Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Hãy dừng lại suy nghĩ trước khi chia sẻ


(30/08/2021 19:54:05)

Theo thống kê của Hootsuite, hành vi lớn nhất của người Việt khi lên mạng Internet là để nhắn tin. Nhu cầu trao đổi thông tin cũng thường đi kèm với hành vi chia sẻ một đường link, hay gửi một thông tin nào đó mà chúng ta nghĩ rằng mới mẻ với bạn bè của mình. Nên nhiều người cũng mất luôn thói quen mở một trang web, mà thường đọc tin tức qua đường dẫn mà bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc trong các nhóm trò chuyện qua ứng dụng nhắn tin.  Tuy nhiên, thói quen tiếp nhận thông tin qua các nền tảng truyền thông xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, mà nguy cơ lớn nhất chính là tin tức sai lệch (false news), hay theo cách gọi phổ biến hơn là tin giả (fake news).

Tại một hội thảo về báo chí tổ chức năm 2016, chuyên gia truyền thông Asha Philips, người sáng lập trang CrowdTangle (nền tảng đo lường thông tin trên mạng xã hội), từng đưa ra nhận định: Facebook/Twitter là trang chủ mới (Facebook/Twitter Is New Homepage).

Vào thời điểm đó, theo thống kê của Parse.ly, lượng người đọc các trang tin tức từ mạng xã hội đã vượt số người đọc từ công cụ tìm kiếm. Cho đến giờ, theo những số liệu mới nhất thì Google Search (cùng những công cụ tìm kiếm khác) đã giành lại lợi thế trong cuộc đua với các mạng xã hội. Song, tất cả đều phải thừa nhận, truyền thông xã hội (social media) là một xu thế không thể tránh khỏi.
 
Nếu căn cứ vào hành vi của chính chúng ta thì nhận định của vị chuyên gia nói trên là hoàn toàn hợp lý. Nhiều người thậm chí đã mất thói quen mở một trang “ruột” nào đó mỗi khi mở trình duyệt web. Bởi theo chuyên gia Asha Philips, “các tin tức quan trọng sẽ tự tìm đến chúng ta”.
 

Dự án truyền thông “Nói không với fake news” của TTXVN lan tỏa tới học sinh Đồng Tháp, tháng 7/2020
 
Theo thống kê của Hootsuite, hành vi lớn nhất của người Việt khi lên mạng Internet là để nhắn tin. Nhu cầu trao đổi thông tin cũng thường đi kèm với hành vi chia sẻ một đường link, hay gửi một thông tin nào đó mà chúng ta nghĩ rằng mới mẻ với bạn bè của mình. Nên nhiều người cũng mất luôn thói quen mở một trang web, mà thường đọc tin tức qua đường dẫn mà bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, hoặc trong các nhóm trò chuyện qua ứng dụng nhắn tin.
 
Tuy nhiên, thói quen tiếp nhận thông tin qua các nền tảng truyền thông xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, mà nguy cơ lớn nhất chính là tin tức sai lệch (false news), hay theo cách gọi phổ biến hơn là tin giả (fake news). Một nghiên cứu do các nhà khoa học của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) tiến hành, được đăng trên tạp chí uy tín “Science” năm 2017 cho biết, nếu tính riêng trên Twitter, tin tức sai lệch có độ lan truyền nhanh gấp 10-20 lần thông tin thật! Trên Facebook, biên độ dao động cũng nằm ở mức tương tự.
 
Cũng theo nghiên cứu này thì nguyên nhân chính nằm ở tâm lý của mỗi con người chúng ta. Ai nấy đều có nhu cầu chia sẻ những thông tin mà mình cho là mới mẻ đến người thân và bạn bè. Mà đã là tin mới thì thường chưa được kiểm chứng, trong khi tin tức đã được kiểm chứng rồi thì lại đã cũ.
 
Chính vì thế, như đã nói ở phần trên, mỗi khi xuất hiện một thông tin mới mẻ (chưa được kiểm chứng), các nhóm chat sẽ hoạt động hết công suất, tin tức sai lệch vì thế sẽ càng lan truyền mạnh hơn (viral).
 
Vậy có lời khuyên nào cho chúng ta trong kỷ nguyên truyền thông xã hội chiếm ưu thế như hiện nay?
 
Hãy dừng lại suy nghĩ trước khi chia sẻ. Đó là lời khuyên của các nhà khoa học MIT. Nếu ngạn ngữ cổ của chúng ta có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì trong thời đại ngày này, chúng ta cũng nên xoa bàn tay bảy lần trước khi chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà người ta hay dùng cụm từ “tay nhanh hơn não”.
 
Đương nhiên, đã là thời của công nghệ 4.0 thì chúng ta cũng cần áp dụng những công cụ hiện đại để tiến hành xác thực thông tin. Với những người làm báo chuyên nghiệp, xác thực thông tin càng cần được đề cao. Báo chí chính thống và báo chí công dân khác nhau ở chỗ đó, đi kèm theo đấy là chịu trách nhiệm về nguồn tin, như Luật Báo chí năm 2016 đã quy định
 
Chẳng hạn, với vụ “bác sỹ Trần Khoa rút ống thở” gây ồn ào mới đây, chỉ cần lấy ảnh đại diện của tài khoản Facebook này đưa vào công cụ Google Reverse Image, chúng ta ngay lập tức biết được rằng bức ảnh đó là của một vị bác sĩ người Singapore, có danh phận đàng hoàng.
 
Tin giả “bác sỹ Trần Khoa rút ống thở” được nhiều tài khoản Facebook chia sẻ

Hay nếu sử dụng công cụ YouTube Data Viewer, chúng ta cũng dễ dàng nhận biết đoạn video “cứu sống em bé bị đất đá vùi lấp trong trận động đất ở Nepal năm 2015” thật ra là được quay ở Syria năm 2014. Đoạn video nhầm lẫn kia thậm chí từng được phát trên chương trình Chuyển động 24h của VTV, cho thấy ai cũng sẽ trở thành nạn nhân của tin tức giả nếu không tuân thủ những quy trình xác thực thông tin nghiêm ngặt.
 
Đương nhiên, bản thân các mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm khi tin tức giả được lan truyền trên nền tảng của mình. Facebook hay Twitter đều đã thắt chặt việc kiểm chứng thông tin khi hợp tác chặt chẽ với các công cụ fact-check của nhiều hãng thông tấn uy tín, đặc biệt từ đợt bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Đến cả tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã bị hai nền tảng này khoá vĩnh viễn vì chia sẻ những thông tin sai sự thật.
 
Năm 2016, khi ti Thông tấn xã Việt Nam thực hiện khoá đào tạo do WAN-IFRA tài trợ, hai vị chuyên gia người Na Uy (đều từng là tổng biên tập của các tờ báo lớn tại nước này) đã giới thiệu mô hình Faktisk, tức trang kiểm chứng thông tin do các cơ quan báo chí Bắc Âu đứng ra thành lập. Nhiều trang tương tự như Politifact, Snopes hay công cụ Factcheck của Google cũng đã ra đời để tham gia vào cuộc chiến chống tin tức giả. 
 
Bên cạnh đó, các chiến dịch nâng cao nhận thức cũng đóng vai trò quan trọng, như cách mà Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam tổ chức hướng dẫn cách nhận biết tin giả cho học sinh một số tỉnh thành, kết hợp với kênh TikTok Factcheckvn trên nền tảng mạng xã hội dành cho thế hệ Z.
 
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn nằm ở bản thân mỗi người dùng mạng xã hội, khi cần tạo thói quen nghi ngờ mỗi lần đối diện với bất kỳ thông tin nào chưa được kiểm chứng. Bởi đằng sau đó còn là trách nhiệm với cộng đồng, nhất là trong thời dịch bệnh. Đừng để tay nhanh hơn não!
 
MỘT SỐ CÔNG CỤ ĐỂ KIỂM CHỨNG THÔNG TIN:

* Google Reverse Image: Tải hình ảnh muốn kiểm chứng lên, công cụ sẽ tìm kiếm được trang web đầu tiên (hoặc sớm nhất có thể) đăng tải bức ảnh đó.

* YouTube Data Viewer: Dán đường link YouTube cần kiểm chứng, công cụ sẽ kết hợp với Google Reverse Image để truy nguyên đoạn video đó.

* Google Fact Check: Kiểm chứng thông tin theo từ khóa hay chủ đề.

* Google Street View, Google Earth: Kiểm chứng địa điểm trong các bức ảnh được đăng tải trên mạng.

* Microsoft Authenticator: Phát hiện các video dạng deepfake.

Nguyễn Hoàng Nhật - Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 8/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Những ngày không quên (30/08/2021 19:04:48)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba (30/08/2021 19:00:15)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Rèn nghề trong đại dịch (30/08/2021 18:56:09)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Cho ngày trở về bình an (30/08/2021 18:55:37)

Hành trình nhân văn (30/08/2021 17:30:05)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Đồng hành trên những chuyến xe (30/08/2021 16:58:19)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan (30/08/2021 16:51:38)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Nóng theo diễn biến dịch bệnh  (30/08/2021 16:11:12)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Bám sát địa bàn để thông tin (30/08/2021 16:08:01)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Phương thức tác nghiệp mới  (30/08/2021 15:55:26)