Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tin tức trong ngành

Hành trình chạm mốc chủ quyền ở Trường Sa


(21/01/2020 16:00:07)

Hành trình đến với huyện đảo Trường Sa của chúng tôi kéo dài gần 20 ngày, từ 21/12/2019 vắt sang 8/1 của năm nay, qua nhiều điểm đảo với những cái tên đã vô cùng quen thuộc: Đá Lớn, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh... Chuyến đi đã ghi dấu nhiều kỷ niệm đáng nhớ và những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời phóng viên của tôi.

Phóng viên Võ Văn Dũng, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng, trong chuyến công tác tại Trường Sa, tháng 1/2020

1. Ngày 21/12
Tôi có mặt tại cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) sẵn sàng lên đường. Hàng nghìn suất quà của các cơ quan, đơn vị, nhân dân cả nước gửi tặng cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Trường Sa nhanh chóng được chuyển lên tàu. Những gương mặt háo hức, nụ cười bừng sáng của các chiến sỹ trẻ ra nhận công tác tại huyện đảo Trường Sa. Ai cũng mong muốn được trải nghiệm, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc. Tiếng hát của các thành viên câu lạc bộ Biển đảo quê hương chia tay những người lính lên đường nhận nhiệm vụ, vang cả một góc cảng. Chúng tôi được tàu bệnh viện HQ 561 vượt sóng đưa ra Trường Sa.

Ngày 22/12
Ngày đầu tiên lênh đênh trên biển, các thành viên trong đoàn ai cũng chống chếnh vì say sóng. Giấu đi sự mệt nhọc, góp phần tạo không khí vui tươi, các phóng viên đã lập ba nhóm phát thanh nội bộ của tàu HQ 561. Mỗi nhóm cử ra các phóng viên có khả năng ca hát, giọng đọc hay để thực hiện các chương trình phát thanh luân phiên. Chương trình đầu tiên được thực hiện vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Đúng 20 giờ, giọng đọc trầm bổng của chị Hoài Thu (Biên tập viên Đài truyền hình VTV8) vang lên: “Đây là đài phát thanh nội bộ của tàu HQ 561”. Mọi người trên tàu dường như dừng mọi hoạt động để lắng nghe. Chương trình điểm lại lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng loạt phỏng vấn các phóng viên về những lần đi Trường Sa… Các chương trình phát thanh là lời tri ân gửi tới cán bộ, chiến sỹ, đăc biệt là những chiến sỹ Trường Sa với tình cảm trân quý nhất.

Ngày 23/12
Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá các điểm đảo ở tuyến giữa của huyện đảo Trường Sa. Đá Lớn C là đảo chìm mà tôi được vào đầu tiên, nằm trong cụm đảo Đá Lớn với bãi cạn dài hàng chục cây số nối các điểm đảo. Đặt chân lên đảo, chúng tôi cảm nhận được hương vị tết hiện hữu trên mâm ngũ quả, những chiếc bánh chưng xanh, cành hoa mai, hoa đào tuy làm bằng nhựa nhưng được các chiến sỹ cắm cẩn thận, chậu quất vừa mang từ đất liền ra. Không khí đón tết sớm trên đảo tràn ngập niềm vui, đậm tình đồng chí, đồng đội.

Đảo Sinh Tồn, một trong hai đảo nổi trong chuyến hành trình mà chúng tôi được trải nghiệm. Cuộc sống nơi đảo xa bình dị, thân thuộc như bao làng quê trên đất liền. Nơi đây, chúng tôi thêm một lần được cảm nhận không khí đón tết đầm ấm nhưng không kém phần vui tươi. Từ sáng sớm, sau lễ chào cờ, cán bộ, chiến sỹ trên đảo tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, như: Kéo co, đá bóng, đua thuyền nan, gói bánh chưng. Tối đến, đoàn công tác và các chiến sỹ cùng giao lưu văn nghệ. Tiếng hát rộn ràng hòa với tiếng cười xua tan đi không gian tĩnh mịch nơi đảo xa.

Không thể nào quên thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2019 và đón mừng năm mới 2020 trên con tàu HQ 561 giữa biển khơi thuộc khu vực đảo Tốc Tan. Thời khắc giao thừa thiêng liêng, tiếng còi tàu vang lên 9 hồi, mọi người trên tàu trao nhau những lời chúc an lành, may mắn, hạnh phúc và chúc cho biển đảo quê hương sẽ mãi được giữ vững, trường tồn.

2. Là phóng viên trẻ, kinh nghiệm tác nghiệp chưa nhiều, lại là lần đầu được đến thăm Trường Sa, nên để thực hiện tốt các tuyến tin bài, trước ngày đi, tôi đã tìm hiểu kỹ thông tin về huyện đảo Trường Sa từ sách báo, kinh nghiệm của các đồng nghiệp, từ đó dự kiến những đề tài thông tin sẽ thực hiện.

Một điều quan trọng nữa tôi học được từ những chia sẻ của đồng nghiệp là kinh nghiệm bảo quản máy móc, thiết bị khi đi trên biển. Vì khí hậu biển thất thường, hơi nước làm cho máy móc dễ bị muối bám, dễ hư hỏng, nên tôi phải bọc máy ảnh cẩn thận trong túi nilon khi di chuyển lên các điểm đảo. Sau khi tác nghiệp, lau sạch máy bằng khăn ẩm, để máy trong túi chống ẩm và cất giữ tại vị trí khô thoáng.

Khi tác nghiệp ở các điểm đảo, mặc dù có chuẩn bị trước nhưng tôi vẫn rất bỡ ngỡ. Trước khi nghe thông tin khái quát về đảo, tôi nhanh chóng quan sát xung quanh, tìm ra điểm nổi bật, quan trọng trên đảo. Tôi tìm những chi tiết mới ít người viết, từ đó tìm hiểu kỹ, thực hiện phỏng vấn các chiến sỹ và chỉ huy đảo. Chẳng hạn, những bông hoa ốc do các chiến sỹ tỉ mỉ tự chế tác trong lúc rảnh dỗi làm quà tặng người thân khi xuất ngũ cũng là chi tiết thú vị. Tôi phát hiện trong số các cây trồng trên đảo, ngoài những cây được nhiều người biết đến như bàng vuông, phong ba, trên vài điểm đảo, cây tra có quả ngọt, thơm như nho được trồng rất nhiều, cũng trở thành lá chắn phòng thủ bao quanh đảo.

Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến các thông tin về đời sống vật chất, tinh thần, trách nhiệm làm chủ vùng biển, đảo; gương điển hình trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong lao động sản xuất của quân dân trên đảo; tinh thần trách nhiệm, tình cảm của đất liền đối với Trường Sa.

Tại các điểm đảo chìm, thời gian lưu lại rất ngắn, chỉ khoảng 3 đến 4 tiếng, nên chúng tôi chia thành ba nhóm phóng viên di chuyển luân phiên các điểm đảo, sau đó, các nhóm chia sẻ thông tin cho nhau. Để nắm bắt thông tin cẩn thẩn, kỹ lưỡng, tôi phải nhanh chóng nghĩ ra đề tài cần thực hiện. Đặc biệt, việc khai thác, thu thập thông tin qua phỏng vấn phải thật chi tiết, đúng trọng tâm. Để thực hiện tốt điều này, bên cạnh việc quan sát cách đồng nghiệp khai thác thông tin, tôi chủ động gặp các chiến sỹ, nói chuyện thân mật để có những thông tin cần thiết.
 
Phỏng vấn chiến sỹ hải quân tại đảo Đá Lớn C, huyện đảo Trường Sa

3. Ngày 26/12
Trong chuyến hải trình trên con tàu HQ 561, tôi không thể quên việc tác nghiệp tại lễ tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma. Buổi lễ được thực hiện trang nghiêm. Các thành viên trong đoàn công tác nghiêng mình kính cẩn trước anh linh các anh hùng liệt sỹ. Bên cạnh việc thực hiện nghi lễ tưởng niệm, anh em phóng viên chúng tôi còn phải thực hiện việc ghi lại những hình ảnh thiêng liêng đó. Để có góc hình đẹp, sát thực, chúng tôi chia nhau thành hai nhóm: Một nhóm tác nghiệp dưới xuồng, thực hiện những bức hình, góc quay bao quát, toàn diện; một nhóm trên tàu ghi hình cận cảnh hoạt động thả hoa và chim hạc. Chúng tôi phân công nhau đứng vị trí chụp, ghi hình hợp lý để có những hình ảnh đẹp mà không ảnh hưởng đến sự nghiêm trang của buổi lễ.

Ngày 8/1
Tàu cập cảng Cam Ranh. Gần 20 ngày lênh đênh trên biển không phải là khoảng thời gian dài, nhưng với tôi, mỗi giờ trên tàu, mỗi bước chân trên đảo đều là những trải nghiệm đáng nhớ. Chúng tôi dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, rời xa các thiết bị công nghệ, không Internet, bao quanh là biển cả mênh mông, những cơn mưa rào bất chợt, những cơn gió mang hơi nước mặn mòi của biển cả. Nhưng bù lại, tình cảm của quân dân trên đảo, của các thành viên trong đoàn công tác đã mang lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc. Tôi hiểu và càng cảm nhận được sự thiêng liêng của biển đảo quê hương, biết ơn những người lính đảo đã vượt qua bao khó khăn, chắc tay súng, ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Võ Văn Dũng
Số Xuân 2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ những cái tết vùng cao (21/01/2020 15:59:48)

90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020): Chi bộ phải là trung tâm đoàn kết (21/01/2020 15:59:08)

Làm tết, ăn tết ở trời Tây (21/01/2020 15:38:48)

Phóng viên Võ Thanh Sang: Địa bàn mới như một thử thách phải vượt qua (21/01/2020 15:33:03)

Ba năm sáu tết ở đất Chùa Tháp (21/01/2020 15:15:12)

Làm không hay thì ăn tết không ngon (21/01/2020 15:13:44)

Mùa xuân trên trang báo tết (21/01/2020 14:48:13)

Kỳ SEA Games lịch sử trên đất Philippines (21/01/2020 14:47:21)

Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn: Lặng thầm 2019 (21/01/2020 14:46:18)

Văn phòng TTXVN: Chi tiết tới từng đầu việc (21/01/2020 14:45:57)