Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Cuộc đối đầu giữa Australia & Facebook


(04/05/2021 11:33:23)

Cuộc tranh cãi giữa chính phủ Australia và Facebook đã hạ nhiệt khi mạng xã hội lớn nhất thế giới khôi phục lại việc cho phép chia sẻ tin tức của các công ty truyền thông bản địa. Facebook sẽ tuân theo dự luật mới, trong đó có yêu cầu phải trả tiền cho các nhà xuất bản nếu “nội dung tin tức” được đăng trên nền tảng này. Hãy cùng nhìn lại những điểm mấu chốt trong cuộc đối đầu giữa chính phủ Australia và nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Trang nhất của các tờ báo ở Australia đưa tin về cuộc chiến với Facebook sau khi mạng xã hội này chặn chia sẻ tin tức, ngày 19/2

Những đối tượng bị tổn hại
 
Sáng sớm 18/2/2021, các hãng tin tức tại Australia đều không còn khả năng đăng nội dung lên trang Facebook của mình và người dân tại Australia cũng không thể thông qua các đường dẫn để truy cập vào các bài báo trên các trang tin tức của Australia hay quốc tế.
 
Ảnh hưởng của sự việc này cũng đã lan tới trang Facebook của một số tổ chức phi tin tức, bao gồm trang của các cơ quan y tế tiểu bang, dịch vụ cứu hỏa và cấp cứu Tây Australia, trang của lãnh đạo phe đối lập tại Tây Australia, của một số tổ chức từ thiện hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình và các trang công đoàn. Một vài trang trong số này sau đó đã được khôi phục vào giữa trưa cùng ngày.
 
Nếu bạn hoạt động tại Australia, bạn sẽ không thể xem hay đăng bất kỳ đường dẫn nào tới các trang tin tức tại Australia hay ở nước ngoài. Thay vào đó, bạn sẽ thấy một cửa sổ bật lên và giải thích lý do bạn không thể đăng tải đường dẫn đó. Còn nếu bạn không hoạt động tại Australia, bạn cũng sẽ không thể đăng các đường dẫn tới các trang tin tức của Australia và không thể xem tin tức của báo chí Australia thông qua các trang Facebook của họ.
 
Chuyện gì đã xảy ra?
 
Chính phủ Australia đã đưa ra dự luật mới, theo đó Facebook và Google được yêu cầu phải trả tiền cho các nhà xuất bản nếu các “nội dung tin tức” được đăng trên nền tảng này.
 
Để trả đũa, Facebook đã chặn mọi nội dung tin tức, trong đó có các nhà xuất bản tại Australia tham gia vào dự luật. Đó là lý do vì sao không chỉ các hãng tin bản địa Australia mà tất cả các trang tin tức quốc tế đều bị chặn tại Australia.
 
Nhưng, trong quá trình thực thi lệnh cấm, Facebook cho biết, họ đã vô tình chặn quá nhiều trang tin khi chưa làm rõ định nghĩa thế nào là tin tức. “Vì luật không có hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức, chúng tôi đã dựa theo một định nghĩa rộng để thể hiện sự tôn trọng với những gì luật viết ra”, người phát ngôn của Facebook cho biết.
 
Tại sao Facebook lại làm điều này?
 
Facebook tin rằng mình mang lại cho các công ty truyền thông nhiều lợi ích hơn so với những gì nền tảng này nhận lại từ họ. Trong một bài đăng trên blog thông báo về sự việc, Will Easton, người đứng đầu Facebook tại Australia và New Zealand cho biết, các nội dung tin tức chiếm chưa tới 4% tổng lượng nội dung mà người dùng nhìn thấy trên News Feed của mình. Trong khi đó, có tới 5,1 tỷ lượt truy cập vào các trang web tin tức của Australia thông qua Facebook trong năm 2020. Facebook tin rằng, con số này đã không được xét đến trong các cuộc đàm phán xây dựng dự luật.
 
Facebook đã nhấn nút cho nổ quả bom này để chứng minh với các công ty truyền thông rằng, tin tức chẳng có mấy ý nghĩa với Facebook, cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng tới lưu lượng truy cập các trang tin tức trong trường hợp bị chặn đột ngột.
 
Diễn biến của sự việc
 
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg đã có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng về dự luật với Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg.
 
Dự luật này, lúc đó, đã được Hạ viện thông qua và đang được đưa ra tranh luận tại Thượng viện. Chính phủ có thể thực hiện một số sửa đổi tùy thuộc vào kết quả đàm phán với Facebook.
 
Ngày 23/2, Facebook và chính quyền Australia đã thông qua thỏa thuận sau các cuộc đàm phán, theo đó Facebook sẽ khôi phục việc cho các hãng tin được đăng tin tức lên nền tảng này.
 
Ảnh hưởng trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch
 
Rõ ràng là thông tin sai lệch có cơ hội được lan truyền một cách dễ dàng trên Facebook. Tập đoàn truyền thông Nine Entertainment cho biết, sự vắng mặt của tin tức trên Facebook đã khiến tình hình trở nên tồi tệ.
 
Ngày 18/2, một cuộc kiểm tra sơ bộ với một số trang cánh hữu lớn chuyên đăng thông tin sai lệch cho thấy, các trang này đều không thể đăng bài trên Facebook. Tuy nhiên, phần lớn các thông tin sai lệch được lan truyền trên Facebook là dưới dạng các meme hoặc các văn bản thì lại không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
 
Những người muốn đính chính các thông tin sai lệch bằng việc đưa ra một đường dẫn tới các bài báo chính thống-cách mà chúng ta vẫn hay làm lâu nay - đều không thể thực hiện được.
 
Facebook cho biết, công ty vẫn sẽ duy trì quan hệ đối tác với các hãng tin lớn cho việc kiểm chứng thông tin và vẫn sẽ hỗ trợ một trung tâm thông tin về COVID-19.
 
Ai hưởng lợi từ dự luật mới
 
Dự luật truyền thông tin tức mới sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất bản tin tức với doanh thu từ 150.000 USD/năm trở lên. News Corp Australia sẽ được hưởng lợi đáng kể từ dự luật này,  giống như những giao dịch đã thành lập với Google để sử dụng nền tảng News Showcase trong vài tuần qua. Các nhà xuất bản khác như: Nine, ABC, SBS, Junkee, Seven, Guardian Australia... cũng sẽ có lợi.
 
Dự luật này cũng không chỉ xoay quanh việc trả phí. Cùng với đó, nếu Facebook hoặc Google thay đổi các thuật toán của mình, ví dụ như loại bỏ hoàn toàn tin tức, họ sẽ phải gửi thông báo trước.
 
Khúc vĩ thanh
 
Sáng 26/2, Facebook đã khôi phục nội dung trên các trang của các hãng truyền thông Australia trên nền tảng xã hội này sau hơn một tuần bị gián đoạn do bất đồng với chính phủ Australia.
 
Sau các cuộc thảo luận kéo dài, Chính phủ Australia cũng đã đưa ra một số sửa đổi đối với bộ quy tắc mới sau khi được Quốc hội thông qua ngày 25/2. Những sửa đổi bao gồm việc Chính phủ Australia có thể không áp dụng bộ quy tắc đối với Facebook nếu công ty đã ký đủ thỏa thuận về việc trả phí với các công ty truyền thông nội địa. Chính phủ cũng đồng ý sẽ thông báo cho các công ty công nghệ một tháng trước khi áp dụng bộ quy tắc đối với mỗi công ty.
 
Phát biểu trên đài phát thanh Sydney 2GB, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg tuyên bố, đây là bộ luật rất có ý nghĩa, giúp các hãng truyền thông của Australia duy trì hoạt động báo chí vì lợi ích cộng đồng.
 
Tối 23/2, Seven West Media, công ty sở hữu tờ West Australian và kênh truyền hình Seven TV, đã trở thành công ty truyền thông đầu tiên ở Australia ký thỏa thuận cung cấp nội dung tin tức cho Facebook.
 
Nhiều công ty truyền thông Australia cũng đã đạt được thỏa thuận với Facebook như: Schwartz Media, đơn vị xuất bản tờ Saturday Paper và tạp chí Monthly; Solstice Media, đơn vị xuất bản tờ New DailyCity Mag; Private Media xuất bản tờ Crikey.
 
Ông Frydenberg nhấn mạnh, rất nhiều quốc gia khác đang theo dõi sát những gì diễn ra ở Australia, về bộ quy tắc và việc quản lý các hoạt động của Facebook và Google./.

(Theo tờ The Guardian)
Nội san Thông tấn số 4/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải ảnh báo chí thế giới 2020 (01/06/2020 15:51:06)

Tìm hướng đi cho tương lai báo chí (09/08/2018 15:48:12)

Chiến lược cho báo chí khi truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ (05/06/2018 09:27:14)

Giải World Press Photo 2018: "Đám cháy chuyển động" đoạt giải Bức ảnh của năm (04/05/2018 15:53:50)

Báo chí trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (22/02/2018 16:31:47)

Báo chí với công nghệ thực tại ảo (15/01/2018 10:54:05)

Video trực tiếp - Xu hướng mới tại các tòa soạn (05/09/2017 09:31:20)

Vì sao báo chí Mỹ cũng mắc lừa các trang tin tức giả mạo? (02/08/2017 15:15:37)

Doanh thu quảng cáo báo in giảm mạnh (12/04/2017 11:07:52)

Vinh danh lòng quả cảm và sự dấn thân (02/03/2017 10:26:32)