Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Giữa “chảo lửa” Ninh Thuận mùa khô 2020


(29/04/2020 11:01:20)

So với các tỉnh duyên hải miền Trung, Ninh Thuận là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề và thường xuyên nhất của hạn hán. Hằng năm, người dân đều phải “chạy” hạn và mùa khô năm 2020 cũng không ngoại lệ. Từ những thông tin, dữ liệu về tình trạng khô hạn thu thập qua các năm, cùng với việc theo dõi dự báo thời tiết và trao đổi với người dân địa phương để nắm tình hình khô hạn ban đầu, nhóm phóng viên CQTT Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch cho tuyến thông tin theo hướng phản ánh tình hình thiếu nước phục vụ đời sống và sản xuất, cùng những nỗ lực trong công tác chống hạn của chính quyền và người dân địa phương.

Phóng viên Nguyễn Thành phỏng vấn người chăn nuôi gia súc tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận giữa mùa hạn hán 2020

Hạn hán gay gắt       
 
“Chưa năm nào đón tết Nguyên đán xong, bà con lại phải lo đối mặt với tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng như hiện nay”, ông Nguyễn Hùng ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải tỏ ra rất lo lắng khi chúng tôi hỏi về tình hình sản xuất nông nghiệp thời điểm đầu tháng 2/2020.
 
Khi đó, Ninh Thuận chưa bước vào những tháng cao điểm của mùa khô hạn, nhưng ở khu vực huyện Ninh Hải đã không có một giọt mưa trong gần 5 tháng trời. Thiếu nước tưới đang là tình trạng chung của người dân địa phương nơi đây. Hồ Ông Kinh với dung tích thiết kế 800.000m3, cung cấp nước tưới cho hơn 200ha đất trồng nho, hành, tỏi đã trơ đáy từ nhiều tháng nay.
 
Không nỡ nhìn công sức bỏ ra bị mất trắng, bà con nơi đây phải khoan giếng tìm nguồn nước tưới. Dù tốn công, tốn của nhưng không phải lúc nào cũng may mắn tìm được nguồn nước dưới lớp đất đá sâu đến cả trăm mét.
 
Gia đình ông Hùng có hơn hai sào hành tím cho năng suất rất thấp vì thiếu nước tưới. Đây là lý do khiến ông quyết định vụ mùa tới sẽ bỏ hoang đất, đi tìm công việc khác để sinh nhai.
 
Với dữ liệu thu thập được từ người dân và ngành chức năng tại địa phương, CQTT Ninh Thuận đã có bài phản ánh Ninh Thuận đối mặt với nguy cơ hạn hán sớm ngay từ đầu tháng 2/2020. Sau khi đăng tải, các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đã vào cuộc, đưa tin về tình hình khô hạn ở Ninh Thuận.
 
Từ những thông tin, dữ liệu về tình trạng khô hạn thu thập qua các năm, cùng với việc theo dõi dự báo thời tiết và trao đổi với người dân địa phương để nắm tình hình khô hạn ban đầu, nhóm phóng viên CQTT Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch cho tuyến thông tin theo hướng phản ánh tình hình thiếu nước phục vụ đời sống và sản xuất, cùng những nỗ lực trong công tác chống hạn của chính quyền và người dân địa phương.
 
CQTT Ninh Thuận cũng chú trọng giới thiệu những cách làm hay, những mô hình chống hạn hiệu quả đang được người dân tại một số địa phương trong tỉnh áp dụng như: sử dụng công nghệ tưới nước phun mưa, tưới nhỏ giọt trên các loại cây trồng khác nhau; chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn; các mô hình chăn nuôi cừu, dê, bò nhốt chuồng vỗ béo... với những thông tin được đề cập cụ thể, chi tiết để người dân tham khảo, áp dụng, nhân rộng mô hình chống hạn tại các địa phương khác.
 
Kinh nghiệm rút ra
 
Tác nghiệp trong mùa khô hạn đòi hỏi phóng viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ về kế hoạch làm việc mà còn phải đảm bảo sức khỏe. Các địa bàn khô hạn thường ở xa trung tâm, khu vực miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, phải phỏng vấn nhiều nhân vật, thời gian tác nghiệp ngoài hiện trường lâu nên rất dễ bị say nắng, do đó cần chuẩn bị đầy đủ nước uống, trang phục chống nắng.  
 
Đối với phóng viên thường trú, để thực hiện tốt nhiệm vụ “3 trong 1” làm tin, ảnh, truyền hình, thiết bị máy móc mang theo để tác nghiệp cần đầy đủ nhưng phải gọn nhẹ để quá trình di chuyển dài không bị mất sức. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đến thực địa là yêu cầu bắt buộc. Tùy tình hình thực tế tại cơ sở, với kinh nghiệm của mỗi phóng viên, kế hoạch có thể thay đổi hoặc bổ sung khác với dự kiến trước đó.
 
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên cần chú ý kết hợp khéo léo các phương tiện tác nghiệp để khai thác thông tin đầy đủ, phục vụ được các loại hình thông tin khác nhau. Muốn làm được điều này, cần chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng, chú ý quan sát để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra sao cho không bỏ lỡ những hình ảnh đẹp hay chi tiết, câu nói ý nghĩa, quan trọng của nhân vật.
 
Để khai thác thông tin hiệu quả, nhất là trong trường hợp phỏng vấn đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng hạn (vì đa phần bà con ngại tiếp xúc với người lạ, hay đứng trước máy ảnh, máy quay), ngoài sự chân thành trong giao tiếp để tạo niềm tin ban đầu với những câu chuyện gợi mở gần gũi về cuộc sống của bà con, trong quá trình phỏng vấn, cần sử dụng tối đa những câu hỏi gọn, dễ hiểu để người nói trải lòng, qua đó thu thập được những thông tin cần thiết cho đề tài.
 
Vùng đất khô hạn Ninh Thuận thường được ví von “gió như Phang, nắng như Rang” (đọc trại của từ Phan Rang). Tuy nhiên, cấp độ nắng gió này chưa thấm vào đâu so với đỉnh điểm mùa khô hạn từ tháng 5 đến tháng 8. Mọi ngôn từ đều không thể lột tả hết được sự vất vả, vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn của người dân nơi đây. Tất cả chỉ có thể cảm nhận bằng chính sự trải nghiệm của mình!
 
Qua những lần đi tác nghiệp trong mùa hạn hán, dù rất vất vả, mất sức do nắng nóng kéo dài nhưng chứng kiến những hình ảnh lam lũ, vất vả của bà con, những đàn gia súc kiệt quệ vì đói ăn, thiếu nước… chúng tôi luôn tự nhủ rằng, phải cố gắng, quyết tâm ghi nhận chân thực nhất tình hình thực tế đang diễn ra; đưa những tin, bài có hàm lượng thông tin cao, chất lượng, mang tính dự báo để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác chống hạn đạt hiệu quả cao nhất./.

Nguyễn Thành - Phóng viên CQTT tại Ninh Thuận
Nội san Thông tấn số 4/2020