốc), "nhập vai" PV TTXVN tại nước bạn, tôi mới thấy thực tế thật muôn hình vạn trạng.

              

Phóng viên Đặng Tiến Trung làm tin chứng khoán Hồng Công

Thay đổi môi trường và phương thức tác nghiệp

Trước tiên, điều thay đổi rõ nhất với tôi là chuyển từ công việc của một BTV ở Tổng xã sang công việc của một PV. Các PV khi đến công tác tại phân xã ngoài nước, ngoài việc xử lý thông tin từ báo chí nước sở tại, còn phải tích cực tìm hiểu thực tế để có những tin, bài chủ động và kịp thời về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn. Rất may là trong thời gian theo học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ PV Thông tấn K24, tôi đã được đi thực tập tại PX Lào Cai hơn một tháng, nên khi sang Hồng Công, tôi đã bắt nhịp được với công tác PV thường trú.

Được sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình của các đồng nghiệp đi trước, tôi đã hiểu thêm nhiều điều về tình hình địa bàn cũng như cách thức hoạt động nghiệp vụ báo chí ở Hồng Công. Dù mới chỉ sang công tác một thời gian ngắn, nhưng tôi cũng kịp nhận thấy ngoài việc làm tin, công tác đối ngoại, quan hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn (như Tổng Lãnh sự, Thương vụ, Hàng không Việt NamâẠẩ) và cộng đồng người Việt tại đây cũng hết sức quan trọng. Thiết lập được mối quan hệ tốt với các cơ quan này là PV có được những nguồn thông tin khá phong phú và đa dạng.

Hồng Công là địa bàn mở về báo chí, thông tin đăng tải khá tự do nên tin trái chiều nhiều. Do đó của PV "bám" địa bàn Hồng Công là mảng thông tin tham khảo, bao gồm những thông tin nhạy cảm liên quan tới Trung Quốc đại lục. Nhưng để làm tốt việc này, PV phải có nhãn quan chính trị tốt, nhạy cảm chính trị cao để lựa chọn thông tin phù hợp; chuyên môn vững, khả năng phân tích, tổng hợp, nhận định tốt để đưa ra những đánh giá, dự báo chính xác, đắt giá.

Ở Hồng Công dù tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính trong công sở, nhưng lượng báo tiếng Anh ít, chủ yếu là báo tiếng Trung chữ phồn thể, giao tiếp xã hội chủ yếu bằng tiếng Quảng Đông, thứ đến là tiếng phổ thông (Bắc Kinh), nên ít nhất PV phải thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung phổ thông thì tác nghiệp mới thuận lợi.

 

Những khó khăn mang tên Hồng Công

Phân xã Hồng Công nằm ở một khu vực có vị trí địa- chính trị tương đối phức tạp và nhạy cảm. Là một Khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc đại lục, Hồng Công áp dụng chính sách "một nước hai chế độ", chịu nhiều chi phối về mặt chính trị của Đại lục trong những năm gần đây. Hoạt động báo chí của phân xã TTXVN tại Hồng Công luôn phải tuân thủ chặt chẽ mọi quy định pháp luật của chính quyền địa phương. Có nhiều nơi PV có thể sử dụng camera có gắn logo Vnews, song cũng có rất nhiều nơi không thể làm được như vậy và chúng tôi buộc phải sử dụng chiếc máy ảnh có chức năng quay phim để ghi hình trong những trường hợp nhạy cảm. Sắm vai khách du lịch, chúng tôi có thể dùng máy ảnh quay lại những hình ảnh cần thiết. Song, do Vnews sử dụng hình ảnh cỡ 4:3, trong khi máy ảnh lại chỉ quay được hình ảnh cỡ 16:9, nên sau đó chúng tôi lại phải sử dụng phần mềm Mediashow Esspresso để chuyển cỡ hình ảnh rồi mới có thể dựng thành sản phẩm và gửi về tổng xã.

Đó mới chỉ là một trong những khó khăn khi làm truyền hình tại địa bàn Hồng Công. Anh em chúng tôi còn gặp những trở ngại khác. Ví dụ như việc ghi hình cho tin chứng khoán Hồng Công cuối tuần. Do thời tiết địa phương thường xuyên có mưa vào khoảng thời gian chúng tôi cần ghi hình, nên anh em buộc phải sử dụng "thủ pháp" tự chế là ghi hình trong văn phòng, với bối cảnh ngoài cửa sổ (phía sau lưng PV) là tòa nhà ngân hàng DBS và một số tòa nhà thương mại khác. Trong không gian hạn chế, người dẫn phải lựa để có được tư thế hợp lý nhất có thể, còn người quay phim thì cũng phải cố gắng để né những vật ảnh hưởng đến khuôn hình, làm sao cho hình ảnh đạt yêu cầu. Sau một loạt cố gắng thì chúng tôi cũng có được những tin hình về thị trường chứng khoán Hồng Công, dù chưa được ưng ý lắm nhưng cũng đã đạt yêu cầu của Vnews.

Một khó khăn khác của PX Hồng Công là di chuyển trong khi tác nghiệp, nhất là khi làm tin truyền hình. Phóng viên PX chủ yếu sử dụng các phương tiện công cộng và đi bộ chứ không được dùng xe riêng như các PX khác; kể cả khi đi công tác sang các địa bàn như Ma Cao, Quảng Châu hay Thâm Quyến thì đi bộ cũng là "chuyện thường ngày". Nhiều lần chúng tôi phải xách máy quay, máy ảnh, chân máy và laptop cuốc bộ nhiều cây số, leo nhiều cầu vượt dành cho khách bộ hành. Chúng tôi thường nói đùa và động viên nhau rằng, đi bộ với một đống đồ đạc trên người sẽ giúp mình có sức khỏe tốt, cơ thể săn chắc hơn.

Mặc dù vất vả như vậy, nhưng anh em chúng tôi vẫn luôn động viên nhau để cố gắng có được những thông tin nóng hổi, thể hiện sự hiện diện của phóng viên TTXVN tại địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác mà lãnh đạo cơ quan đã giao phó. Dẫu vất vả nhưng chúng tôi luôn vui vì mình đã được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển chung của ngành.

Trần Trung ( P/v tại Hồng Công)
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2012