Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Vẹn nguyên cảm xúc Trà Leng


(04/05/2021 15:28:05)

Nhận được tin nhóm ảnh “Nỗ lực cứu dân trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng (Quảng Nam)” được chọn vào vòng chung khảo Giải báo chí TTXVN năm 2020, trong tôi lại dâng lên sự xúc động mạnh mẽ. Những ký ức về chuyến công tác tăng cường đặc biệt đầy khó khăn và nhiều cảm xúc khi chứng kiến những thiệt hại, đau thương, mất mát của đồng bào Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nửa năm về trước như vẫn còn vẹn nguyên…

Phóng viên Lê Lâm, CQTT TTXVN tại Đà Nẵng tại hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, tháng 10/2020

1. Cơn bão số 9 xảy ra cuối tháng 10/2020 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vụ sạt lở đất, đá nghiêm trọng tối 28/10 làm nhiều ngôi nhà và người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các lực lượng, tập trung mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn.
 
Ngay khi nắm bắt sự việc xảy ra tại huyện miền núi cách xa trung tâm thành phố, đường đi lại khó khăn, nguy hiểm do sạt lở đất đá, thông tin liên lạc bị cắt đứt, Ban giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã khẩn cấp triệu tập và điều động một tổ phóng viên cơ động tại Đà Nẵng, tăng cường cho Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Quảng Nam để phối hợp sản xuất thông tin trực tiếp từ hiện trường vụ sạt lở.
 
Tổ phóng viên cơ động gồm: Trưởng CQTT tại Quảng Nam Trần Văn Tĩnh, một ê kíp phóng viên của Chi nhánh Trung tâm Truyền hình Thông tấn tại Đà Nẵng và tôi - phóng viên CQTT tại Đà Nẵng đã khẩn trương tiếp cận hiện trường.
 
Trên đường vào tâm điểm sạt lở, anh Tĩnh trao đổi nhanh về thông tin và kinh nghiệm tác nghiệp vùng sạt lở để anh em trong tổ nắm bắt sự việc và phối hợp thực hiện. Quan trọng hơn cả là đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tác nghiệp vì đường đi rất khó khăn và có thể xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào. Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ chính là chụp ảnh. 
 
Một nhóm trên mạng Zalo mang tên “Cứu hộ Quảng Nam” được lập ra để trao đổi công việc, hỗ trợ thông tin, xử lý tin, bài, ảnh, truyền hình cho nhóm phóng viên tác nghiệp tại hiện trường thuận lợi nhất.
 
2. Trên những cung đường quanh co đồi núi vào hiện trường, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe tải hạng nặng chở theo máy xúc, máy ủi cùng những đoàn xe bán tải vận chuyển đồ dùng, lương thực, xuồng cứu hộ và xe cứu thương đang gấp rút “lội” qua những con đường sạt lở, đầy bùn đất nhão nhoét để vào hiện trường cứu hộ.
 
Tôi lấy máy ảnh, chớp thật nhanh những khoảnh khắc khẩn trương của đoàn xe cứu hộ. Phóng viên Xuân Quý, Vỹ Thi và Trưởng CQTT Trần Tĩnh cũng xắn quần, lội bùn, quay phim, dẫn hiện trường, ghi nhận những hình ảnh đầu tiên của các đơn vị cứu nạn trên đường vào tâm điểm sạt lở thôn 1 Trà Leng. Tôi tranh thủ gửi những hình ảnh đầu tiên về công tác khẩn trương cứu nạn của chính quyền địa phương về cơ quan.
 
Do nắm được tình hình khu vực hiện trường sạt lở bị cắt điện, mọi thông tin liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt, việc gửi thông tin, hình ảnh sẽ rất khó khăn và chậm trễ, tôi quyết định chụp ảnh đồng thời bằng cả máy ảnh và điện thoại để dự phòng lúc có sóng điện thoại là gửi ngay về Ban biên tập Ảnh. Nhờ thế, những hình ảnh đầu tiên về công tác cứu nạn đã được Ban biên tập Ảnh xử lý kịp thời, được nhiều đơn vị báo chí trong và ngoài ngành sử dụng.
 
Vượt qua những đoạn đường sạt lở nguy hiểm, nước vẫn chảy ào ào từ trên núi xuống đường, máy xúc vẫn miệt mài san ủi, mở đường cho các phương tiện cứu hộ lưu thông. Cách hiện trường đoạn đường khá xa, các phương tiện giao thông phải tạm dừng vì một điểm sạt lở lớn, không đảm bảo an toàn cho xe qua. Cả một đoàn xe cứu hộ xếp hàng dài nối đuôi chờ thông đường.
 
Tôi cùng anh Tĩnh quyết định đi bộ, vượt điểm sạt lở tiến vào hiện trường. Đến điểm sạt lở tiếp theo thì không đi được nữa. Trời đã sập tối và các máy xúc phải rọi đèn để xúc đất, mở đường. Chúng tôi đứng chờ đường thông để tiếp cận hiện trường. Đến gần nửa đêm, nhận thấy tình hình chưa thể vào được ngay, mọi tính toán cho công việc đều phải gác lại, chúng tôi đành quay trở ra vì giữa đường rừng nguy hiểm, lại không có điện để xử lý thông tin.
 
Sáng sớm hôm sau, nhóm chúng tôi tiếp tục tiến sâu hơn vào khu vực sạt lở, đi bộ một đoạn đường và lội qua con suối đầy bùn lầy, đất đá mới đến được hiện trường. Tôi lặng người trước sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên. Trước mắt là khung cảnh tan hoang. Đất đá từ trên núi ập xuống, đã  vùi lấp, cuốn trôi nhiều ngôi nhà và người dân đang sinh sống tại đây. Lần theo từng bước đi của lực lượng cứu hộ, vượt qua suối và bãi sạt lở ngổn ngang đất đá, chúng tôi tiếp cận được nơi các lực lượng đang tìm kiếm nạn nhân mất tích.
 
Tôi xúc động ghi lại hình ảnh các lực lượng chức năng vừa dùng máy móc, vừa dùng sức người nỗ lực đào bới, tìm kiếm người bị nạn; hình ảnh người dân buồn đau bên thi thể người thân với những khuôn mặt thẫn thờ, cúi gục. Hàng trăm đôi mắt ngóng chờ, hướng về nơi các lực lượng đang tìm kiếm người thân của họ, dưới những ngôi nhà bị vùi lấp, dù những tia hy vọng đang dần trở nên mong manh.
 
3. Sau khi ghi được khá nhiều hình ảnh đắt giá tại hiện trường, tôi nhanh chóng đi bộ ra khỏi khu vực sạt lở để tìm cách chuyển ảnh về cơ quan. Tôi phải đi khá xa hiện trường, với chiếc điện thoại luôn sáng màn hình để vừa đi vừa dò sóng. Trên đường ra, lúc nào thấy có sóng là tôi tranh thủ dừng lại, gửi ảnh qua Zalo về biên tập viên ảnh xử lý. Từng tấm ảnh được chuyển về rất chậm vì mạng yếu, chập chờn, lúc được, lúc không. Và những hình ảnh nóng hổi từ hiện trường cứu nạn đã được duyệt phát ngay lập tức.
 
Gửi xong, tôi lại tiếp tục quay trở lại hiện trường, cập nhật thông tin bằng ảnh về nỗ lực cứu trợ, cấp cứu, chăm sóc và điều trị cho các nạn nhân trong vụ sạt lở… Những dòng tin, bức ảnh lần lượt được các báo đăng tải chính là niềm động viên, giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành công việc.
 
Tôi kết thúc chuyến công tác đặc biệt với bộ ảnh Nỗ lực cứu dân trong vụ sạt lở Trà Leng (Quảng Nam) ghi lại những hình ảnh chân thực, phản ánh sự quyết tâm không kể ngày đêm, mưa nắng của chính quyền địa phương và các lực lượng ứng cứu, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng người dân vượt mọi khó khăn, “thần tốc” cứu người bị nạn trong đêm tối.
 
Một số bức ảnh trong nhóm ảnh “Nỗ lực cứu dân trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng (Quảng Nam)”, tháng 10/2020
 

 

 

 

Trần Lê Lâm
Nội san Thông tấn số 4/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Dùng ngòi bút như vũ khí sắc bén (04/05/2021 15:24:56)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Giải cứu chim di cư ở Cát Bà (04/05/2021 15:19:20)

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021): Nhớ về những khoảnh khắc lịch sử (04/05/2021 15:14:17)

5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng (04/05/2021 15:10:10)

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021): Nhà báo Trần Thanh Xuân nghị lực và ý chí kiên cường (04/05/2021 14:56:30)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng quý II (04/05/2021 14:24:40)

Bản nghèo trên đỉnh núi (04/05/2021 14:22:18)

Giới thiệu kỹ năng chụp ảnh tại Bệnh viện Xanh Pôn (04/05/2021 14:21:22)

“Hãy tỉnh táo và luôn nghi ngờ” để loại trừ tin giả (04/05/2021 14:20:31)

Làm căn cước công dân gắn chip cho cán bộ, phóng viên (04/05/2021 11:27:56)