Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Mang "thẳồ nhà" táỪỈi TrẳồáỪŨng Sa


(29/06/2012 11:59:40)

Tháng 5/2012, triển lãm ảnh "Những lá thư nhà gửi Trường Sa" do TTXVN và Quân chủng Hải quân phối hợp thực hiện đã đến với Trường Sa trong sự mong đợi, hưởng ứng nồng nhiệt. Tay máy Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng phòng Tổng hợp (Ban BT Ảnh) chia sẻ về hành trình dạt dào cảm xúc "chép thư", làm triển lãm và mang "thư nhà" tới đảo.

Trung úy Nguyễn Duy Chinh xúc động hôn ảnh con trai

Những giây phút không thể nào quên

Chỉ vào những bức ảnh gia đình, Thượng tá Vũ Văn Cường - Đảo trưởng Song Tử Tây xúc động giới thiệu: "Đây là gia đình tôi. Đây là bố, mẹ tôi. Đây là bà xã và hai thằng cu. Đây là cu bé Tú Anh. Cậu lớn Việt Anh đang chuẩn bị thi đại học, cao gần bằng bố rồi!". Mọi người xúm lại xung quanh, cùng chia sẻ những phút giây hạnh phúc với đồng đội. Phút giây ấy, khoảng cách giữa xã đảo Song Tử Tây và xã Cát Thành (huyện Trực Ninh, Nam Định) - nơi gia đình đồng chí Vũ Văn Cường sinh sống, như thật gần. Thật gần bởi những hình ảnh lãnh đạo địa phương và bà con xóm giềng đến thăm hỏi động viên gia đình; cậu con trai Việt Anh lớn rửa mặt cho em vừa đi học về bên giếng nhà; Việt Anh học khuya ôn bài; cô giáo Tố Nga - vợ anh Cường miệt mài soạn giáo án cho ngày hôm sau...

Còn ở đảo Trường Sa, khi những tấm panô ảnh vừa được treo, các chiến sĩ đã reo lên: "Anh Chinh ơi! Ra gặp vợ con này!". Trung úy Nguyễn Duy Chinh -  Khẩu đội trưởng ở đảo Trường Sa, nói trong niềm xúc động: "Khi được gặp hình ảnh những người thân trong gia đình, bố mẹ, vợ con..., tôi thực sự xúc động và hạnh phúc vì thấy khoảng cách giữa đảo xa và đất liền như ngắn lại". Bất ngờ, anh nói: "Đạt ơi! Bố thơm con nhé!" rồi cúi xuống hôn con trai trong bức ảnh.

Xúc động "chép thư", miệt mài làm triển lãm

Chứng kiến những cảnh tượng xúc động đó, chúng tôi- những người tình nguyện "đưa thư" bằng ảnh cũng bồi hồi nhớ lại hành trình nhóm nhiếp ảnh, quay phim, phóng viên TTXVN và báo Quân đội nhân dân tới 10 gia đình cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK tại Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội và Hải Phòng để "nhận thư" từ cuối tháng 3 và tháng 4/2012. Vẫn còn như văng vẳng giữa xóm nhỏ ở xã Tam Cường (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) tiếng hát non nớt của cháu Đạt gửi tặng bố Nguyễn Duy Chinh làm mọi người lặng đi, nghẹn ngào: "Bố ơi, con nhớ bố! Bố ơi, con nhớ bố!". Và những làng quê, ngõ xóm, lũy tre, bến nước... những công việc bình dị hàng ngày của những người cha, người mẹ, người vợ chiến sĩ cứ dần dần hiện ra trong khuôn hình. Theo hành trình, những người cầm máy chúng tôi cần mẫn "chép thư", ghi lại những khoảnh khắc thật bình dị nhưng ngọt ngào nơi hậu phương của người lính.

Trong quá trình làm triển lãm, chúng tôi rất cảm động trước những tình cảm của cộng đồng dành cho Trường Sa. Toàn bộ kinh phí in ảnh triển lãm, in sách ảnh, thực hiện bộ ảnh, in đĩa DVD... đều từ nguồn xã hội hóa. Nhiều nhà hảo tâm tài trợ cho chương trình mà không yêu cầu được ghi danh. Khi biết là in để mang ra Trường Sa, một cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng in muộn cho bằng xong và từ chối khoản bồi dưỡng thêm. Tất cả hướng tới Trường Sa!

Khi đã "tích cóp" đủ nguyên liệu, để kịp thời gian triển lãm, nhóm biên tập lao vào khẩn trương lựa chọn hơn 100 ảnh trong hàng ngàn ảnh chụp hậu phương của người chiến sĩ Trường Sa và trình bày trên 8 pano ảnh màu khổ 1,4x1,9m cho phù hợp với trưng bày cơ động. Trong một đêm trăn trở tìm tên cho triển lãm, chủ đề "Những lá thư nhà gửi Trường Sa" đột nhiên bật ra trong suy nghĩ của tôi, xuất phát từ tứ thơ về tâm tình của người chiến sĩ với quê nhà mà thời bộ đội chúng tôi thường chép vào sổ tay: "Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều/ Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào/ Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã/ Lối con đi - nào lối mòn thuở nhỏ/ Và mẹ là Mẹ lính - dễ dàng đâu". Và rồi khổ thơ đó (trích trong bài "Những người lính đi qua thành phố" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo) trở thành lời dẫn xuyên suốt các cuộc triển lãm ảnh "thư nhà" của chúng tôi.

 Công việc chuẩn bị của "những người đưa thư" cấp tập, khẩn trương như người lính vào chiến dịch cho đến hơn 12 giờ đêm 15/5 để hoàn tất phần in phông triển lãm và lời giới thiệu của ba bộ ảnh triển lãm. 5 giờ sáng 16/5, 200 tờ báo Tin Tức Thể thao&Văn hóa còn "nóng" đã được Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. HCM chuẩn bị sẵn sàng để cùng với đoàn công tác lên đường.

Triển lãm "Những lá thư nhà gửi Trường Sa" gồm 7 nội dung: Gia đình, vợ con, con thơ, vợ yêu, cha mẹ già, hậu phương, quê hương; những điều luôn luôn thường trực trong tâm khảm của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời thân yêu của Tổ quốc. Ở mỗi nội dung cụ thể đều có những câu thơ minh họa rất lắng đọng. Trong triển lãm còn có gần tám chục bức ảnh về "Đất nước - con người Việt Nam", nhằm nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, đồng thời tăng thêm hàm lượng thông tin phong phú từ hậu phương, giữ vững niềm tin và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Ngày 18/5 triển lãm tại đảo Song Tử Tây. Ngày 23/5, triển lãm được tổ chức trang trọng tại Nhà lưu niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn. Ngày 24/5, biển nổi sóng cấp 5, chỉ có hai xuồng với số lượng người hạn chế lên được nhà giàn DK1/14, nhưng báo của TTXVN và bộ ảnh "Những lá thư nhà gửi Trường Sa" in trên những tấm nhỏ cũng đã được mang tới cán bộ, chiến sĩ trên Trạm dịch vụ - kinh tế- khoa học cụm Tư Chính, khu vực thềm lục địa phía Nam. Sau triển lãm, toàn bộ ảnh được tặng lại cho quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK để luân chuyển trưng bày.

Mười mấy ngày sống với Trường Sa trôi qua quá nhanh, mãi còn lại trong chúng tôi là sự trân trọng và khâm phục những người lính đã hy sinh tình cảm gia đình, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió. Mang tới các anh "Những lá thư nhà gửi Trường Sa" với mong muốn không chỉ là tình cảm thương yêu gắn kết Trường Sa với Mẹ hiền Tổ quốc, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bằng những hoạt động văn hóa. Giờ đây, chúng tôi mong sớm lại được làm những "người đưa thư" ra Trường Sa và những vùng biên cương, biển đảo quê hương.

Hồng Kỳ
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2012