Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Làm tin hình về biểu tình ở Hong Kong - sự phối hợp mang lại thành công


(04/12/2014 09:56:08)

Với tin văn bản hay tin ảnh, người phóng viên có thể "độc lập tác chiến" nhưng với tin hình, sự phối hợp là một yếu tố quan trọng, quyết định phần lớn chất lượng của một tin, bài truyền hình. Với trải nghiệm trong những lần đưa tin về làn sóng biểu tình "Chiếm Trung tâm" đang diễn ra tại Hong Kong, tôi đã rất "thấm" kinh nghiệm này.

Phóng viên Tiến Trung dẫn hiện trường, phóng viên Đức Nam quay phim

Để có một tin truyền chất lượng, kịp giờ phát sóng và phù hợp với định hướng cũng như yêu cầu của Tổng xã, đặc biệt là trong những sự kiện nhạy cảm như làn sóng biểu tình "Chiếm Trung tâm" đang diễn ra tại Hong Kong (HK), cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, bao gồm phối hợp trong - ngoài (Tổng xã với Cơ quan thường trú) và phối hợp tại chỗ. Xin kể về lần chúng tôi làm tin truyền hình về cuộc đối thoại đầu tiên giữa đại diện chính quyền HK và đại diện sinh viên biểu tình. Với mục đích khi cuộc đối thoại vừa kết thúc thì ở Tổng xã có ngay thông tin và hình ảnh để phát sóng kịp thời, trước khi sự kiện diễn ra, chúng tôi đã chủ động trao đổi với phòng Media, Ban biên tập tin Thế giới, để phối hợp thật nhịp nhàng và ăn khớp. Cuộc đối thoại bắt đầu lúc 18 giờ và kết thúc lúc 20 giờ HK (tức 19 giờ Việt Nam), với rất nhiều nội dung. Chính vì vậy, chúng tôi đã thống nhất là Cơ quan thường trú (CQTT) HK sẽ chỉ dẫn hiện trường phần đầu và phần cuối của tin, sau đó ghép với phần nội dung và kết quả đối thoại do phòng Media chủ động xử lý, thế mới kịp phát trong bản tin 21 giờ trên Truyền hình Thông tấn.

Thời gian có hạn, cách di chuyển nhanh nhất lại là... đi bộ (vì người biểu tình phong tỏa một số tuyến đường). Sau khi thống nhất cách làm, tôi đã viết trước phần dẫn hiện trường ở đầu tin, rồi cùng đồng nghiệp Đức Nam đi ghi hình. Cũng xin nhấn mạnh thêm là trong khi làm tin truyền hình, sự phối hợp tại chỗ cũng rất cần thiết, bởi đểđược những cảnh quay đẹp và chất lượng, giữa người quay phim và phóng viên dẫn hiện trường phải có sự kết nối, người quay phim sẽ có những hướng dẫn, điều chỉnh cho phóng viên về góc độ hình ảnh, trang phục, tốc độ dẫn... Quay xong phần dẫn đầu tin, chúng tôi quay cảnh người biểu tình đang tập trung theo dõi cuộc đối thoại được phát trên truyền hình qua các màn hình công cộng.

Sau khoảng 30 phút di chuyển và ghi hình, chúng tôi lại đi bộ về CQTT để dựng phần nội dung cuộc đối thoại và phần dẫn đầu tin, rồi nhanh chóng gửi về Tổng xã bằng hai máy tính. Với cách làm này, chúng tôi đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian.

Ngay sau khi kết thúc sự kiện, chúng tôi lấy thông tin về toàn bộ nội dung cuộc đối thoại gửi về để phòng Media xử lý. Tiếp đó, tôi viết nốt phần dẫn cuối rồi lại cùng phóng viên Đức Nam ra ngoài để ghi hình. Sau đó chúng tôi trở về, dựng rồi gửi nốt phần dẫn cuối về Tổng xã, sớm được hơn một tiếng so với giờ phát sóng bản tin ở nhà. Tin hình này đã được Tổng xã đánh giá cao về tính thời sự và công tác phối hợp.

Tiến Trung –PV TTXVN tại Hong Kong
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một năm làm quen với nghề, với ngành (04/12/2014 09:51:25)

“Đoảng như ba “chàng” phóng viên Đồng Tháp (31/10/2014 10:36:01)

Mảnh đất, con người An Giang thúc giục chúng tôi lên đường (05/09/2014 15:07:03)

Làm báo ở "trời Tây" (31/07/2014 09:43:43)

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Hành trình vào vùng chiến sự (01/04/2014 10:47:29)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)