Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi " đi làm" Hội Gióng


(01/08/2012 13:35:31)

Một tuần tác nghiệp ở Hội Gióng, chúng tôi được sống trong khung cảnh "thuần chất thôn quê" nhất. Và trên hết, cảm xúc cùng sự tôn kính đối với Thánh Gióng, một trong "tứ bất tử" của dân tộc, dường như đã tiếp sức mạnh và sự tinh tế cho từng khuôn hình, để chúng tôi có thể nắm bắt và ghi lại được những giá trị thiêng liêng thuộc về văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Kết quả là phóng sự ảnh "Di sản Hội Gióng" của nhóm phóng viên Trần Thanh Giang và Trần Huấn đã đoạt giải C - Giải báo chí quốc gia năm 2011.

          

Phóng viên Trần Thanh Giang (đeo túi đen, cầm máy ảnh) tác nghiệp tại Lễ hội Gióng ở đền Sóc, Hà Nội

 

   Ngày 16/11/2010, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc (Hà Nội) đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui không chỉ với người dân quê hương Phù Đổng Thiên Vương mà còn là niềm vui chung của nhân dân cả nước. Và tất nhiên, sự kiện lớn này không nằm ngoài "sự quan tâm" của Báo ảnh Việt Nam. Được biết năm 2011 sẽ là năm đầu tiên Hội Gióng được tổ chức với vị thế mới - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Ban Biên tập đã quyết định cử nhóm phóng viên (PV) chúng tôi thực hiện chuyên đề này để kịp thời truyền tải những thông tin, hình ảnh mới nhất của một lễ hội văn hóa tín ngưỡng, giờ đây không còn là của riêng Việt Nam nữa.

Cũng không phải ngẫu nhiên tôi được chọn là thành viên của nhóm. Trước đó, ngày 26/9/2010, tôi đã tới dự lễ và đưa tin về Lễ hô thần nhập tượng tại Đền Sóc - nơi Thánh Gióng bay về trời. Trong cuộc đời làm báo tôi đã được đi rất nhiều, thấy rất nhiều, nhưng thời khắc được chứng kiến cảnh "hô thần nhập tượng", thấy sừng sững trước mặt vị anh hùng dân tộc đang hướng về trời sau khi đã hoàn thành sứ mệnh đánh đuổi giặc ngoại xâm, trong lòng tôi trào dâng niềm tự tôn dân tộc rất mãnh liệt. Tôi cũng có một dự cảm đặc biệt là mình sẽ còn quay lại vùng đất thiêng liêng này. Và đúng như điều tôi vẫn tâm niệm, một lần nữa tôi được quay trở về Hội Gióng cùng các đồng nghiệp.

Hội Gióng diễn ra chính thức ngày 9/4 âm lịch (ÂL), và kéo dài thêm 1- 2 ngày sau đó. Nhưng với nhóm PV chúng tôi, phải nói là "một tuần đi làm Hội Gióng" mới chính xác. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hầu hết các cơ quan báo chí, nhưng có thể nói nhóm PV Báo ảnh Việt Nam là những người đầu tiên có mặt đưa tin về lễ hội và cũng là những PV cuối cùng ra về sau khi lễ hội kết thúc. Để khảo sát địa hình "tác chiến" trước, trưa ngày mùng 5/4 ÂL, chúng tôi đã có mặt ở Phù Đổng. Và đến hết ngày 12/4 ÂL, chúng tôi mới chịu "rút quân".

Mỗi chuyến tác nghiệp là một trải nghiệm mới, và thực sự một tuần làm Hội Gióng của tôi cùng các PV trong nhóm là một trải nghiệm đầy lý thú và kịch tính. Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví Hội Gióng như một "kịch trường dân gian". Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, bởi vậy chỉ có thể hình dung về chiến tranh, những chiến trường bom đạn ác liệt qua sách vở hoặc những lời kể của các bậc cha chú. Nhưng khi chúng tôi tác nghiệp ở Hội Gióng thì thực sự được sống như "phóng viên chiến trường". Không có khói súng, bom đạn, nhưng trận chiến đấu với giặc Ân của hàng nghìn năm về trước với binh đao, giáo mác, gậy gộc, xe ngựa... được tái hiện đầy đủ.

Chúng tôi chạy đôn đáo hết từ nhà ông Hiệu Trống (tướng giỏi nhất của Phù Đổng Thiên Vương, dẫn đầu đội quân ta), đến nhà ông Hiệu Chiêng... để xem tình hình quân ta chuẩn bị chiến trận đến đâu. Rồi đến nơi tập kết của các Cô Tướng (mỗi cô đại diện cho một đạo quân xâm lược nhà Ân). Cứ thế nhóm PV chúng tôi dường như bị cuốn hút vào trận chiến với giặc Ân hàng nghìn năm về trước. Đúng như các nhà nghiên cứu đã nhận xét: Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng sinh động nhất, khoa học nhất diễn biến những trận đánh của Thánh Gióng, một hình thái chiến tranh mang đậm sắc thái của các bộ lạc cổ xưa, thông qua những màn diễn xướng của hàng nghìn người dân địa phương. Một làng quê Việt Nam, ngày thường bình an sau lũy tre làng, thế mà trong những ngày diễn ra lễ hội, tất cả như bị cuốn hút vào một kịch trường dân gian được tái hiện vô cùng sinh động. Nếu chỉ lấy chẵn thì quãng đường chúng tôi di chuyển, chạy bộ để tác nghiệp ở "chiến trường" này cũng phải ngót 30 km. Nghĩ lại giờ vẫn thấy bất ngờ rằng mình có thể đi bộ được đoạn đường dài đến như vậy.

Cái nắng chói chang, cái nóng như thiêu như đốt của tiết trời tháng 5, cộng thêm chiếc ba lô máy ảnh hơn 20kg vác trên vai, dù là PV ảnh to khỏe như tôi cũng không tránh được tình trạng thở không ra hơi. Vậy mà những đội quân diễu binh của nhà các ông Hiệu, từ nhỏ (6,7 tuổi) đến lớn, cứ diễu hành qua diễu hành lại giữa trời nắng oi bức, mà không một chút kêu ca; thậm chí có những bé trai say nắng bị ngất, phải đưa về nhà, sau khi tỉnh lại đòi bố mẹ đưa ra bằng được để tiếp tục diễu binh, tôi thấy sao mà kỳ lạ. "Hóng hớt" được câu chuyện các cụ già nơi đây, rằng "chúng nó đều được Thánh chọn cả đấy, nên dù ốm nặng đến mấy, đến ngày hội cũng tự dưng khỏi bệnh". Nghe thì không hiểu lắm nhưng chỉ có điều, chúng tôi thấy vậy, lại vác balô lên vai tiếp tục "tác chiến", quên đi hết mệt mỏi.

Trong "một tuần làm Hội Gióng", một điều đặc biệt nữa mà tôi ghi nhớ là tình làng nghĩa xóm của người ở vùng quê này sao mà "nguyên sơ và đậm đà" đến vậy. Họ hàng hay những người quen của người dân nơi đây, bất cứ ai đến làng trong những ngày hội, đều được người làng chăm lo chu đáo và đối xử tình cảm vô cùng. Người ta nói đây là ngày hội khao làng của những người con Phù Đổng tri ân với tổ tiên, với quê hương.

đây là một chuyến tác nghiệp tôi sẽ nhớ mãi. Tôi rất tự hào khi cùng các đồng nghiệp ghi lại bằng ống kính những khoảng khắc tiêu biểu nhất của một lễ hội lịch sử, giúp mọi người hiểu và hình dung được đầy đủ về một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.  

Trần Thanh Giang
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2012