Trao đổi - Thảo luận
Thông tin truyền hình: Phát huy thế mạnh từ cơ quan thường trú tại địa phương
(05/09/2014 15:26:39)
Có thể nói, Truyền hình thông tấn (VNEWS) tạo dựng được chỗ đứng trong lòng khán giả là nhờ vào định hướng "Kênh truyền hình tin tức chuyên biệt". Trong bản sắc "tin tức chuyên biệt" ấy, có sự đóng góp rất lớn của các phóng viên thường trú trong nước với mảng tin tức thời sự địa phương.
PV các CQTT đã khá thông thạo việc làm tin truyền hình
Đã khẳng định được giá trị...
"Làm truyền hình vất vả nhưng vui"- đó là tiếng nói chung của đa số phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) khu vực phía Nam. Kể từ khi tham gia làm thông tin truyền hình, công việc của phóng viên thêm khó khăn, bận rộn nhưng bù lại anh em được có thêm trải nghiệm trong một lĩnh vực mới mẻ và thú vị. Chính sự mới lạ của truyền hình tạo cơ hội cho phóng viên TTXVN khẳng định năng lực, trình độ của mình. Phóng viên thông tấn đã được đào tạo nền tảng khá bài bản về nghiệp vụ báo chí, nên khi tiếp xúc với lĩnh vực truyền hình, tiếp thu những kỹ năng mới, họ không quá khó khăn. Chỉ sau vài tuần tập huấn về các kỹ thuật quay phim, dựng phim, ngôn ngữ hình ảnh viết kịch bản, dẫn hiện trường... nhiều phóng viên đã có thể tự hoàn thành một sản phẩm truyền hình (tin, bài, phóng sự).
Đảm nhiệm thêm mảng thông tin truyền hình, giờ đây, phóng viên thường trú đi tác nghiệp không đơn giản như xưa nữa mà mang trên người lỉnh kỉnh cả chục ký, nào là chân máy, máy quay phim, máy tính xách tay, máy ảnh và cả những thiết bị khác. Nhưng nhiều người đã bắt nhịp khá nhanh. Sỹ Tuyên (Đồng Nai), Dương Chí Tưởng (Bình Dương), Lê Huy Hải (Cà Mau), Thanh Liêm (Bạc Liêu), Đặng Tuấn, Nguyễn Dũng (Lâm Đồng), Kgửi H (Đắk Nông)... đã quen cảnh một mình xe máy "cưỡi", trèo đèo vượt suối chinh chiến khắp nơi. Có những ngày họ chạy xe máy hàng trăm km để đến hiện trường ghi hình những vụ tai nạn, thiên tai hoặc các sự kiện nóng xảy ra trên địa bàn thường trú.
Học làm truyền hình để rèn kỹ năng tác nghiệp
Với những phóng viên "đa di năng" như thế, nhiều CQTT đã phát huy thế mạnh của truyền hình để tạo được dấu ấn đậm nét với địa phương. Phóng viên Dương Chí Tưởng chia sẻ, nhân dân và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đánh giá rất cao vai trò của truyền hình Thông tấn. Ngay cả Đài PTTH Bình Dương bây giờ cũng phải cạnh tranh với truyền hình Thông tấn.
Thực tế, truyền hình đang mở ra nhiều lợi thế về vai trò, sự hiện diện của TTXVN trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, VNEWS là kênh truyền hình duy nhất có đội ngũ phóng viên ở tất cả 63 tỉnh thành liên tục cập nhật thông tin thời sự.
...Nhưng vẫn cần nỗ lực để nâng tầm
Với sự quan tâm của ngành, thời gian gần đây, tất cả các CQTT đã được trang bị máy quay phim, những máy cũ kém chất lượng dần được thay mới. Đồng thời, các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ truyền hình được tổ chức đều đặn hàng năm để cập nhật kịp thời cho phóng viên những kiến thức chuyên môn mới. Do đó chất lượng các bản tin truyền hình ngày được tăng lên rõ rệt. Sự kiện Liên hoan truyền hình mini khu vực phía Nam (tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh giữa tháng 6/2014, với sự tham gia của 21 CQTT) cho thấy, chất lượng sản phẩm thông tin truyền hình của khu vực phía nam có những bước tiến. Nhiều tác phẩm dự giải có tính phát hiện, có ảnh hưởng xã hội và được thể hiện một cách chuyên nghiệp. Đặc biệt có những phóng sự có tính chiến đấu, thẳng thắn chỉ ra những bất cập từ thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp tốt, góp phần giải quyết những tồn tại của địa phương.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Ông Hoàng Đức Long, Trưởng phòng Thông tin trong nước của VNEWS, một thành viên Ban giám khảo Liên hoan truyền hình mini khu vực phía Nam, cho biết, có những phóng sự cho thấy sự phát hiện đề tài khá tốt, nhưng cách khai thác lại chưa tập trung, chưa sâu sắc. Thực tế, VNEWS còn rất thiếu những phóng sự chuyên sâu.
Thẳng thắn mà nói, phóng viên CQTT vẫn mắc những lỗi cơ bản như chưa chú ý đến các yếu tố kỹ thuật (âm thanh, hình ảnh...). Một số phóng sự mới chỉ dừng lại ở việc nêu ra vấn đề. Một điểm yếu nữa là phần lời bình của các phóng sự truyền hình vẫn mang nặng phong cách báo in, lời nhiều nhưng hình ảnh ít, không đủ độ hấp dẫn khán giả. Việc xuất hiện tại hiện trường của các phóng viên trong các phóng sự còn quá ít ỏi, trong khi dẫn hiện trường là yếu tố rất quan trọng để nâng "chất" của bản tin, thể hiện sự có mặt của phóng viên thông tấn ở hiện trường cũng như bản sắc riêng của VNEWS.
Lê Huy Hải- Trưởng CQTT Kiên Giang:
Truyền hình là lĩnh vực thông tin đòi hỏi phóng viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Để làm tốt thông tin truyền hình, phóng viên phải luôn tìm tòi, học hỏi, nâng cao tay nghề và linh hoạt, sáng tạo nhạy bén trong từng chủ đề; không ngồi đợi thư mời, hạn chế làm tin hội thảo, hội nghị, mà nên tăng cường đi cơ sở để có tin từ thực tế cuộc sống
Sỹ Tuyên- CQTT Đồng Nai:
Truyền hình thông tấn đang từng bước tạo được dấu ấn trong lòng độc giả. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi được đóng góp vào thành công của VNEWS trong thời gian qua. Lợi thế của phóng viên CQTT là tác nghiệp độc lập, vừa quay phim, vừa đạo diễn vừa viết lời bình, được chủ động hoàn toàn trong một bản tin.
Chúng tôi rất coi trọng các lớp đào tạo nghiệp vụ truyền hình do ngành tổ chức. Vừa làm vừa học, dù khá "căng" về thời gian nhưng lại rèn được các kỹ năng.
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Mảnh đất, con người An Giang thúc giục chúng tôi lên đường (05/09/2014 15:07:03)
Đông càng phải mạnh (05/09/2014 14:22:41)
Các tòa soạn báo in làm báo điện tử: Phân vân ba ngả rẽ (31/07/2014 10:18:00)
Làm báo ở "trời Tây" (31/07/2014 09:43:43)
Chi hội nhà báo báo Tin Tức: Ươm mầm giải, hái thành công (31/07/2014 09:35:59)
Những "mỏ vàng" Thông tấn (30/07/2014 16:14:41)
Sẽ có nhà báo rô bốt? (01/07/2014 14:36:06)
Phóng viên thường trú Bangkok - Những trải nghiệm khó quên (01/07/2014 10:59:26)
Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)
Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)