Thứ tư, ngày 03/07/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Hồi ức tháng Ba


(08/04/2009 09:18:07)

Tháng Ba, tháng của mùa xuân, tháng "Bác Hồ với thanh niên", mỗi lần đến lại gợi trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp về một con người mà phần lớn cuộc đời gắn liền với lịch sử phát triển của Đoàn ta.

          Tên ông là Vũ Quang, người con của "làng tiến sĩ" Mộ Trạch, đất Sơn Tây, nổi tiếng với 36 vị tiến sĩ. Cụ thân sinh ra ông, một nhà giáo cương trực không chịu sự chèn ép của quan Tây đã bị chúng đầy lên tận Chợ Rã - Bắc Kạn, rồi đến miền sơn cước Tuyên Quang. Thuở nhỏ, Vũ Quang học rất giỏi, đỗ cao, được về Hà Nội học trường Bưởi năm 13 tuổi. Chính tại trường Bưởi, chàng thiếu niên được tuyên truyền giác ngộ cách mạng và bắt đầu dấn bước trên con đường tranh đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

          Năm 1944, ở tuổi 18, ông trở thành đảng viên cộng sản và năm sau, chưa tròn 19 tuổi, ông được cử đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào với tư cách thành viên đoàn đại biểu của Thành bộ Việt minh Hà Nội. Trưởng đoàn là đồng chí Vũ Oanh, một người bạn thân thiết suốt đời của Vũ Quang, năm đó cũng vừa tròn 20 tuổi.

          Hơn 34 năm công tác trong phong trào thanh niên, Vũ Quang hai lần là Bí thư Thành đoàn  Hà Nội; trong kháng chiến chống Pháp làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc Liên khu 3; từ 1962 đến 1978 là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Như vậy, ông là người giữ vị trí lãnh đạo Đoàn với quãng thời gian lâu nhất từ trước tới nay. Với riêng ông, dù sau này đảm nhiệm nhiều trọng trách khác, như Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại, Trưởng ban Dân vận Trung ương,... nhưng thời kỳ tham gia công tác thanh niên vẫn in đậm trong ông những dấu ấn sâu sắc nhất.

          Chúng tôi, một số phóng viên trẻ tuổi của TTXVN, may mắn có nhiều dịp gặp ông do yêu cầu công tác, đặc biệt trong những đợt tuyên truyền nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Riêng tôi đã viết nhiều điều ông nói. Song, do tính chất của tin, bài thông tấn, tôi chưa thể trình bày hết mọi điều, nhất là về các sự kiện quan trọng của Đoàn mà ông Vũ Quang luôn có mặt với tư cách là một nhân chứng, một người lãnh đạo. Tôi cũng ghi lại nhiều mẩu chuyện cảm động về Bác Hồ đối với thế hệ trẻ do chính ông Vũ Quang kể với một tấm lòng thành kính, xúc động. Ông cho biết, lần đầu tiên được gặp Người là tại Đại hội Quốc dân Tân trào lịch sử. Rồi 25 ngày sau lễ Quốc khánh 2/9/1945, Người đến thăm và huấn thị với Đại hội Đoàn Thanh niên Hoàng Diệu. Nhưng có hai sự kiện ghi dấu ấn sâu sắc nhất đối với ông. Đó là dịp ông dẫn đầu Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới tại Bu-ca-rét năm 1953. Tại Đại hội này, đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã nhờ đoàn đại biểu ta kính chuyển lên Bác Hồ bức chân dung Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua (Tours) năm 1920. Bức ảnh được phóng cỡ lớn 75x50 cm, đóng khung rất đẹp. Truởng đoàn Pháp là nữ đồng chí M. Van - hu - tê, Tổng thư ký Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp, xúc động nói: "Chúng tôi xin nói với các bạn Việt Nam rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Và như vậy, Bác từng là người lãnh đạo của Đảng chúng tôi".

          Trở về nước, vào một buổi tối giữa núi rừng Việt Bắc, Vũ Quang cùng một số đại biểu trong đoàn đến báo cáo với Bác về diễn biến của Đại hội liên hoan, về tình cảm của thanh niên các nước, nhất là thanh niên Pháp đối với Bác Hồ, nhân dân và thanh niên ta. Nhận bức ảnh lịch sử, dưới ánh đèn dầu, Bác Hồ nhìn một hồi lâu, gương mặt đầy vẻ xúc động. Rồi Người nói, giọng rất nhỏ: "Không ngờ các cháu thanh niên cộng sản Pháp còn giữ được bức ảnh này!". Và ngày 15/11/1953, Bác đã gửi một bức thư đầy tình cảm tới các bạn nam nữ thanh niên Pháp.

          Sự kiện lớn thứ hai là một ngày tháng 7 năm 1969, giữa buổi sáng mùa hè rất đẹp trời, Bác cho gọi Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đến nhà sàn của Bác. Ngồi đợi Bác, ông Vũ Quang thấy trên bàn có bao thuốc lá Thủ đô. Ông rút một điếu, vừa lúc đó Bác vào. Người hỏi: "Chú hút thuốc à?" "Thưa Bác, không ạ. Cháu thấy có bao thuốc bóc sẵn nên lấy một điếu...". Bác cười và cho biết, theo lời khuyên của bác sĩ, Bác đã bỏ thuốc lá và không ăn ớt hai năm nay rồi.

          Chỉ có hai bác cháu ngồi trong phòng. Ông Quang thấy Bác đã gầy đi nhiều. Người không đi giày, nhưng chân có bít tất. Ông đâu có ngờ chỉ một tháng rưỡi sau, Người đã vĩnh viễn ra đi.

          Trong gần một giờ gặp và trò chuyện với người đứng đầu tổ chức Đoàn, Bác tỏ rõ mối quan tâm đặc biệt đối với việc "trồng người", tức là việc đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ cách mạng tiếp theo, kế tục sự nghiệp vẻ vang của những người đi trước. Qua những lời Người nói, ông Quang cảm nhận thêm ở Bác Hồ một niềm yêu thương vô bờ bến và lòng tin sâu sắc vào thế hệ trẻ. Trước khi tiễn khách ra về, Bác nói:

          - Đoàn thanh niên cần phát triển tốt lực lượng hơn nữa. Đoàn đã có gần hai triệu đoàn viên, đó là nòng cốt, là hạt nhân, cần chăm lo đoàn kết thanh niên trong mặt trận rộng lớn, đó là Hội liên hiệp Thanh niên. Bác rất mong tổ chức Đoàn phát huy hơn nữa những ưu điểm, đồng thời giúp mọi đoàn viên và thanh niên tự phê bình, khắc phục những mặt còn non yếu. Bác thấy thanh niên có ưu điểm nổi bật là hăng hái. Nhưng khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh "anh hùng". Phải giáo dục cho các cháu nhiều ở đức tính khiêm tốn, ở tinh thần xả thân vô điều kiện.

          Ông Vũ Quang lắng nghe lời Bác dạy, ghi nhanh vào cuốn sổ tay. Còn nhớ, trong một lần tiếp xúc thân tình, ông cho tôi xem cuốn sổ ấy. Nét chữ liến thoắng nhưng đọc được. Không biết cuốn sổ đó bây giờ ở đâu. Tôi nghĩ có thể đặt nó vào phòng lưu niệm của Đoàn ta, như một báu vật có dấu ấn về những khoảnh khắc đáng ghi nhớ về Bác Hồ, người Cha, người Bác, người Ông của thế hệ trẻ Việt Nam. Đó cũng là bút tích của nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đoàn ta. Đã hơn hai năm kể từ ngày Vũ Quang từ giã cõi đời này, lên đường đi gặp Bác, nhưng hình ảnh và tên tuổi của ông mãi mãi gắn liền với lịch sử phát triển của Đoàn ta.

 

Vũ Hiền Lương
Theo NSTT số 3/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bà Nguyễn Thị Mai - người giữ lửa truyền thống gia đình (19/01/2009 09:57:30)

Tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động (16/01/2009 08:43:22)

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về tự học (03/12/2008 12:26:28)

Học tập tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" trong công tác bồi dưỡng cán bộ (03/12/2008 12:22:18)

Thấm lời Bác dạy:
Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?
 (07/10/2008 09:59:01)

Tin người tốt, việc tốt (07/10/2008 09:38:34)

Nhớ ông nghiệp vụ thương binh ấy (01/08/2008 10:54:28)

Cán bộ VNA8 học tập Bác Cần, Kiệm, Liêm, Chính (01/08/2008 10:00:53)

Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh - Điều không thể thiếu đối với mỗi phóng viên (01/08/2008 09:59:41)

Học Bác Hồ viết giải dị "cho dân dễ hiểu, dễ làm theo" (02/06/2008 10:14:43)