Thứ hai, ngày 20/05/2024

Sổ tay phóng viên

Nhật ký phóng viên đi tình nguyện


(28/03/2012 11:27:53)

Nhờ chuyến đi tình nguyện về xã Vân Sơn (Sơn Động), một trong những nơi nghèo nhất của tỉnh Bắc Giang, tôi nhận ra rằng, với phóng viên trẻ, việc đi tình nguyện là một mũi tên trúng hai đích: vừa tham gia được hoạt động cộng đồng, vừa làm giàu vốn sống. Tôi thấm thía hơn câu nói của nhà văn Nam Cao: "Sống đã, rồi hãy viết".

Phóng viên trẻ trong chuyến đi tình nguyện về xã Vân Sơn, Sơn Động, Bắc Giang - năm 2011

Một ngày đẹp trời, khi được đồng chí Bí thư Chi đoàn báo Tin Tức ướm lời hỏi: Có tham gia hoạt động tình nguyện ở Bắc Giang không? Tôi vui vẻ gật đầu và hào hứng chuẩn bị lên đường.

Bốn tiếng ngồi ô tô, đến nơi đã là 11 giờ trưa. Sau "màn chào hỏi" rất nhanh gọn, một đoàn viên của Đoàn xã Vân Sơn dẫn đường, xé màn mưa rừng đưa đội tình nguyện vào bản Gà- nơi đoàn sẽ "làm chương trình". Hết đoạn đường bê tông, đến đoạn đường đất, ô tô khựng lại, nhất định không chịu bò lên. Cả đoàn xuống xe. Mọi người bảo nhau khuân đồ đạc, ì ạch lựa những đoạn đường đỡ trơn để leo từng bước một. Cuối cùng cũng tới đích. Địa điểm ăn uống, làm công tác hậu cần là nhà hai ông bà ở gần trường tiểu học trong xã- nơi chúng tôi chọn để tổ chức hoạt động vui hè cho thiếu nhi.

Cơm trưa xong là gần 2 giờ chiều, cả đoàn không nghỉ ngơi, khuân đồ đạc lên trường học cách đó mấy trăm mét, trên một ngọn đồi thoai thoải. Mọi người chia nhau quét dọn phòng học, bọc quà tặng và trang trí phông sân khấu... chuẩn bị các màn vui chơi cho trẻ em. Thấy các anh chị tình nguyện mở cửa lớp học, trẻ con cứ rủ nhau đông dần, đông dần. Đầu tiên là lấp ló ở ngoài cổng, rồi vào tận cửa lớp, rồi sán lại gần các anh chị, vừa háo hức, vừa nhút nhát. Mưa ngớt dần. Khoảng 4 giờ chiều, cả sân trường đã ríu ran tiếng trẻ. Chúng tôi chỉ mới xuất hiện ở bản chưa đầy một ngày mà đã cảm nhận được cái tình của con người xóm núi, qua sự quấn quýt của lũ trẻ.

Tạm thoát khỏi nhịp điệu căng thẳng của nghề báo, những phóng viên trẻ hòa mình vào việc tổ chức trò chơi cho thiếu nhi. Hết trò xếp hình lại đến kéo co, nhảy bao bố, huấn luyện "dàn người mẫu" nhí cho buổi trình diễn thời trang vào chương trình văn nghệ buổi tối. Gần 6 giờ rưỡi tối, các tình nguyện viên về địa điểm hậu cần, ăn vội bát cơm để còn kịp lên sửa soạn sân khấu.

Buổi tối, người lớn, trẻ con kéo nhau tới trường tiểu học rất đông. Đứng trên sân trường, nhìn ra xung quanh, thấy lập lòe những ánh đèn pin trên những con đường đất chưa khô đổ về phía trường học.

Không dám "đánh bạc" với thời tiết, thay vì tổ chức ngoài sân trường, cả đội quyết định tổ chức đêm văn nghệ trong một lớp học. Không gian vài ba chục mét vuông trở nên quá tải chỉ riêng với đội hình khán giả nhỏ tuổi. Huy động ghế của hai lớp học mà vẫn không đủ chỗ, nhiều em đứng chen chúc ở những khoảng trống còn lại trong phòng. Ngoài cửa sổ, cửa ra vào chật cứng người. Tiết mục trình diễn bộ sưu tập thời trang bằng giấy màu do dàn người mẫu nhí của làng mới được huấn luyện ban chiều thực hiện, trò chơi đuổi hình bắt chữ, thi vẽ của các em nhỏ, chiếu phim hoạt hình... nối tiếp nhau và nhận được những tràng vỗ tay hò reo không ngớt của các khán giả. Tất bật với việc thay nhau tổ chức các trò chơi, nhiều áo xanh tình nguyện lấm tấm mồ hôi nhưng sau mỗi phần chơi, ngó xuống hàng ghế khán giả, bắt gặp hàng trăm con mắt hướng về mình chờ đợi những tiết mục kế tiếp, chúng tôi lại bảo nhau cố gắng.

Tan buổi biểu diễn đã là 10 giờ đêm, lúc ra tiễn khán giả, nhiều áo xanh được các bá, các chị, các mẹ níu tay áo hỏi: "Thế tối nay các em (các con) ngủ ở đâu? Ở lại đây có lâu không?". Sự ân cần và chân thành trong từng câu nói, từng ánh mắt của bà con khiến chúng tôi quên hết những mỏi mệt trong ngày.

Nhưng không chỉ có thế. Bất ngờ và cảm động này lại nối tiếp những bất ngờ khác. Xong chương trình, về tới địa điểm hội quân, cả đoàn bối rối khi nhìn thấy 4 mâm cơm dọn sẵn. Từ cụ ông, cụ bà chủ nhà cho tới các anh chị đoàn viên thanh niên của xã, ai cũng níu tay níu chân nài nỉ: "Vào ăn cho ấm cái bụng rồi ngủ đâu thì ngủ!"- những lời mời không thể chối từ.

Sáng hôm sau, trời đổ mưa, kế hoạch giúp dân làm đường, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ không được thực hiện như dự kiến. Nhưng cũng nhờ vậy, nhiều thành viên trong đoàn chia nhau tới thăm những nhà dân trong bản. Với cánh phóng viên trẻ, đó là một cơ hội để biết được nhiều chuyện thú vị về phong tục tập quán nơi đây, hiểu thêm về cuộc sống của người dân, những điều có tìm cũng không thể thấy trong các báo cáo.

Hai ngày về với Vân Sơn, bên cạnh sự thích thú trước phong cảnh nên thơ của một vùng bốn bề là núi, là mây, là sương, với lác đác những dải ruộng bậc thang xanh màu mạ... chúng tôi vẫn không khỏi day dứt bởi những đôi chân trẻ nhỏ đi dép gãy mũi, thấy nhà vách đất, mái tranh nhiều hơn những ngôi nhà xây ngói đỏ tường vôi, thấy con đường bùn lầy lội ô tô không thể vào tới bản... Và chúng tôi tự nhủ, sẽ tiếp tục đến với những nơi cần "sức thanh niên", để sẻ chia với người dân vùng khó. 

Trọng Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2012